Còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Góp ý hoàn thiện Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, một số ý kiến tại Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đánh giá, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực.

Hiến kế thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng 

Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đồng tình với các nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu trong Báo cáo; đồng thời đề xuất một số giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy 3 động lực truyền thống: xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư.

Theo đại biểu, bên cạnh việc tiếp tục đàm phán thuế đối ứng với Mỹ (yếu tố tác động lớn đến tăng trưởng) phải tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, trong đó có Trung Quốc. Theo thống kê, những tháng đầu năm 2025, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm mạnh, do đó Nhà nước cần can thiệp trực tiếp vào quá trình sản xuất, như đưa ra hướng dẫn, tiêu chuẩn cụ thể của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, ban hành các “chính sách nóng” như thưởng xuất khẩu đối với doanh nghiệp nào xuất được các mặt hàng cần thiết duy trì xuất khẩu.

Bên cạnh đó, giữ vững thị trường nội địa, bởi nếu không cẩn trọng, sản phẩm hàng hóa các nước vào Việt Nam và trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam. Đại biểu đánh giá cao thời gian qua Chính phủ đã kiểm soát tốt tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Nhiệm vụ này cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện để khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Cùng với đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, thông qua các chính sách như tiếp tục giảm thuế VAT 2%; hoãn thời gian thi hành một số luật liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt; thực hiện giãn hoãn các loại thuế, phí…

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị để tăng trưởng và thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, thì cần các giải pháp như: giảm phí visa; thử nghiệm miễn visa cho một số khu vực du lịch như Phú Quốc; có chính sách thưởng du lịch cho những tour du lịch đón được khách từ thị trường mong muốn.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm; mỗi khu du lịch nên quy hoạch khu vực phát triển kinh tế đêm, trong đó có thể xem xét miễn tiền thuê mặt bằng cho người dân, nới lỏng các điều kiện kiểm soát và chỉ tăng cường kiểm soát an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư, mặc dù Chính phủ nêu các giải pháp quyết liệt thực hiện giải ngân đầu tư công, nhưng dự báo sẽ khó đạt mục tiêu. Do đó, cần thay đổi phương thức giải ngân đầu tư công, không chỉ theo cách truyền thống, mà cần khuyến khích sang khu vực đầu tư tư nhân. Trong đó, lưu ý tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn phát triển bất động sản, tập trung giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội để tạo ra tăng trưởng bền vững; đồng thời đẩy nhanh cơ chế đặt hàng cho các doanh nghiệp nhà nước, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo bứt phá sản xuất nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến một số giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Đại biểu nêu tình trạng được mùa, mất giá trong nông nghiệp vẫn diễn ra, trong khi đó khâu chế biến, chế biến sâu chưa phát triển, nông sản chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, bán tại phân khúc thị trường giá thấp.

Còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) phát biểu

Theo đại biểu, đáng lo ngại, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phục vụ nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy móc, thiết bị chế biến) đang nhập khẩu. Mặc dù năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp đạt kết quả tốt, nhưng chúng ta vẫn phải chịu chi phí lớn cho việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất; mặc dù giá trị thặng dư lớn, nhưng lợi ích mang lại cho người nông dân không cao.

Đại biểu đề nghị cần ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát để phát huy các ngành có lợi thế của địa phương; hình thành các vùng nguyên liệu ổn định và đủ lớn, đặc biệt là việc tổ chức sản xuất tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung khâu chế biến, nhất là chế biến sâu; hạn chế tối đa xuất khẩu thô, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định, đủ lớn.

Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn trách nhiệm, quyền lợi giữa các chủ thể trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chương trình hỗ trợ, nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo cho nông dân, từng bước hình thành tầng lớp nông dân chuyên nghiệp trong thời đại 4.0. Họ vừa am hiểu kỹ thuật, vừa làm chủ công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; họ không chỉ là chủ trang trại, doanh nhân nông nghiệp, mà còn biết phát triển các ngành nghề nông thôn, đa dạng hóa sinh kế và tạo ra giá trị gia tăng cho cộng đồng. Từ đó, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, hiện đại, những người làm chủ chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tạo bứt phá thực chất về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường. Có các chương trình nghiên cứu trọng điểm; đề xuất các chính sách đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Góp ý vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, các ý kiến đều khẳng định, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên. Chính phủ xác định công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, ban hành nhiều văn bản để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị đã xây dựng, triển khai Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý của mình. Kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 đã góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, báo cáo cần tiếp tục đánh giá nguyên nhân sâu xa của những tồn tại, hạn chế của lãng phí. Bởi trên thực tế còn nhiều lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công; lãng phí  trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên; lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân…

Theo đại biểu, trong đại dịch Covid-19 có trên 1 tỷ người đứt bữa. Vì vậy, chỉ khi nào tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức cơ bản của con người, khi đó mới thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí thường xuyên được; cần phát động thành phong trào rộng rãi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần có quy định xử lý các nhà thầu chào giá thấp bất thường

Cần có quy định xử lý các nhà thầu chào giá thấp bất thường

(PNTĐ) - Chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Hà Nội: Tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2024 - 2025

Hà Nội: Tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2024 - 2025

(PNTĐ) - Ngày 23/5, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ Tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu Thủ đô năm học 2024-2025. 851 học sinh tiêu biểu đại diện 2,3 triệu học sinh các cấp học đã được tuyên dương, khen thưởng tại buổi lễ.
Không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trong thời gian Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trong thời gian Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương

(PNTĐ) -  Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký ban hành Công điện số 2281/CĐ-BVHTTDL về việc treo cờ rủ và tạm dừng các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí công cộng trong thời gian tổ chức Lễ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.