Đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP
(PNTĐ) - Sáng 17/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Kịp thời tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 , Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 về hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận số 123-KL/TƯ ngày 24/01/2025, Kết luận số 126-KL/TƯ ngày 14/2/2025, Kết luận số 127-KL/TƯ ngày 28/2/2025, Nghị quyết số 193/2025/QH15, Nghị quyết số 192/2025/QH15 và Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành về tài chính - ngân sách để đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 8%.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi các luật của ngành tài chính, Chính phủ (Bộ Tài chính) đã nhận được các ý kiến, đề nghị của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kiến nghị các nội dung vướng mắc, chồng chéo giữa các luật và trong từng luật cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, để hoàn thiện thể chế nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và giải quyết một số vướng mắc thực tế trong quá trình thực thi và quản lý, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều tại 7 Luật để xây dựng dự án 1 Luật sửa 7 Luật, gồm: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thận trọng, bám sát mục tiêu sửa đổi luật, tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ; nhằm bảo đảm tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân; bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, có cơ chế hậu kiểm minh bạch, hiệu quả, tránh tạo kẽ hở và lợi dụng chính sách.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định hoạt động đấu thầu đối với việc mua sắm thường xuyên, phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả, gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực và trách nhiệm giải trình để bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính.

Đối với trường hợp sử dụng vốn ngân sách nhà nước, cần áp dụng Luật Đấu thầu; đồng thời đề nghị rà soát nội dung bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc tại Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang được sửa đổi.
Dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng cho phép chủ đầu tư, người có thẩm quyền căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế của gói thầu, dự án để lựa chọn áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, quy định này có thể tạo điều kiện rút ngắn thời gian hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhưng dễ dẫn đến phát sinh cơ chế xin – cho, trục lợi chính sách, giao thầu, chỉ định thầu trong phạm vi hẹp cho một số doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thân hữu, dẫn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có điều kiện tiếp cận việc mua sắm công, tham gia các dự án đầu tư công.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động chính sách, báo cáo rõ về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn để Quốc hội xem xét, quyết định.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Chính phủ đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP và không yêu cầu phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ đối với trường hợp cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ cao tốc sẵn có hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất này, bổ sung đánh giá tác động đầy đủ và quy định trong dự thảo Luật bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ có hợp đồng được ký kết trước ngày Luật PPP năm 2020 có hiệu lực.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm cơ sở chính trị và quy định chặt chẽ trong dự thảo luật; chỉ áp dụng đối với các dự án mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước, đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, cụ thể, nhằm bảo đảm tính rõ ràng, nhất quán, minh bạch và tránh những kẽ hở về chính sách.