Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Sở Y tế Hà Nội
(PNTĐ) - Sáng 26/4, Đoàn giám sát số 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Tổ trưởng Tổ 2 đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 thuộc Sở Y tế Hà Nội”.
Tại buổi làm việc, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo liên quan đến các vấn đề giám sát. Theo đó, ngành y tế Hà Nội hiện có 80 đơn vị trực thuộc gồm: 3 đơn vị hành chính nhà nước; 77 đơn vị sự nghiệp chia thành 3 khối (42 bệnh viện, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với 579 trạm y tế xã/phường/thị trấn và 4 nhà hộ sinh, 52 phòng khám đa khoa khu vực).
So với năm 2016, số lượng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế giảm 9 đơn vị (thành lập mới 2 đơn vị và giảm do sáp nhập 11 đơn vị). Việc sáp nhập, tổ chức lại đơn vị thực hiện đúng theo quy định, tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối.
Việc quản lý và sử dụng biên chế hiệu quả, hợp lý, phân loại theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại bảo đảm về cơ cấu theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ cao. Tính đến ngày 31/12/2023, số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách của năm 2023 so với năm 2017 giảm 11.991 người (tương đương 55,4%).
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế Hà Nội, UBND thành phố ban hành các Quyết định về việc phê duyệt Đề án đào tạo, tuyển dụng bác sĩ nội trú ngành Y tế Hà Nội. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Sở Y tế tuyển dụng được 112 bác sĩ nội trú vào làm việc tại các bệnh viện thuộc Sở.
Về thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến 31/12/2023, Sở Y tế đã ban hành các quyết định giao quyền tự chủ tài chính các năm 2023, 2024, 2025 cho 77/78 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Ngày 1/2/2024 ngành tiếp nhận 1 đơn vị đã tự chủ đảm bảo chi thường xuyên là Bệnh viện Nam Thăng Long.
Số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) của ngành là 37 đơn vị gồm các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa. Số đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) là 38 đơn vị gồm trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, trung tâm chuyên khoa và 2 bệnh viện chuyên khoa. Số đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4) là 3 đơn vị (Bệnh viện 09, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương).
Việc giao quyền tự chủ đã giúp các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn lực, phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao. Đồng thời giúp trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư phát triển, từ đó từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực y tế, báo cáo của Sở Y tế cũng chỉ ra một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2023. Đặc biệt là giai đoạn 2020-2022, các đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Việc ưu tiên cho công tác chống dịch làm gián đoạn và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị cũng như hoạt động chuyển đổi cơ chế tự chủ tại một số đơn vị. Thêm vào đó là áp lực công việc cao trong khi thu nhập thấp đã dẫn đến tình trạng nhiều bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của bệnh viện nghỉ việc tại các đơn vị công lập sang đơn vị ngoài công lập.
Ngoài ra, công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa thu hút người bệnh do cơ sở vật chất mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhân lực đối với tuyến y tế cơ sở còn mỏng, tại các trạm y tế chỉ có 1 bác sĩ; nhiều nơi không có bác sĩ phải tăng cường từ tuyến trên cũng gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng như các ý kiến được đưa ra trao đổi, làm rõ. Đồng chí Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của Sở Y tế và các đơn vị là hết sức tâm huyết, sát thực tiễn, giúp Đoàn giám sát có thêm thông tin, đặc biệt là nhìn nhận được những khó khăn của ngành y tế Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Sở Y tế Hà Nội hoàn thiện báo cáo sau buổi làm việc, trong đó tập trung đánh giá kỹ nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất những vấn đề mang tính chất đặc thù của thành phố. Đây là cơ sở để Đoàn giám sát đánh giá và kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan để có những chủ trương, định hướng đúng đắn giúp ngành y tế Hà Nội tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành trong thời gian tới.