Phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước: Động lực phát triển kinh tế tư nhân
Bài cuối: Nghị quyết 09 - Đưa “đặc sản” trở thành “di sản”
(PNTĐ) -Ngay từ thời điểm ra đời và sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/TU (NQ 09) của Thành ủy Hà Nội từng được ví như là một “đặc sản” riêng của Thủ đô. Vì cho tới hiện nay, Hà Nội vẫn là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành một Nghị quyết riêng biệt về vấn đề này và đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, làm thế nào để Hà Nội biến Nghị quyết “đặc sản” trở thành giá trị cốt lõi trong công tác phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước; từ đó làm động lực để phát triển kinh tế tư nhân góp phần phát triển, xây dựng Thủ đô vững mạnh.
Báo Phụ nữ Thủ đô đã ghi nhận những ý kiến “hiến kế”, đưa ra giải pháp của một số chuyên gia và Ban chỉ đạo cũng như các cấp ủy Đảng đang triển khai NQ 09.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố về thực hiện Nghị quyết 09:
Phải quyết tâm cao, cách làm phù hợp, khoa học, sát với thực tiễn
Cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thiết thực, hiệu quả hơn nữa về NQ 09, đặc biệt về quan điểm của Đảng đối với vấn đề kinh tế tư nhân, vấn đề xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài Nhà nước; đổi mới phương thức tuyên truyền. Trong thẩm quyền của Thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả đối với DN nói chung, trước hết là hơn 2.344 DN có tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân. Ban cán sự Đảng Ủy ban phải thiết lập kênh thông tin của chính quyền quận, huyện, thành phố với các DN này. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cũng đang xây dựng đề án, đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm quyền lợi cấp ủy các tổ chức Đảng này để có lớp tập huấn nghiệp vụ, mở lớp cảm tình đảng phù hợp với điều kiện của khối DN, khác với khối hành chính sự nghiệp.
Các quận, huyện, ban cán sự Đảng ủy ban cần thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các DN. Một mặt đẩy mạnh việc tuyên truyền, khảo sát, thành lập tổ chức đảng, một mặt cần nâng cao chất lượng của đảng viên, tổ chức Đảng, không chạy theo số lượng mà cần chú ý chất lượng, những đơn vị đã có tổ chức Đảng cần tiếp tục củng cố, để các đảng viên, tổ chức Đảng thực sự là những hạt nhân trong mỗi DN.
Tổ chức Đảng trong DN khu vực ngoài Nhà nước là mô hình đặc thù, khác với mô hình Nhà nước, mô hình hành chính sự nghiệp, nên không thể có mẫu chung cho các DN học hỏi lẫn nhau, phải phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi DN, đảm bảo đúng nguyên tắc điều lệ của Đảng, đảm bảo không phát sinh mâu thuẫn giữa tổ chức Đảng với các tổ chức, nhất là với Hội đồng quản trị, ban giám đốc. Điều này phụ thuộc vào năng lực, uy tín, sự nhạy cảm về mặt chính trị của bí thi chi bộ và cấp ủy đó.
Vì vậy, Đảng bộ khối cần thường xuyên, sát sao nắm bắt tình hình, trao đổi, cung cấp thêm kinh nghiệm để làm sao có tổ chức Đảng rồi và tổ chức đó phải hoạt động thực chất, hiệu quả, chứ không phải tạo thêm mâu thuẫn, cản trở sự phát triển của DN. Mục tiêu cuối cùng là có tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân trong các DN khu vực ngoài Nhà nước hoạt động hiệu quả, thực chất để giúp DN phát triển bền vững. Đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi trong thời gian tới Ban chỉ đạo phải quyết tâm cao, cách làm phù hợp, khoa học, sát với thực tiễn, đồng thời kiên trì, không nóng vội, không chạy theo thành tích.

Tiến sĩ Vũ Trọng Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh):
Tháo gỡ “điểm nghẽn”, biến nghị quyết “đặc sản” trở thành “di sản” tạo động lực phát triển kinh tế tư nhân
Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội luôn là địa phương tiên phong đi đầu trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách với những nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị. Trong đó, NQ 09 của Ban Thường vụ Thành ủy, là một Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các DN ngoài khu vực Nhà nước, đồng thời kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kết luận số 80 và Chỉ thị số 07-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa VIII.
NQ 09 được ví như một “đặc sản” riêng của Hà Nội và hi vọng sẽ trở thành một “di sản” đối với công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước. Để điều này trở thành hiện thực, các cấp ủy Đảng, ban lãnh đạo các DN ngoài Nhà nước cần quán triệt sâu sắc những nội dung của Nghị quyết trong tình hình mới để nó không ngừng phát huy tác dụng trong thực tiễn với những hiệu quả to lớn đối với sự phát triển của các DN ngoài Nhà nước. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Từ bài học thành công của Hà Nội, trên cơ sở đánh giá thực tiễn và tổng kết lý luận, Trung ương Đảng sẽ phát triển, nhân rộng ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên trong các DN ngoài Nhà nước còn có nhiều khó khăn, thử thách bởi những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện.
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, trong những năm tới, các cấp ủy Đảng và DN ngoài Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để cấp ủy, lãnh đạo các DN ngoài Nhà nước nhận thức đầy đủ, rõ hơn về vai trò, vị trí của công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Từ đó, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đối với sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao ý thức xây dựng tập thể, đơn vị vững mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, ban lãnh đạo các DN ngoài Nhà nước đối với công tác xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên và không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước; tổ chức Đảng và cấp ủy chính quyền địa phương cần chủ động vào cuộc cùng “chia lửa” với các DN và cử đảng viên công tác tại các ban Đảng của các quận, huyện ủy, Đảng ủy Khối xuống sinh hoạt tại DN để kịp thời giúp thành lập chi bộ ở những nơi
chưa có đủ số lượng đảng viên theo quy định và coi đây là hạt nhân quan trọng giúp DN phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người lao động.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các mô hình, tổ chức Đảng, đoàn thể tại DN theo hướng bài bản, khoa học và tiếp tục xây dựng, ban hành quy định về nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức Đảng trong các tổng công ty sau cổ phần hóa có vốn Nhà nước chi phối và không chi phối.

Ông Lưu Công An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh (Phenikaa)
Gắn phát triển sản xuất kinh doanh với phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ một chi bộ với 7 đảng viên đến nay toàn Đảng bộ công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh (Phenikaa) đã có 288 đảng viên sinh hoạt tại 15 chi bộ trực thuộc. Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy cho đến nay đã thành lập được 2 chi bộ trực thuộc Đảng ủy và hàng năm kết nạp được từ 10 đảng viên trở lên.
Qua thực tiễn hoạt động và phát triển, các bài học kinh nghiệm Ban chấp hành Đảng bộ Phenikaa rút ra là sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của Đảng bộ đồng hành với sự tăng trưởng liên tục và bền vững của tập đoàn. Sự thống nhất cao giữa Hội đồng quản trị và Đảng ủy Tập đoàn trong việc ghi nhận những đảng viên trong Đảng bộ là lực lượng nòng cốt, là những cá nhân ưu tú nhất đóng góp cho sự phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn, nâng cao đời sống người lao động và đóng góp cho sự phát triển của địa phương, đất nước. Đội ngũ đảng viên là những người ưu tú nhất quyết định sự phát triển bền vững của DN. Xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh phát triển về số lượng và chất lượng đồng nghĩa với tập hợp được đội ngũ những con người ưu tú cùng hướng tới thực hiện mục tiêu chính trị trọng tâm của Đảng bộ.
Do đó, giải pháp để Đảng bộ Phenikaa thực hiện NQ 09 hiệu quả trong thời gian tới là không ngừng tăng cường đào tạo các quần chúng ưu tú tại các bộ phận, phát huy sức mạnh của từng chi bộ từng đảng viên. Các đảng viên được đào tạo học tập để tiến bộ đủ phẩm chất và năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao theo các định hướng phát triển của tập đoàn. Nhiệm vụ phát triển nâng cao sức mạnh lãnh đạo của các tổ chức Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, ghi nhận, truyền thông, xác định mỗi đảng viên là một nhân tố quan trọng, gương mẫu trong một tập thể lao động, là người có trách nhiệm, tầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc của đơn vị.
Mỗi đảng viên có quyền tự hào và luôn phấn đấu đạt hiệu quả tốt tại vị trí của mình, được hưởng chế độ đãi ngộ, những thành quả xứng đáng với hiệu quả đạt được. Lãnh đạo cấp trên luôn ghi nhận sự trưởng thành và đóng góp của mỗi đảng viên tạo động lực cho sự phấn đấu không ngừng nghỉ của mỗi người.
Đảng ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể Công đoàn và Đoàn thanh niên trong chương trình công tác của mình phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục và giúp đỡ các quần chúng ưu tú, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên thanh niên, hiểu rõ mục tiêu lý tưởng của Đảng, trách nhiệm với tổ chức, chú trọng vào lực lượng lao động là kỹ sư, chuyên viên, các vị trí nòng cốt của từng tổ đội sản xuất và lựa chọn những quần chúng ưu tú nhất giới thiệu cho Đảng. Luôn xem mối quan hệ gắn bó giữa phát triển sản xuất kinh doanh với phát triển đảng viên mới, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh tại cơ sở là một tất yếu để nâng cao nguồn lực của tổ chức cả về số lượng và chất lượng nhân sự.