Gần 15 năm dạy học miễn phí cho trẻ thiệt thòi

Chia sẻ

Hơn 26 năm giảng dạy và làm giáo viên Tổng phụ trách Đội, cô giáo Lê Thị Hoà có gần 15 năm gắn bó với lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ em thiệt thòi.

Hành trình bền bỉ ấy của cô đã cho các em có cơ hội biết đọc, biết viết và được viết tiếp những giấc mơ cuộc đời...Với tấm lòng nhân ái, cô giáo Lê Thị Hòa đã được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2019.

Những trang giáo án... rất khác

Bố mẹ cô giáo Hòa đều là trẻ mồ côi. Bố chỉ học được đến lớp 5, còn mẹ không biết chữ. Dù vậy nhưng cả hai đã nuôi 6 chị em cô Hòa ăn học đến nơi đến chốn. “Thấu hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi của những trẻ em đặc biệt nên mình luôn đau đáu ước mong được giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn”. Đó cũng là lý do khơi nguồn và tiếp lửa cho cô giáo Tổng phụ trách Đội gắn bó gần 15 năm với lớp học tình thương miễn phí.

Lớp học ấy được đặt ngay tại chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Vốn là phật tử thường xuyên đến chùa, cô giáo Hòa đã bàn với nhà sư Thích Đàm Tiền tìm cách giúp cho những đứa trẻ không may mắn đó được biết chữ. Tâm nguyện này đã được nhiều người dân trong vùng và chính quyền ủng hộ. Sư Thích Đàm Tiền sửa sang lại gian nhà tiếp khách của chùa thành lớp học, đến từng ngôi trường trong xã để xin những chiếc bàn, ghế, bảng cũ... Ngày 14/9/2007, lớp học mang tên “Tình thương” ra đời trong ngôi chùa Hương Lan, ban đầu với 8 em khuyết tật tuổi từ 7 đến 20.

Không có tiếng trống trường rộn rã, không có khuôn viên rực rỡ ngàn hoa, lớp học tình thương của cô Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan đã duy trì như vậy trong bao năm qua, bình dị giữa xóm làng Đông Cựu. Những trẻ kém may mắn, khiếm khuyết không thể hòa nhập với cộng đồng tề tựu về đây cùng học tập theo phương pháp đặc biệt của cô giáo Hòa.

Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn học sinh khuyết tật làm bài.Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn học sinh khuyết tật làm bài.

Cô Hòa không cứng nhắc theo bất cứ một cuốn giáo án nào mà với mỗi học trò, mỗi thời điểm cô lại có những cách thức giảng dạy khác nhau. Để thuộc một đoạn thơ, một bài hát, cô và trò có thể phải mất tới ba tháng, thậm chí nửa năm, thế nhưng không ai nản. Có những em đã theo học từ ngày đầu mở lớp tới nay; có em nhà cách lớp gần 30km nhưng vẫn đi học đều đặn… Tiếng lành đồn xa, những gia đình có trẻ khuyết tật không thể đến trường lần lượt mang con đến xin học. Thời kỳ cao điểm nhất có hơn 60 học sinh từ nhiều xã trong huyện theo học như: xã Đông Sơn, Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Ngọc Hòa, Trung Hòa và có cả các em ở huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Có những trẻ bệnh rất nặng về trí tuệ, cũng có trẻ bị khuyết tật vận động, không thể hòa nhập ở trường. Với mỗi con, cô đều có cách tiếp cận riêng. Từ nơi này, bao nhiêu đứa trẻ đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời. Cũng từ nơi này, bao nhiêu gia đình đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự tiến bộ của con mình mà tưởng như đã là những đứa trẻ bỏ đi.

Cô giáo có tấm lòng nhân hậu

Không chỉ tham gia giảng dạy lớp học tình thương, cô Lê Thị Hòa còn tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như: Xây nhà tình nghĩa, tổ chức quyên góp động viên giúp đỡ các bạn học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập và tổ chức các phong trào với trị giá hàng trăm triệu đồng. Quá trình công tác và những việc làm của cô đã được địa phương, các đoàn thể và thành phố Hà Nội ghi nhận, vinh danh qua nhiều năm.

Là một Tổng phụ trách Đội, cô giáo Lê Thị Hòa đã tổ chức nhiều phong trào lôi cuốn học sinh. Một trong số đó đã trở thành truyền thống của trường Tiểu học Đông Sơn nhiều năm nay là “Giúp bạn đến trường” với việc quyên góp sách, vở, đồ dùng, quần, áo... vào đầu năm học để hỗ trợ các bạn khó khăn. Việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh cũng được cô thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có việc tổ chức cho học sinh tham quan, chăm sóc di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ... trên địa bàn. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe, thực hiện các quy định an toàn giao thông, cách ứng xử đẹp... cô Hòa còn tổ chức cho học sinh tập bơi. Nhờ những hoạt động ý nghĩa, thiết thực này, liên đội Trường Tiểu học Đông Sơn luôn đạt danh hiệu Liên đội mạnh cấp thành phố.

Không chỉ tâm huyết trong truyền dạy con chữ cho các em học sinh thiếu may mắn, gần 30 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách đội, cô giáo Lê Thị Hòa luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục là giáo viên dạy giỏi. Với những đóng góp trên, liên tục từ năm 2008 đến 2018, cô được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi, tiêu biểu cấp thành phố. Năm 2014, cô được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”. Năm 2017, cô được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu TP Hà Nội...

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.