Hà Nội chủ động chuẩn bị các điều kiện, phương án dạy học trực tuyến cho học sinh không thể đến trường học trực tiếp
(PNTĐ) - Trong công văn hỏa tốc về việc tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão số 3 ban hành ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, các phương án tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh không thể trực tiếp đến trường học tập trực tiếp.
Thực hiện Công điện số 1200/CĐ-BGDĐT ngày 10/9/2024 của Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau cơn bão số 3 (YAGI); Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 của UBND Thành phố về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông, Công văn số 10980/VP-KTN ngày 09/9/2024 của Văn phòng UBND Thành phố về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động.
Tiếp theo các văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội: Công văn số 3057/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 05/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Công văn số 3061/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 06/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (YAGI) trên địa bàn Thành phố, Công văn số 3069/SGDĐT-CTTT-KHCN ngày 08/9/2024 về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học.
Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở; Giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Giám đốc các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống trên địa bàn Thành phố tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau:
Khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai. Phối hợp với các cơ quan y tế và các đơn vị liên quan thu dọn, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão. Bảo đảm điệu kiện an toàn trường học, vệ sinh môi trường, trang thiết bị dạy học cần thiết trước khi đón học sinh trở lại trường.
Chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn báo cáo các cấp có thẩm quyền đề có phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, có nguy cơ đổ sập. Lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đên sự an toàn của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại hoặc chưa an toàn.
Rà soát hệ thống cây xanh, tường rào, công trường, có phương án tỉa cành, phòng, chống sập tường, đổ cây. Đặc biệt các đơn vị gần sông, suối, gần khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đê cảnh báo, hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn.
Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương trong việc cứu trợ và khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt hỗ trợ các gia đình giáo viên, học sinh bị thiệt hại nặng.
Có kế hoạch chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, vật dụng cần thiết cho học sinh các trường tổ chức bán trú, nội trú cho học sinh đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh.
Chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, các phương án tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh không thể đến trường học tập trực tiếp.
Sở GD-ĐT đề nghị Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Giám đốc các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống trên địa bàn Thành phố; Hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở thực hiện nghiêm túc các nội dung trên.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, toàn thành phố có 157 trường học báo cáo không thể đón học sinh đến trường học tập trực tiếp do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ngoài ra còn có nhiều trường học của Hà Nội được trưng dụng làm nơi để nhân dân trên địa bàn tránh bão.