Hà Nội: Nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 6/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội. Dự hội nghị có: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thanh phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, HĐND thành phố đã ban hành một số Nghị quyết khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội;... Tuy nhiên, một số nội dung của chính sách còn triển khai chậm.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, đồng thời thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn một cách đồng bộ.

Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn thấp, các liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn ít. Do đó, việc tiếp tục ban hành một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Theo đó, mục tiêu ban hành chính sách sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cụ thể như: Thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân từ 2,5-3%/năm.

Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%. Tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,4-0,7%/năm trở lên; Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30-40%.

Song song với đó, tỷ lệ giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 3-4%/năm; sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết trên 50%. Tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm từ 3-4%; sản xuất con giống chất lượng cao đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn thành phố.

Tốc độ tăng giá trị nông sản qua chế biến đạt khoảng 5-7%/năm; Phát triển chế biến các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh tập trung; Xây dựng Hà Nội thành Trung tâm sản xuất giống công nghệ cao; sản lượng giống hàng năm đạt 450 ngàn liều tinh bò chất lượng cao/năm; 750 ngàn liều tinh lợn lợn/năm; 100 triệu con gia cầm/năm; 1.500 triệu con giống thủy sản/năm.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn thành phố là khoảng hơn 1.101 tỷ đồng/năm. Trong đó, ngân sách thành phố 294,3 tỷ đồng/năm, ngân sách cấp huyện 47,28 tỷ đồng/năm, nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân 759,886 tỷ đồng/năm.

Hà Nội: Nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn - ảnh 1
hủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu

Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng các cơ quan sạo thảo đã dành nhiều thời gian việc đánh giá nghị quyết số 10, Sở Nông nghiệp đã có trách nhiệm, chuẩn bị kỹ nội dung liên quan, khảo sát rộng rãi, lấy ý kiến thực tiễn, ý kiến chuyên gia của vấn đề. Qua đó, giúp chúng ta có hình dung được bức tranh cơ bản của nền nông nghiệp Việt Nam.

Về nội dung tờ trình, ông cơ bản tán thành nội dung, trong số 11 nhóm nội dung chính được hỗ trợ khá thiết thực, bao gồm nội dung cơ bản nhất là giống, bảo vệ thực vật, nâng cao kiến thức người lao động, cơ giới hóa giải phóng sức lao động người nông nghiệp…

Tuy nhiên, theo ông Thảo, dự thảo tờ trình cần bổ sung làm rõ hơn những nét chính về thực trạng nền nông nghiệp. Hà Nội ra sao trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 10; đề nghị xem xét bổ sung quan điểm, mục tiêu đề ra hoặc đặt vào mục riêng để nhấn mạnh; đề nghị xem xét căn cứ nào để có chính sách hỗ trợ như tờ trình; nông nghiệp và nông thôn Hà Nội có thể tự chủ được không, mã hóa thế nào, thị trường, thị phần cần làm rõ hơn…

Nghị định 57 của Chính Phủ có nhiều nội dung không phù hợp, đề nghị chính quyền Thành phố cần mạnh dạn kiến nghị Chính phủ điều chỉnh để phù hợp với thực tế và các địa phương. VD Hỗ trợ mua máy thiết bị, vốn, công tác bảo vệ môi trường… cần được tăng hơn so với dự thảo.

Bên cạnh đó Thành phố cần có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho người nông dân, nhất là công tác giết mổ, bảo vệ môi trường, vấn đề đào tạo…

TS Bùi Thị Xô, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Thảo, bà cho rằng trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, cần làm rõ nguyên nhân vì sao, sản phẩm chính của Hà Nội cho ra được cái gì so với những lợi thế của nông nghiệp Thủ đô.

Lý do chính của chính sách là vấn đề thu hồi đất, giao đất, để phục vụ nông dân Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng phát triển. Tại sao nông nghiệp của chúng ta các doanh nghiệp ít vào đầu tư?; Mục đích chính của Hà Nội khác các địa phương khác là phải đi đầu trong công tác giống. Vì mình có tiềm lực, có lợi thế về khoa học, có thể liên kết được các viện khoa học sẽ có kết quả tốt, Bộ Nông nghiệp sẽ hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Tại sao các Viện khoa học phải đi các địa phương xa để tìm hoa sen để làm chè, trong khi Hà Nội có vùng trũng có nhiều nơi trồng sen. Hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô nên đưa hướng phát triển nông nghiệp sinh thái từ du lịch, bởi Hà Nội có rất nhiều người đến tham quan, học tập, cần đầu tư kinh phí nhiều hơn về giống cây trồng, vật nuôi. Cần định hình sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Hà Nội là gì từ đó nên tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, chính sách nhập công nghệ mới, chính sách đào tạo, tập huấn…

Hà Nội: Nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết về một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn - ảnh 2
Các chuyên gia cho ý kiến

Chủ tịch Hội cây trồng Việt Nam, GS.TS Trần Đình Long cho rằng, tiềm năng vùng nông thôn Hà Nội tuyệt vời, 50% người dân Hà Nội sống ở nông thôn, nên nông nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội rất cần thiết. Dự thảo tờ trình của UBND thành phố đã đảm bảo cơ sở pháp lý, nhưng nói đến nông nghiệp thì phải liên quan đến luật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thì tờ trình lại không nhắc tới. Qua 2 nghị quyết đã thực hiện, vậy có ưu điểm, nhược điểm như thế nào để ban hành nghị quyết mới. Hà Nội cần có thêm chính sách đặc thù

Ông Long cho rằng, kinh phí hỗ trợ thực hiện các chính sách của dự thảo rất hạn chế, với 11 nội dung chính sách, khi thực hiện sẽ không được bao nhiêu. Hà Nội cần trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, sự liên kết giữa Hà Nội với các Viện khoa học công nghệ, doanh nghiệp lớn về khoa học công nghệ là chưa có nhiều. Chính sách mới cần tháo gỡ những khó khăn, tập trung vào các mục tiêu để sự liên kết được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hà Nội cần xây dựng cây trồng chủ lực, thương hiệu chủ lực và nhóm chính sách để đầu tư cho các vấn đề này.

PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế cho rằng: Hiện nay quỹ đất của Hà Nội về nông nghiệp đang ngày càng thu dần, nhất là khhi 5 huyện của Hà Nội lên quận. Vì vậy, cần lấy HTX, doanh nghiệp là hạt nhân, nâng dần quy mô sản xuất để ứng dụng công nghệ cao.  Hỗ trợ nguồn vốn ban đầu làm cơ sở phát triển, xây dựng mối liên kết giữa HTX với nông dân; chú trọng chính sách tín dụng, xem xét một số chính sách vay không cần thế chấp. Nhà nước cần hỗ trợ thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm sạch, để giá trị sản phẩm, ngày công của lao động được nâng lên, không nên cho phép doanh nghiệp độc quyền thu mua, cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với các hợp tác xã; hình thành các trang trại quy mô …

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cảm ơn và ghi nhận 12 ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc của các đại biểu đã đóng góp tại hội nghị. Đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng, các ý kiến đều khẳng định rõ vai trò, vị trí của nông nghiệp Thủ đô, tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố khi thực hiện việc này. Trong đó, các ý kiến của các đại biểu đều dánh giá cao dự thảo Nghị quyết được soạn thảo công phu, chi tiết, có tính kế thừa.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương thống nhất cao với 11 chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó, có nhưng chính sách đã có, khẳng định nét đặc thù hơn, tập trung hơn của Thành phố. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết đã tiếp cận ngay với Luật Thủ đô sửa đổi, tránh sự trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn chính sách.

Tin cùng chuyên mục

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

Hội nhập quốc tế cơ hội và thách thức

(PNTĐ) - Sáng 2/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VI năm 2023 với chủ đề “Hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng xuất, nhập khẩu, công nghiệp, thương mại và dịch vụ giai đoạn 2023-2025". Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.