Anh dũng, kiên cường:
Hà Nội “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh“
(PNTĐ) - Trong lịch sử kháng chiến cứu nước, giành độc lập dân tộc, quân và dân Hà Nội đã kế tục và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm, với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Thủ đô Hà Nội những năm kháng chiến chống Pháp “mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”.
Mỗi người dân là một chiến sĩ cản bước tiến quân thù
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, bằng những loạt đại bác từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội ngày ấy "Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ". Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ, ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố để ngăn cản bước tiến quân thù.
Cuối tháng 12/1946, tình hình chiến sự diễn ra căng thẳng. Ở nội thành, địch tập trung lực lượng bao vây nhằm tiêu diệt Liên khu I (gồm các khu phố Trúc Bạch, Đồng Xuân, Long Biên, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Thành, Hoàn Kiếm, Hồng Hà...), xây một số bốt ở ngoại thành. Ta chủ trương phòng ngự lâu dài ở Liên khu I, ở ngoại thành các đơn vị Vệ quốc đoàn, tự vệ, du kích tấn công các đồn bốt và chặn đánh quân địch. Lực lượng được bố trí ở Liên khu I gồm 2 đại đội Vệ quốc đoàn, 1 trung đội tự vệ chiến đấu, hơn 2 ngàn tự vệ và công an xung phong. Trong Liên khu I khi đó còn 4 vạn dân với hàng ngàn Hoa kiều, Ấn kiều nên nhiệm vụ của Liên khu rất nặng nề: Vừa bảo đảm đời sống, vừa đảm bảo tính mạng của đồng bào vì việc tiếp tế gạo ở ngoài vào rất khó khăn, trong điều kiện mùa khô, các bể nước đã cạn và nạn thổ phỉ.
Ngày 6/1/1947, theo chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội, Trung đoàn Thủ đô được thành lập. Ngay sau ngày thành lập, những chiến sĩ của trung đoàn đã cùng nhân dân Hà Nội bám giữ từng căn nhà, từng góc phố trong vòng vây của quân Pháp xâm lược để cầm chân địch, trong một thời gian ngắn tiến hành bắt hết bọn đầu sỏ thổ phỉ và Việt gian. Đêm đêm ta tấn công cầu Long Biên để đồng bào tản cư ra ngoài. Ban đầu, ta chủ trương đưa hết đồng bào và phần lớn cán bộ, chiến sĩ ra vùng tự do, chỉ để lại 50 người, nhưng do tinh thần yêu nước, sống chết cùng Thủ đô thân yêu, số người quyết ở lại chiến đấu lên tới 1.200 người. Trước sức tấn công của địch, ta thu hẹp phạm vi đóng quân để việc chiến đấu được dễ dàng và cơ động hơn. Ban ngày, ta bố trí lực lượng phòng ngự, ban đêm, các chiến sĩ lọt vào những khu địch tạm chiếm đóng để quấy rối, tiêu hao sinh lực địch. Đêm Giao thừa, một tổ cảm tử của ta bơi ra cắm cờ lên tháp Rùa, trong khi đó khắp nơi quân ta đồng loạt tập kích các vị trí.
Thà chết chứ không chịu làm nô lệ
Sau Tết Đinh Hợi năm 1947, quân Pháp mở những đợt tấn công quy mô đánh chiếm Liên khu I. Từ ngày 6/2/1947, chúng huy động bộ binh, xe tăng đánh chiếm nhà Sô-va nhưng không thành công. Ngày 7/2/1947, chúng mở cuộc tấn công lớn vào Trường Ke, Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Bồ... ném bom ác liệt các phố Hàng Bạc, Hàng Mắm, Mã Mây... nhưng lực lượng ta vẫn giữ vững trận địa.
Từ ngày 10 đến ngày 13/2, Pháp cho máy bay ném bom và nã pháo dữ dội vào các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Giấy... Đặc biệt, sáng 14/2, quân Pháp mở một cuộc tấn công quy mô nhất vào khu Đồng Xuân. Song, nơi đây ta bố trí phòng tuyến kiên cố, tổ chức lực lượng chống trả quyết liệt nên xe tăng Pháp bị chặn từ xa, lính địch bị tiêu diệt và thương vong nhiều. Các tiểu đội của ta xông pha đánh giáp lá cà, quần nhau với giặc trong từng quầy hàng và trên mái nhà. Để chiếm một ngôi nhà, ngõ phố của Liên khu I, quân giặc phải chịu tổn thất nhiều. Trong khi đó, các đơn vị Vệ quốc và tự vệ ngoại thành vẫn chiến đấu ngoan cường, thường xuyên tập kích vào các vị trí đóng quân của chúng.
Sau khi địch mở rộng địa bàn chiếm đóng, anh em tự vệ ngoại thành biên chế thành những đại đội thanh niên tự vệ. Tiêu biểu là đại đội Hồng Hà (gồm 80 người ở khu Phúc Xá, Nghĩa Dũng), mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, chiến đấu ác liệt nhưng đã tổ chức thành công nhiều đợt đưa đồng bào ra vùng tự do và tập kích vào các bốt địch ven sông. Địch dự định chiếm Thủ đô trong 24 tiếng, nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại.
Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân dân Thủ đô đã tiêu diệt gần 2.000 tên địch, phá hủy trên 100 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay, bắn chìm 2 ca nô, đánh bại chiến lược "Đánh nhanh thắng nhanh" hòng đánh chiếm thành phố Hà Nội trong vòng 24 giờ của thực dân Pháp. Thắng lợi của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1946 đến ngày 17/2/1947), có ý nghĩa trọng đại, đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng; là thắng lợi của truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là một bước mở đầu oanh liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội. Chiến đấu giam chân địch và tiêu hao lực lượng của chúng trong thành phố, quân dân Thủ đô đã góp phần bảo vệ cho Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cả nước vững tin đi vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Từ năm 1948, phong trào chiến tranh du kích ở ngoại thành Hà Nội phát triển mạnh mẽ, số dân quân du kích ngoại thành đã lên tới 3.400 người. Các cơ sở Đảng, chính quyền, mặt trận cũng phát triển ở hầu hết các xã. Tinh thần kháng chiến của nhân dân được phát động qua các phong trào như: Hợp tác với du kích, đóng thuế cho Chính phủ, mua công phiếu kháng chiến.
Ở nội thành, việc xây dựng các cơ sở dân quân cũng được coi trọng. Đến tháng 4/1949 đã tổ chức cho 328 dân quân du kích, đa số là công nhân và dân nghèo. Công việc gây dựng cơ sở quần chúng ở nội thành cũng được chú ý, công tác vận động anh em công nhân tích cực triển khai và thu được thành tích ban đầu. Trong khi đó, chiến tranh du kích của ta phát triển mạnh. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 1948, ta đã tiêu diệt 595 tên địch, làm bị thương 216 tên. Công tác địch vận bước đầu thu kết quả.
Từ giữa năm 1948 trở đi, các đơn vị dân quân du kích phối hợp với Vệ quốc quân đã đánh những trận khá lớn vào vùng ven nội và nội thành Hà Nội gây cho địch thiệt hại nặng nề. Tổng cộng trong 6 tháng cuối năm 1948, ta đã đánh địch trên 400 trận lớn, nhỏ...
Ngày nay, để ghi công, tưởng niệm các chiến sĩ và những người con Hà Nội đã chiến đấu, hy sinh trong 60 ngày đêm để bảo vệ Thủ đô; cụm tượng "Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh" đã được dựng lên ở cạnh đền Bà Kiệu (Hoàn Kiếm, Hà Nội).