Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

M.NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.

Tham dự lớp tập huấn còn có các ủy viên Ban Thường vụ; trưởng, phó các Ban; cán bộ cơ quan Hội LHPN Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên đề Hội LHPN của 33 đơn vị quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc.

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024  - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu dự buổi tập huấn

Tại hội nghị, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Cát, giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, nguyên Vụ trưởng Vụ đào tạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày chuyên đề về "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay". Trong đó nhấn mạnh một số nội dung, như: Bối cảnh trước khi ký Hiệp định Giơnevơ; vai trò lãnh đạo của Đảng ta trên trường quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện tiếng nói chính nghĩa của mình và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tác động chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Hội nghị Giơ ne vơ; ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm từ Hội nghị Giơ ne vơ...

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024  - ảnh 2
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Cát, giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, nguyên Vụ trưởng Vụ đào tạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giới thiệu chuyên đề tại buổi tập huấn

Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến rất phức tạp là một thắng lợi quan trọng của dân tộc ta. Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 cũng là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình. Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự xác nhận trên phạm vi quốc tế sự thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thành quả quan trọng nhất của Hội nghị Giơ-ne-vơ chính là giá trị pháp lý quốc tế đảm bảo cho sự thực hiện mục tiêu cao cả thiêng liêng của dân tộc ta là thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. 

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024  - ảnh 3
Các đại biểu tham gia buổi tập huấn

70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng Hội nghị Giơ-ne-vơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trước tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển. Phát huy vai trò của công tác đối ngoại, tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của nhân dân ta và nhân dân thế giới.

Buổi tập huấn góp phần giúp cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu rõ thêm về lịch sử Việt Nam nói chung, Hội nghị Giơ ne vơ nói riêng. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, coi trọng các mặt ngoại giao. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, phát huy bài học kinh nghiệm từ việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức phấn đấu, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội các cấp đề ra.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

4 tháng đầu năm, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao

(PNTĐ) - Trong 4 tháng đầu năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 17,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,3%; dệt tăng 15,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,8%; sản xuất kim loại tăng 8,5%; sản xuất máy móc, thiết bị khác tăng 34,1%.