Khai mạc trưng bày hơn 100 gian hàng OCOP và trao giải hội thi mít lần thứ nhất TP Hà Nội
(PNTĐ) - Tối 5/7, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Sơn Tây và không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024.
Dự chương trình có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo các sở, ngành cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và trong cả nước.
Hà Nội là “đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề, trong đó có 331 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng 2.723 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1.226 sản phẩm 3 sao.
Hà Nội hiện có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 1.695 trang trại, 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; hơn 13.000 sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode). Đây là nguồn lực thực tiễn, là điều kiện thuận lợi để phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, và sản xuất hàng nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng cao của thành phố Hà Nội.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng phát triển làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng, tổ chức các sự kiện, hội chợ, festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đẩu tư, thương mại và du lịch nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong và ngoài nước.
Sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể, doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Sự kiện được tổ chức trong thời gian 5 ngày, từ ngày 4/7 đến 8/7 với hơn 100 gian hàng sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, các khu trưng bày trải nghiệm du lịch làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp nông thôn xây dựng nông thôn mới, với hơn 1.000 sản phẩm đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng (Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) và 15 tỉnh, thành phố trong nước (Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Yên, Cần Thơ, Yên Bái, Thanh Hoá, Quảng Nam, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Hà Giang, Quảng Trị).
Sự kiện góp phần thiết thực trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tại sự kiện, Ban tổ chức trao thưởng cho các đội đạt giải tại Hội thi tôn vinh, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024, với 17 đội thuộc 7 huyện, thị xã tham gia (Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Quốc Oai, Sóc Sơn).
Đó là: Giải cây mít ngon Nhất được trao cho chủ hộ đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ. Các giải thưởng cho các đội thi có clip thuyết trình hay nhất, trưng bày, trang trí các sản phẩm từ mít đẹp nhất, gồm: Giải Nhất xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây; 2 giải Nhì (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Lữ đoàn 45) và 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.
Giải Chung cuộc thuộc về các đội: Xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây đoạt giải Đặc biệt; đội xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ đoạt giải Nhất; đội xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ và đội xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây đoạt giải Nhì…