Khởi động du lịch 2021: “Ba Vì - Khám phá và trải nghiệm mới”
(PNTĐ) - Chiều 9/4, thông tin với Báo Phụ nữ Thủ đô, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, cho biết, ngày 18/4, tại khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà, thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa, UBND huyện sẽ tổ chức khai trương lễ hội du lịch “Ba Vì - Khám phá và trải nghiệm mới”.
Khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà
Lá phổi xanh của Hà Nội
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định: Đây là sự kiện tiêu biểu góp phần quảng bá, thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành du lịch huyện Ba Vì phát triển. Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho lễ khai trương đang gấp rút hoàn tất, cùng với việc làm mới và bổ sung các sản phẩm du lịch, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng và trải nghiệm mới mẻ. Đây cũng là dịp tuyên truyền quảng bá để nhân dân thấy được tiềm năng, lợi thế về du lịch Ba Vì cùng với công đồng doanh nghiệp hướng tới sự phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh trên địa bàn huyện. Huyện Ba Vì mong muốn sẽ thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần phục hồi ngành kinh tế xanh sau hơn một năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Chủ tịch Đỗ Mạnh Hưng cho rằng, trong tương lai, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh huyện Ba Vì và Thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại, đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay, Hà Nội và Ba Vì đã xây dựng Quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành Khu du lịch Quốc gia, định hướng đến năm 2030, trình các cấp và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch Đỗ Mạnh Hưng nói: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Ba Vì - cửa ngõ Thủ đô, lá phổi xanh của Hà Nội nên kiên định và tiên quyết một quan điểm: Không đổi môi trường để lấy kinh tế".
Thiên nhiên, con người và văn hóa vùng non Tản
Thông tin thêm về lễ hội, Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, đây là một trong những sự kiện thường niên khởi động chào đón mùa du lịch Hè của huyện Ba Vì. Tại buổi khai trương, sau liên hoan ẩm thực, du khách có thể trải nghiệm các sản phẩm du lịch trong vùng như: Tham quan du lịch Bản Cốc tại xã Minh Quang với sản phẩm du lịch mới: “Chợ phiên Mường - Dao Ba Vì”, “Động băng tuyết” - khu du lịch Khoang Xanh – Suối Tiên.
Tại sự kiện khai trương du lịch Ba Vì năm 2021, sân khấu biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ được dựng nổi trên hồ Ngoạn Sơn nằm trong Khu du lịch sinh thái Thiên Sơn – Suối Ngà với dự kiến mặt bằng tổng thể lên tới 1.000m2. Bao quanh sân khấu chính là núi rừng, suối thác thiên nhiên và đường hoa trang trí nghệ thuật.
Bên cạnh đó, du khách cũng được tham quan trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Thiên Sơn - Suối Ngà. Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên ở vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Tản Đà, Khoang Xanh – Suối tiên, Ba Vì Resort, Melia Ba Vi Moutain Resort…. Thăm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn: cụm di tích đền thờ Tản Viên Sơn Thánh: đền Thượng – đền Trung – đền Hạ; chùa Tản Viên, K9 Đá Chông, đền thờ Bác Hồ,…
Cổng lên đền Thượng, đỉnh núi Ba Vì
Hơn nữa, du khách còn được trải nghiệm du lịch nông nghiệp với các hoạt động tham quan các làng sản xuất nông nghiệp có truyền thống lâu đời, được hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi lành. Đồng thời, có cơ hội tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam như: cấy lúa, bắt cá cua ốc bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn…
Còn có “Hành trình ký ức di sản” dành cho những ai muốn khám phá núi Ba Vì. Nơi đây, từ những năm 1932 - 1944, người Pháp đã tiến hành xây dựng một thị trấn và khu nghỉ mát tại độ cao 400m, 600m, 1.000m.
Qua cốt 400 với rừng thông bạt ngàn với thảm cỏ xanh mơn mởn là đến cốt 600, nơi có khu phế tích của người Pháp với những công trình kiến trúc kỳ vĩ. Trong đó khu dinh thự ngầm của một đại tá người Pháp vẫn còn khá nguyên vẹn.
Lên độ cao khoảng 800m, là khu phế tích gồm nhà thờ, những biệt thự nghỉ mát hoang sơ tuyệt đẹp. Nhà thờ cổ ở Ba Vì chỉ còn lại khung với những bức tường được phủ một màu xanh của rêu phong, của những đám cây.
Một công trình cũng khá tiêu biểu của người Pháp xây ở cốt 800 là khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm xây dựng dở dang.
Bên cạnh đó, khách sạn, biệt thự, trong nhiều tư liệu để lại cho biết người Pháp cho xây dựng cả một khu trại giam và sân bay lên thẳng ở cốt 1.100m. Sự tồn tại của gần 200 nền phế tích mà người Pháp để lại, hiện vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm kiếm, khám phá dấu tích của cái đẹp.
Ông Lê Khắc Nhu cho biết thêm, đến thời điểm này, huyện đã có sự phối hợp, chuẩn bị tốt nhất về phương tiện, con người và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn phòng dịch bệnh, chỉnh trang, vệ sinh môi trường các điểm tham quan, đường giao thông dẫn tới các điểm du lịch cũng được tăng cường.
Cũng trong chuỗi các hoạt động trong tuần lễ khai trương du lịch và mùa du lịch năm 2021, còn có Lễ hội hoa lan Ba Vì với vườn hoa Mỵ Nương dựa theo truyền thuyết về Thánh Tản Viên Sơn; tổ chức trình diễn các sản phẩm du lịch tại các khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Tản Đà resort. Đặc biệt, huyện Ba Vì còn ra mắt sản phẩm du lịch mới “Chợ phiên Mường – Dao Ba Vì”.
Ông Lê Khắc Nhu cho rằng, sau này đây sẽ là hoạt động thường xuyên vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại khu du lịch sinh thái bản Cốc, xã Minh Quang.
Góp vào không gian văn hóa đặc sắc của Ba Vì không thể thiếu là khu lễ hội ẩm thực, văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường; nghệ thuật sắp đặt và trang trí tiểu cảnh – đường hoa, chụp hình lưu niệm; trình diễn, trưng bày nhà sàn dân tộc Mường với những vật dụng, phong tục truyền thống, hoạt động văn hóa tại khuôn viên nhà sàn. Du khách còn được thưởng thức những sản phẩm đạt OCOP, đặc sản của huyện Ba Vì.
VÂN NGA