Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Dự án đầu tư đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội: Từ quyết tâm chính trị đến quyết liệt triển khai

Kỳ 4: Bám sát cơ sở, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhấn mạnh yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, trước hết là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, thành phố sẽ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ.

Kỳ 4: Bám sát cơ sở, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng - ảnh 1
Cán bộ xã An Thượng (huyện Hoài Đức) lập sơ đồ mặt bằng, lấy ý kiến nhân dân về việc quy chủ các thửa đất nằm trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (ảnh Toàn Tâm)

Với tinh thần “bắt tay ngay vào việc”, với khí thế sục sôi ở 7 quận, huyện và các xã, phường đang tập trung nguồn lực, trong đó có vai trò của MTTQ, các đoàn thể, các bí thư chi bộ, tổ dân phố cấp cơ sở; phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước ngày 31/12/2023.

 Bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến người dân

 Với vị trí nhà ở ven mặt đường quốc lộ 6, gần khu vực bến xe Yên Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, nhiều gia đình có nhà nằm trong chỉ giới dự án Vành đai 4 rất tâm tư về việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) bởi giá đất khu vực này lên đến hơn 100-200 triệu đồng/m2, lại có điều kiện kinh doanh… Sau khi được tuyên truyền, vận động của chính quyền, các đoàn thể, các hộ dân đều hiểu và đồng thuận để con đường mới sớm được hình thành. Giờ đây các gia đình đang mong chờ phương án đền bù tái định cư để di chuyển đến nơi ở mới.

Có ngôi nhà nằm trọn trong dự án Vành đai 4, bà Nguyễn Thị Xuân (ở Tổ dân phố số 17)bày tỏ sự đồng thuận và mong muốn được đền bù tái định cư tại địa bàn phường Yên Nghĩa hoặc tại quận Hà Đông để thuận tiện cho cuộc sống. Hầu hết các gia đình trong số 65 hộ trong diện được đền bù tái định cư của phường Yên Nghĩa đều có mong muốn như bà Xuân, bởi đa số họ là người có nguồn gốc, nhiều đời sống ở địa phương, có các mối quan hệ họ mạc và nhiều quyền lợi về đất nông nghiệp sản xuất rau màu…

Khẳng định rằng, nắm biết được những tâm tư của người dân chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đồng chí trong Tổ công tác, Ban chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô của phường Yên Nghĩa, để luôn sát sao, tích cực tuyên truyền, thông tin đầy đủ về dự án, ông Nguyễn Đình Chuyên, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của nhân dân và báo cáo, đề xuất với cấp trên để có phương án phù hợp.

Cũng là thành viên Ban chỉ đạo cấp quận, bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông cho biết, đối với 4 phường có dự án Vành đai 4 đi qua (Yên Nghĩa, Phú Lương, Phú Lãm và Đồng Mai), chúng tôi đã phân công cán bộ phụ trách (bà Phương phụ trách phường Yên Nghĩa), chỉ đạo các hội, chi hội ở cơ sở để tập trung thực hiện các nhiệm vụ. Với phương châm “bám sát cơ sở” để lắng nghe ý kiến của người dân về di chuyển mộ chí, phương án đền bù GPMB, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của từng gia đình trong diện giải tỏa để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. “Chúng tôi phải vận dụng sự khéo léo, nhẹ nhàng, kiên trì, bền bỉ trong tuyên truyền, vận động, để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các bà, các chị, em trong từng gia đình liên quan”- bà Phương nhấn mạnh.

Nhằm tạo được sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của người dân, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hoài Đức chia sẻ: Chúng tôi phải vận dụng linh hoạt những kinh nghiệm đã có từ nhiều lần thực hiện các dự án khác, với dự án đặc biệt này, MTTQ và các đoàn thể tập trung cao độ, tạo thành phong trào thi đua sâu rộng. Trong đó, đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và vận động người dân làm theo. Cũng theo ông Ngữ, các chính sách đền bù GPMB phải nhất quán ngay từ đầu, chính sách càng rõ ràng, công khai, minh bạch thì càng nhanh chóng được nhân dân ủng hộ.

Kỳ 4: Bám sát cơ sở, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng - ảnh 2
Cán bộ xã An Thượng (huyện Hoài Đức) lập sơ đồ mặt bằng, lấy ý kiến nhân dân về việc quy chủ các thửa đất nằm trong dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (ảnh Toàn Tâm)

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nghiêm túc chấp hành quy định, cuối tháng 10 vừa qua, Ban Dân vận Huyện ủy và UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức tọa đàm về giải pháp hữu hiệu trong tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong GPMB dự án đường Vành đai 4. Qua thảo luận, đưa ra những cách làm hay, cán bộ và nhân dân 2 xã thực hiện dự án là Thanh Xuân và Tân Dân đã có nhiều sự thấu hiểu. Dự án đoạn qua địa phận huyện Sóc Sơn có chiều dài 2,3km (có đoạn vượt qua sông Cà Lồ, Quốc lộ 2 và nút giao với đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai), diện tích đất thu hồi 48,234ha của khoảng 500 hộ dân tại 2 xã Thanh Xuân và Tân Dân, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến 438 tỷ đồng.

Đánh giá cao sự quan tâm của UBND huyện Sóc Sơn và sự chủ động của Ban Dân vận Huyện ủy Sóc Sơn, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Phùng Văn Dũng đề nghị huyện Sóc Sơn cần xác định quyết tâm chính trị cao, thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành GPMB dự án một cách sớm nhất. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, đồng chí Phùng Văn Dũng cũng đề nghị huyện Sóc Sơn tăng cường tiếp dân, phát huy thật tốt vai trò tuyên truyền, giám sát phản biện của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ này với phương châm “kiên quyết, kiên trì” trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện.

Gấp rút, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Kỳ 4: Bám sát cơ sở, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng - ảnh 3
Các cán bộ ra thực địa xác minh mốc giới ở huyện Thường Tín (ảnh BGT)

Với khối lượng lớn về công tác thu hồi đất, lập quy hoạch, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, các cấp, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội gấp rút triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thành phố Hà Nội, hiện nay về công tác lập chỉ giới đường đỏ trên địa bàn thành phố  đã hoàn thành phê duyệt chỉ giới đường đỏ 5/5 đoạn với tổng chiều dài 58,2km. Dự kiến sẽ hoàn thành công tác cắm mốc trước 30/11/2022. Đây là cơ sở rất quan trọng để chuẩn bị cho công tác GPMB, tiến tới khởi công dự án.

Những ngày này, các quận, huyện cũng đang gấp rút triển khai các bước họp Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, GPMB và tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đi qua địa bàn để đạt tiến độ thành phố giao.

UBND huyện Thường Tín đang gấp rút triển khai các bước để đạt tiến độ. Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định: “Đây là tuyến giao thông tạo tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và các địa phương có dự án đi qua”. Dự án đường Vành đai 4 đi qua 9 xã, gồm: Hiền Giang, Khánh Hà, Nhị Khê, Văn Bình, Vân Tảo, Hồng Vân, Duyên Thái… được thiết kế quy mô mặt cắt ngang 120m, chiều dài hơn 7km, tổng diện tích đất thu hồi là 118,71ha, liên quan đến 2.001 hộ, 14 cơ quan, tổ chức.

Đồng thời, số mộ chí phải di chuyển là 4.224 ngôi tại 5 xã, nhiều nhất xã Văn Bình 3.950 ngôi mộ, và có 5 Trạm Biến áp phải di chuyển. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và 9 tổ công tác chỉ đạo, phân công các thành viên trong tổ công tác chỉ đạo thực hiện dự án. UBND huyện Thường Tín đã tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện công tác GPMB giữa 9 xã có tuyến đường đi qua và các đơn vị của huyện.

Tại huyện Thanh Oai, dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua 6 xã, có chiều dài 7,9km, diện tích đất thu hồi là 88,41ha; bồi thường, hỗ trợ, GPMB 1.501 hộ, tái định cư 36 hộ. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai đồng thời 3 dự án thành phần, gồm: 1 dự án khu tái định cư đất ở tại thôn Thượng, xã Cự Khê (khoảng 1,9ha) và 2 dự án mở rộng nghĩa trang tại 2 xã: Cự Khê và Mỹ Hưng (khoảng 2,6ha).

Đến nay, huyện đã hoàn thành việc bàn giao mốc giới GPMB đường Vành đai 4 trên bản đồ và ngoài thực địa. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện cũng đã tổ chức hội nghị triển khai, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề xuất để sớm đề ra các phương án tháo gỡ. Huyện cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với việc đề cao tuyên truyền và công tác dân vận, gắn trách nhiệm của địa phương và cá nhân với công tác xác định nguồn gốc đất, kiểm kê tài sản trên đất, lập phương án, công khai, phê duyệt phương án...

 

Tin cùng chuyên mục

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

VN-Index lao dốc nằm trong dự đoán

(PNTĐ) - Chỉ số VN-Index lao dốc trong phiên 15/4 nằm trong dự báo của giới chuyên gia dựa vào một số yếu tố như các quỹ lớn tái cơ cấu danh mục đầu tư, đáo hạn phái sinh và các biến động tiêu cực đến từ tình hình quốc tế...