Góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn:
Mỗi tỉnh, thành từ đô thị loại 2 trở lên có viện quy hoạch kiến trúc
(PNTĐ) - Góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn ngày 28/6, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) kiến nghị mỗi tỉnh, thành từ đô thị loại 2 trở lên nên có Viện Quy hoạch kiến trúc làm công tác thường xuyên về quy hoạch kiến trúc trên địa bàn.
Theo đại biểu Nguyễn Trúc Anh, các loại đô thị loại 1 trở lên và các đô thị có bề dày về di sản quy hoạch kiến trúc lịch sử, văn hóa. Các đô thị trực thuộc Trung ương phải có Sở Kế hoạch kiến trúc thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch kiến trúc hoặc mô hình kiến trúc sư trưởng thành phố để toàn diện, chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này.
Về tổ chức thực hiện theo quy hoạch là lĩnh vực thực sự bỏ ngỏ, kiến nghị trong nội dung nghiên cứu ở cấp độ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, phải có nội dung chỉ ra được các dự án động lực nhất thiết phải đầu tư theo các giai đoạn và danh mục này phải là căn cứ pháp lý chủ yếu trong danh mục đầu tư công theo giai đoạn, việc này là phần quan trọng của kinh tế và quản lý đô thị.
Trong quy hoạch phải nghiên cứu chỉ ra, tránh tình trạng quy hoạch một kiểu mà danh mục đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư lại trình ra một kiểu ở cấp độ địa phương, việc đầu tư ở khu vực nào cần đầu tư trước đầu tư sau đã được nghiên cứu kỹ lưỡng đưa ra được danh mục phát triển đô thị rõ ràng.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngành kế hoạch lại không theo quy hoạch mà đưa ra các danh mục khác làm tiêu hao nguồn lực và không hiệu quả. Nơi cần đầu tư ngay thì lại không làm, khu cần hạn chế đầu tư theo giai đoạn thì lại đầu tư hay ngành tài chính nói không vì không có tiền với ngành kế hoạch đầu tư cũng rất khó để thực hiện, đây là sự không đồng bộ ở cấp thực thi.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh kiến nghị ngành nội vụ cần nghiên cứu kỹ lĩnh vực này theo hướng đề ra quy hoạch thì kế hoạch, nguồn lực đầu tư phải theo quy hoạch, các sở, ngành cũng phải đồng bộ theo.
Hiện tại, còn một số vấn đề về nội dung quy hoạch, trong đó quy hoạch phải theo thời kỳ và thời điểm, sau một thời gian rà soát và điều chỉnh tổng thể như quy hoạch chi tiết là 3 năm, quy hoạch phân khu là 5 năm, theo đại biểu, chúng ta nên quy định thời điểm làm điều chỉnh quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết thống nhất và khớp với thời kỳ quy hoạch cấp trên theo quy hoạch của Luật Quy hoạch năm 2017, điều chỉnh cục bộ nên sau khi có báo cáo rà soát tổng thể theo ranh giới hành chính hằng năm, tổng hợp danh mục điều chỉnh và báo cáo các cấp thẩm quyền và Hội đồng nhân dân.
Quy hoạch có thời hiệu đến khi có các quy hoạch thay thế của cấp thẩm quyền phê duyệt và phải báo cáo tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực thực hiện quy hoạch từ tổ chức lập, điều chỉnh và thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Trúc Anh kiến nghị một số nội dung cần cải tiến. Đó là quy hoạch sử dụng đất cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp huyện, xã thống nhất với nội dung và hợp nhất trong hệ thống bản đồ của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, bổ sung bản đồ hiện trạng sử dụng đất cũng thống nhất với ngành xây dựng và tài nguyên.
Đồng thời, bổ sung hiện trạng giải thửa, quy chủ của ngành tài nguyên là một hệ thống bản đồ hiện trạng trong đồ án quy hoạch theo luật này để tiến tới nghiên cứu thống nhất và dễ thực thi; bổ sung một số loại hình quy hoạch cho một số khu vực mang tính vùng đô thị, vùng dân cư diện rộng như quy hoạch dọc trục, dọc sông, dọc hành lang kinh tế.
Theo đại biểu, cần bổ sung các kế hoạch đặc thù như loại hình quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị, quy hoạch các khu tái phát triển, quy hoạch khu chung cư cũ, quy hoạch các khu tái định cư, nhà ở xã hội tập trung, quy hoạch công trình đầu mối, quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết chỉ giới đường đỏ 1/500 các trục đường chính đô thị, quy hoạch tổng mặt bằng các ô nhỏ hơn 2 hecta và tổng mặt bằng các công trình hạ tầng đầu mối, quy hoạch TOD và giao Bộ Xây dựng hướng dẫn.