Nhiều đóng góp xung quanh việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật Thống kê và Bộ luật Tố tụng hình sự

Chia sẻ

Chiều 20/10, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tại buổi thảo luận của tổ 10 (đoàn Hà Nội), đa số các đại biểu đồng tình với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều khoản của 2 dự án Luật được nêu tại tờ trình của Chính phủ và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phó trưởng đoàn đại biểu Hà Nội thông tin các nội dung trao đổi tại phiên thảo luận.Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai thông tin các nội dung trao đổi tại phiên thảo luận. (Ảnh: Đinh HIệp)

Cần có chỉ tiêu đánh giá, chỉ số cụ thể ở nhiều nội dung

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết, ông đồng tình với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thuộc Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng: Văn hóa có vai trò quan trọng với xã hội, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế-xã hội, song trong Luật Thống kê hiện chỉ có 1 chỉ tiêu đo lường về di sản văn hóa quốc gia. Như vậy không thể đánh giá hết được sự phát triển của văn hóa. “Vì thế, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần bổ sung các chỉ số thống kê về phát triển văn hóa để có sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực quan trọng này. Khi cụ thể hóa được các chỉ số, chỉ tiêu đánh giá và văn hóa không còn là lĩnh vực mơ hồ, càng rõ ràng, định lượng được bao nhiêu thì càng đầu tư và phát triển văn hóa được bấy nhiêu”.

Liên quan tới nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Thống kê, đại biểu Nguyễn Hải Trung của đoàn Hà Nội cũng khẳng định: Đây là nội dung hết sức quan trọng bởi việc thống kê là cơ sở để chúng ta đánh giá thực trạng phát triển kinh tế, xã hội… hiện tại của đất nước, từ đó dự báo xu hướng trong tương lai để chủ động các phương án, kịch bản ứng phó linh hoạt. “Số liệu càng chia nhỏ được thì càng tốt. Nhưng thực tế, số liệu thống kê của chúng ta hiện còn có nhiều vấn đề. Ngoài xây dựng hệ thống số liệu khoa học, chuẩn xác cũng cần đặt ra vấn đề quản lý số liệu”.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận.Đại biểu Bùi Hoài Sơn đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. (Ảnh: Đinh Hiệp)

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Nhật Thành cũng nêu kiến nghị về việc Luật Thống kê cần bổ sung một số chỉ tiêu thống kê liên quan vấn đề dân tộc vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia. “Thực tế cho thấy vùng dân tộc thiểu số có điều kiện tự nhiên khó khăn, trình độ phát triển kinh tế hạn chế, tỷ lệ người nghèo cao… nhưng hiện chưa có tiêu chí thống kê cụ thể về đối tượng này để làm cơ sở cho Đảng, chính quyền hoạch định chính sách. Bởi vậy, tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số chỉ tiêu thống kê liên quan đối tượng dân tộc thiểu số vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia, chẳng hạn về lao động, việc làm và bình đẳng giới…”.

Còn có băn khoăn về trường hợp nào được xem là “bất khả kháng”

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ việc, vụ án hình sự “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Trước đó, trong tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao nêu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV có nói rõ: Trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu kiến nghị tại phiên thảo luận.Đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu kiến nghị tại phiên thảo luận. (Ảnh: Đinh Hiệp)

Về vấn đề trên, các đại biểu tại tổ 10 đều đồng tình rằng, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp phát sinh. Tuy nhiên, còn có ý kiến xoay quanh việc quy định về trường hợp “bất khả kháng”.

Cụ thể, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu ý kiến rằng, trường hợp bất khả kháng gồm nhiều tình huống chứ không riêng thiên tai, dịch bệnh, chẳng hạn vấn đề liên quan đến an ninh trật tự… “Bởi vậy có nên quy định là trường hợp “bất khả kháng” nói chung, hoặc bổ sung thêm một vài tình huống ngoài thiên tai, dịch bệnh… Nếu không cân nhắc cẩn thận có thể bị lạm dụng, tạo thành tiền lệ xấu…”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc khởi tố, điều tra, truy tố vụ việc, vụ án hình sự “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” trong kỳ họp này là nội dung đặt ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu, gây tác động tới tất cả các mặt trong đời sống xã hội. Thực tế đã có không ít vụ an tồn đọng, gặp khó trong giải quyết vì nguyên nhân trên. Đây là vấn đề chưa từng có trong tiền lệ. Nhưng khi giải quyết, phải xử lý theo tình huống chứ nói rõ “bất khả kháng” là gì, gồm những trường hợp nào là rất khó.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.
Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

Phụ nữ cả nước hướng về Điện Biên

(PNTĐ) - Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các cấp Hội Phụ nữ cả nước đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống, tham gia chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.