Tài nguyên nước sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo chương trình tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 25/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo giải trình về dự án Luật Tài nguyên nước.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Tài nguyên nước sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước ở một số nơi còn chưa nghiêm, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm chưa được thực hiện tốt; các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả; các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ.

Tài nguyên nước sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước - ảnh 2
Quang cảnh phiên họp

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật...

Cùng với đó, dự án Luật hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; giảm điều kiện kinh doanh cho tổ chức, cá nhân.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động, các cơ quan quản lý có liên quan; tham khảo pháp luật và kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tài nguyên nước; tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến thẩm tra, góp ý. 

Tài nguyên nước sử dụng hợp lý sẽ đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước - ảnh 3
Các đại biểu tham dự phiên họp

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước”, “Luật Quản lý và sử dụng tài nguyên nước” cho phù hợp với mục tiêu quản lý về nước, quy định của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành và các quan điểm nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước. 

Tin cùng chuyên mục

Thể hiện “Tinh thần tương thân, tương ái” bằng những hành động thiết thực

Thể hiện “Tinh thần tương thân, tương ái” bằng những hành động thiết thực

(PNTĐ) - Lễ phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2024 diễn ra vào ngày 16/10 tới đây sẽ công bố hoàn thành  Chương trình xóa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Thành phố với714 nhà Đại đoàn kết; Trao hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, lũ trên địa bàn Thành phố gồm 29 nhà xây mới, 251 nhà sửa chữa từ nguồn Quỹ “Cứu trợ” cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.
Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững

Thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững

(PNTĐ) - Việc lựa chọn chủ đề cuộc thi năm 2024 là "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh" rất thiết thực, có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây nên những tổn thất đặc biệt nặng nề trong thời gian vừa qua. Qua đó, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển bền vững và thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.