Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị:

Tạo bước đột phá phát triển Thủ đô

PHẠM HẰNG
Chia sẻ

Nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò chiến lược quan trọng của Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô. Ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết 15 được ví như một đòn bẩy tạo bước đột phá cho Thủ đô Hà Nội có những bước tiến nhanh, mạnh, vững chắc để trở thành đầu tàu của cả nước.

Khác với Nghị quyết số 11-NQ/TƯ trước đây, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn. Đây là điểm rất mới, mang tầm nhìn cụ thể cho từng giai đoạn phát triển của Thủ đô.

Tạo bước đột phá phát triển Thủ đô - ảnh 1
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 22/6 Ảnh: Viết Thành
 

Khơi thông điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém 
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, TP Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. 
Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển của Thủ đô chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên được Nghị quyết 15 chỉ ra là do một số cơ chế, chính sách đặc thù chưa phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương đối với Thủ đô có mặt chưa hợp lý, thiếu thường xuyên, kịp thời. Chính vì vậy, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đã chỉ ra những giải pháp cần thiết để khơi thông những điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11.

Xác định mục tiêu phát triển Thủ đô với tầm nhìn dài hạn
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, điểm mới của Nghị quyết lần này là xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước), các Nghị quyết trước đây chỉ xác định phạm vi thời gian trong 10 năm. Điều đó đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

Tiếp sau Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 79-KH/TƯ ngày 26/5/2022 về triển khai Nghị quyết. Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, phê duyệt tổng thể “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” và hoàn thiện hồ sơ “Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thành ủy cho chủ trương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2022; nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Thành ủy cho chủ trương trong quý IV/2022. Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường đoàn kết, đồng thuận, phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, biểu dương, động viên các điển hình tiên tiến, tạo ra sức lan tỏa nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ.

Đi sâu vào những nội dung cơ bản của Nghị quyết 15, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết gồm 4 phần. Theo đó, về quan điểm, mục tiêu, Bộ Chính trị đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn đối với từng giai đoạn. Cụ thể, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến-văn minh-hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện như: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để xây dựng và phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 15 được hiệu quả, Bộ Chính trị đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đầy đủ 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; nhất là việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có trách nhiệm tham gia, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô...

Hà Nội phải chọn việc trọng điểm, quyết tâm hoàn thành 
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với TP Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết… Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm, vì thế Hà Nội phải chọn việc trọng điểm, quyết tâm hoàn thành, làm cho bằng được tạo chuyển biến thực sự diện mạo Thủ đô, nhất là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm trật tự an toàn đô thị, môi trường xanh, sạch đẹp, xây dựng được một số công trình văn hóa tiêu biểu, hạ tầng giao thông hiện đại tạo niềm tin cho nhân dân...
Đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý giải pháp có tính quyết định trong thực hiện Nghị quyết 15 là phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển quản lý Thủ đô trong giai đoạn mới. "Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Mọi việc tốt hay xấu đều do cán bộ mà ra. Như vậy, để Hà Nội phát triển đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết này, tôi cho rằng đầu tư, xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề rất quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay"- đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ.
(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

Biểu dương, tôn vinh 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu của Thủ đô trong phong trào thi đua yêu nước

(PNTĐ) - Sáng 8/5/2024, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hội LHPN Hà Nội và Ban Đại diện Hội người cao tuổi Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 50 phụ nữ cao tuổi tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2024. Đây là chương trình ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).