Trẻ em được hỗ trợ và bảo vệ trên không gian mạng

Chia sẻ

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được lồng nghép trong Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, dự kiến sẽ được ban hành và thực thi trong năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội trườngBộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội trường

Thông tin tới các đại biểu tại phiên chất vấn (kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV) vào sáng 9/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng có quy định yêu cầu người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em.

Trong tháng 4/2020, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung, đồng thời đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tư vấn thêm về thẩm quyền ban hành. “Trong đợt này, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn trong năm 2020, Bộ quy tắc sẽ được thực thi” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo Bộ Công an, trong 3 năm qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Số liệu thống kê từ UNICEF gần đây cũng cho thấy, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em đã được đưa lên mạng Internet. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thật sự bức tranh trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: “Chúng tôi yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải hướng dẫn, giáo dục trẻ em và trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án bảo vệ và hỗ trợ em trẻ tương tác sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2022”.

Cụ thể, Đề án đưa ra những giải pháp cơ bản, như tạo một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận những phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn các hành vi, nội dung xâm hại trẻ em trên không gian mạng.

Đồng thời, Đề án cũng trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm: Giáo dục nhận thức về môi trường mạng; kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ độc hại trên môi trường mạng; qua đó giúp bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng…

Ngoài ra, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trong năm 2019, Việt Nam cũng đã ký cam kết đưa ra tuyên bố về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, Việt Nam đã triển khai áp dụng tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Có thể nói rằng, các văn bản pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nói chung, trên môi trường mạng nói riêng là tương đối đầy đủ, nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trong thời gian tới, các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện cần phải được quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Nêu giải pháp thực hiện các quy định trên, trước đó tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong gia đình thông qua các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại di động để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp cán bộ, nhân dân, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả, tiết kiệm và thiết thực hơn.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) lại nhấn mạnh trong bối cảnh hệ thống công nghệ thông tin, các mạng xã hội Facebook, Zalo… nở rộ như hiện nay nhưng cơ chế kiểm tra, kiểm soát của cơ quan nhà nước còn chưa hiệu quả, thì việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để cùng chăm sóc, giáo dục trẻ em là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần sớm cụ thể hóa quy định của Luật An ninh mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em; xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.

Bài và ảnh LONG YÊN

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.