Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"

Đại tá Trương Mạnh Phương – Chính ủy Sư đoàn PKHN 361
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là một trong những trang sử vàng chói lọi, kỳ tích minh chứng hùng hồn cho sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh tổng hợp toàn dân, thế trận lòng dân; làm sáng ngời bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta.

                  

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của của hào khí Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngược dòng lịch sử sau nửa thế kỷ, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc". Hà Nội cần phải có một lực lượng phòng không hiện đại đủ sức chống lại chiến tranh không quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô, đồng thời để hoàn thiện thế trận tác chiến phòng không bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện lời Bác, ngày 19/5/1965, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định số 67/QĐ-CP thành lập Bộ tư lệnh phòng không Hà Nội trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ). Ngày 29/12/1967, khi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người nhận định: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua (...). Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch
20h13 ngày 18/12/1972, chiếc máy bay B52-G với phù hiệu "Nắm đấm thép và tia chớp" đã bị tên lửa của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn 361 bắn rơi tại chỗ tại cánh đồng Chuôm tại xã Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sự ra đời của Sư đoàn phòng không Hà Nội cùng với sự lớn mạnh của Bộ đội Không quân, Bộ đội Rađa và hơn 5 vạn dân quân tự vệ được trang bị súng máy, súng trường bắn máy bay bay thấp, bắt đầu hình thành lực lượng phòng không ba thứ quân của Thủ đô. Trong đó, Sư đoàn phòng không Hà Nội làm nòng cốt, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội.

Sau 36 ngày thành lập, sư đoàn ra quân đánh thắng trận đầu (25/6/1965) bắn rơi 1 máy bay RF-4C của Mỹ, khi chúng lần đầu tiên xâm phạm vùng trời Thủ đô, ghi "chiến công đầu" trong sổ vàng thắng Mỹ của quân và dân Hà Nội. Ngay sau chiến thắng trận đầu, đồng chí Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố đến thăm, tặng cờ và khẳng định: Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Nội là con em của nhân dân Thủ đô. Chính quyền và nhân dân Thủ đô sẵn sàng làm hết sức mình để chi viện sức người, sức của…

Sư đoàn vinh dự 8 lần đón Bác về thăm. Bác thường xuyên quan tâm đến sự trưởng thành của lực lượng phòng không Hà Nội. Bác đến từng trận địa cao xạ, tên lửa trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, giữa mùa hè nóng nực hay cả khi mùa đông giá rét. Người ân cần thăm hỏi đến từng người, như người Cha đến với con, gần gũi và giản dị. Mỗi lời Bác dạy, một điếu thuốc Bác chia, một bát nước uống, chuyển từ sổ tiết kiệm; chiếc mũ sắt Bác đội, một lẵng hoa hay một huy hiệu Người trao tặng... đều là những kỷ niệm thiêng liêng, là nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn vượt khó khăn, gian khổ, hy sinh trong chiến đấu và chiến thắng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn phòng không Hà Nội mãi mãi ghi sâu lời dạy của Người: Các chú phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bắn rơi máy bay địch.

Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch
Bác Hồ đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội năm 1966. Bức ảnh hiện được đặt trang trọng trong Phòng Truyền thống của Sư đoàn Phòng không 361. Ảnh: TTXVN

Dù ở đâu, đối phó với thủ đoạn nào của địch, các đơn vị trong sư đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao. Càng đánh càng mạnh và trưởng thành hơn, có nhiều trận đánh điển hình đạt hiệu suất chiến đấu cao như trận ngày 7/3/1966, Tiểu đoàn 61 Trung đoàn tên lửa 236 bằng 1 quả đạn đã bắn rơi 2 máy bay Mỹ ngay trên quê hương Bác. Ghi sâu lời Bác dạy: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng.

Trên cơ sở những nhận định và sự chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm có "Kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng" và các tài liệu hướng dẫn về cách đánh B.52. Tiêu biểu là cuốn "cẩm nang bìa đỏ" - cuốn sách Cách đánh B.52, in rônếu chỉ dày 30 trang nhưng là kết quả của cả quá trình xây dựng hết sức công phu, gian khổ của lực lượng phòng không - không quân từ trong chiến trường Khu 4. Trên cơ sở này, ngày 31/10/1972, Sư đoàn tổ chức hội nghị cán bộ bàn phương án đánh cụ thể và lớp huấn luyện bồi dưỡng ngắn về cách đánh máy bay B.52 theo cuốn "cẩm nang bìa đỏ".

Ngoài ra, công tác chuẩn bị mọi mặt (tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật) đã được tiến hành hết sức khẩn trương. Sư đoàn tập trung vào việc điều chỉnh lực lượng đối hình chiến đấu; triển khai sở chỉ huy dự bị các cấp; huấn luyện các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm; tổ chức đôn đốc kiểm tra.

Về bố trí lực lượng tên lửa bảo vệ Thủ đô của chúng ta khi bước vào chiến dịch chỉ có 2 trung đoàn (e267, e261 của f361), trước và sau đêm Nôen tăng thêm 2 tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 285 và 2 tiểu đoàn tên lửa của Trung đoàn 274. Ngoài ra còn có 6 trung đoàn cao xạ (theo tính năng không bắn được B.52), 2 trung đoàn MiG 21, 4 trung đoàn rađa, các loại pháo phòng không của dân quân tự vệ... Như vậy, lực lượng chủ yếu đánh B.52 bảo vệ Hà Nội là Sư đoàn Phòng không 361.

Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch
Chiếc máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 361 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội lúc 20h13 ngày 18/12/1972.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, nêu cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, chúng ta đã phán đoán đúng các bước leo thang của địch, chủ động nắm địch, phát hiện kịp thời, đánh địch từ ngoài xa Hà Nội, nghiên cứu cách đánh hiệu quả nhất, tạo cho mình một thế có lợi và tìm ra những chỗ mạnh, chỗ yếu của địch, lực lượng nào cũng hạ được máy bay địch, vũ khí nào cũng phát huy tác dụng cao, đồng thời tạo ra thế trận phòng không vững chắc... cùng quân và dân Thủ đô đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Hà Nội. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, sư đoàn bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 máy bay chiến lược B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ).

Một trong những trận đánh tiêu biểu nhất tại trận địa Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội), vào lúc 2 giờ sáng ngày 19/12/1972, 21 lần chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ Mỹ ở Utapao (Thái Lan) bay vào đánh Hà Nội với mục tiêu chính là Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. 4 giờ 16 phút trên bản đồ thu tình báo B1 lần lượt xuất hiện các tốp B-52 có ký hiệu 520, 522, 526, 954... Đến 4 giờ 30 phút Tiểu đoàn 77 vào cấp 1 xong, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Đinh Thế Văn ra lệnh cho đài 2 phát sóng, kíp chiến đấu kiên trì bám trận địa và phát hiện tín hiệu máy bay B-52 ở cự ly 28km. Tiểu đoàn trưởng quyết định đánh bằng phương pháp tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc.

Bình tĩnh, tự tin, bằng kinh nghiệm và cách đánh sở trường của mình, kíp chiến đấu chuyển sang chế độ bám sát tự động. 4 giờ 32 phút Tiểu đoàn trưởng lệnh phóng 2 quả đạn: quả 1 cự ly 26km, quả 2 cự ly 25km, phương vị 200, giãn cách 6s; phương pháp bám sát tự động, chế độ điều khiển đón nửa góc. Ngòi nổ 11,5s. Hai quả đạn gặp mục tiêu và nổ tốt, chiếc B-52 bốc cháy rừng rực, rơi xuống cánh đồng xã Tân Hưng, Thanh Oai (Hà Tây cũ). Đây cũng là một trong 25 trận đánh tiêu biểu, xuất sắc nhất của Sư đoàn PKHN trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972.

Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch
Ngày 30/12/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát xác máy bay B-52 Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại làng Ngọc Hà (Hà Nội) trong chuyến thăm Tiểu đoàn 79 tên lửa, đơn vị có nhiều thành tích cùng quân và dân Thủ đô đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ tháng 12/1972.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sư đoàn tham gia cơ động chiến đấu trên 20 tỉnh, thành phố, đánh trên 1.800 trận, bắn rơi 591 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 35 chiếc B-52 (có 16 B-52 rơi tại chỗ). Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, Sư đoàn bắn rơi 29 máy bay, trong đó có 25 chiếc B-52. Ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ngày 15/01/1976, sư đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, Sư đoàn có 19 tập thể và 22 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có 10 tập thể thuộc Sư đoàn được phong tặng AHLLVTND đã chuyển sang đơn vị khác, hoặc giải thể.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước thời cơ và những thách thức mới, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời bảo vệ Thủ đô Hà Nội của sư đoàn có những bước phát triển mới. Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Quân chủng theo hướng "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", lực lượng của sư đoàn được tăng cường và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, vừa tiếp nhận huấn luyện vũ khí trang bị kỹ thuật, xây dựng đơn vị, phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn phát huy cao độ truyền thống: "Đoàn kết, dũng cảm, chiến thắng vẻ vang, xây dựng trưởng thành của Sư đoàn anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ", tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, lấy xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt, huấn luyện nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các cơ quan, đơn vị; xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật đồng bộ. Tự lực, tự cường chủ động khắc phục khó khăn xây dựng doanh trại, trận địa, tăng gia sản xuất nâng cao đời sống của bộ đội. Hiện nay, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời bảo vệ Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

Chiến công chói lọi của Sư đoàn Phòng không Hà Nội trong chiến dịch
Chủ tịch Nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm, chúc Tết Sư đoàn phòng không 361 nhân dịp Tết nguyên đán cổ truyền dân tộc tháng 2/2021,

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Sư đoàn phòng không Hà Nội đã viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, là ý chí, quyết tâm "dám đánh, biết đánh và quyết thắng" giặc Mỹ xâm lược; là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của "thế trận phòng không nhân dân" sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Là chiến thắng của trí thông minh, lòng dũng cảm của quân và dân ta, đặc biệt là quân dân Thủ đô Hà Nội và một số địa phương Miền Bắc; là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, phòng tránh, đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ. "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" góp phần quyết định "đánh cho Mỹ cút", buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Người: "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng từng khẳng định: "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là chiến công mang tầm vóc thời đại, là đỉnh cao chiến công trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam anh hùng với tên đế quốc đầu sỏ Hoa Kỳ".

Chúng ta có quyền tự hào và càng nhìn nhận rõ hơn tầm vóc chiến thắng mang ý nghĩa sâu sắc trong thời đại hiện nay đó là: chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được thôi thúc bởi ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của cả dân tộc; sự cổ vũ những chiến công to lớn của quân và dân miền Nam đánh bại sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ. Đó còn là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam, góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc, mang lại lòng tin cho hàng trăm triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chúng ta để lại cho nhân loại tiến bộ niềm tin chiến thắng của sức mạnh chính nghĩa, sức mạnh của thời đại mới, của cách mạng vô sản mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; là chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam. Cùng với chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" để lại "Hội chứng Việt Nam", vết thương trong lòng nước Mỹ không dễ gì xóa được.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát huy truyền thống của dân tộc, của quân đội và Quân chủng Phòng không - Không quân trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 361 không ngừng học tập, rèn luyện vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, nâng cao bản lĩnh chính trị, đề cao cảnh giác cách mạng, đoàn kết thống nhất, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương Sư đoàn đóng quân, đặc biệt là các đơn vị kết nghĩa đóng quân trên địa bàn khơi dậy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; vận dụng những bài học kinh nghiệm vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ thủ đô, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tự hào với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", kiên định với mục tiêu đã chọn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không Hà Nội càng ý thức sâu sắc về nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề trong giai đoạn hiện nay; đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương nơi đơn vị đóng quân, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội, quyết tâm xây dựng Sư đoàn vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực tiêu biểu”, kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công đường không của kẻ thù, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, ưu tú của dân tộc Việt Nam

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), tại thành phố Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.
Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng

(PNTĐ) - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú ngời sáng một nhân cách lớn, một tấm gương chiến đấu và hy sinh trọn đời cho đất nước và nhân dân. Nhân cách ấy được hình thành và hun đúc nên từ một gia đình yêu nước, một quê hương giàu truyền thống cách mạng, một dân tộc anh hùng. Chính từ truyền thống của quê hương, gia đình và thời đại lịch sử đã tạo nên Trần Phú - Người chiến sỹ cách mạng, lãnh tụ vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

(PNTĐ) - Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Tăng cường tần suất công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(PNTĐ) - Việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được thực hiện với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo. Các hoạt động hướng về cơ sở, bắt đầu từ cơ sở, làm tốt công tác chăm lo đời sống, văn hóa tinh thần của người dân, chăm lo cơ sở vật chất đối với người có công, đặc biệt là các gia đình khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương tập trung bảo đảm an sinh, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, giao thông, văn hóa…).