Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới

Hồng Quân
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 27/12, tại Ninh Bình, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc, giao lưu học tập kinh nghiệm trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ với Hội LHPN tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dẫn đầu đoàn công tác. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội và trưởng các ban, đơn vị trực thuộc.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 1
Đoàn công tác Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Thành phố Hà Nội làm việc tại Hội LHPN tỉnh Ninh Bình.

Trao đổi với Đoàn công tác, đồng chí Đào Thị Hòa, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình cho biết: Ninh Bình là tỉnh ở vùng cực nam Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), có diện tích tự nhiên gần 1.500km2 , dân số trên 1 triệu người với 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 143 xã, phường, thị trấn. Thực hiện Nghị quyết số 1318 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ninh Bình hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình thành thành phố Hoa Lư, từ ngày 01/01/2025, tỉnh Ninh Bình có 7 huyện, thành phố (2 thành phố, 5 huyện), với 125 xã, phường, thị trấn.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ninh Bình luôn ở mức cao (đạt 8,56%), đứng thứ 11/63 tỉnh/thành, đứng thứ 5 khu vực ĐBSH; là một trong 17 tỉnh toàn quốc tự cân đối ngân sách; thu nhập bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/người/năm.

Với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm; là tỉnh có Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản “kép” duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, năm 2024, Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế; doanh thu đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2023. Ninh Bình vinh dự là điểm đến thân thiện nhất thế giới, và được bình chọn top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới năm 2024.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 2
Đồng chí Lê Kim Anh - Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Đến nay, Ninh Bình đã có 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (XDNTM), 2/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (NTMNC); 65 xã đạt chuẩn NTMNC, 24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị về đích XDNTM năm 2024. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,51%, hộ cận nghèo còn 1,89%.

Đối với các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình Vũ Thị Hà, Ninh Bình có tỷ lệ phụ nữ chiếm 50,2% tổng dân số và 47,3% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong những năm qua, phụ nữ tỉnh nhà luôn tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Hiện nay, cơ quan Hội LHPN tỉnh có 4 ban, 2 Quỹ hoạt động theo dự án tài chính vi mô và Trung tâm Tư vấn pháp luật. Cấp huyện có 8 huyện, thành phố và 4 đơn vị trực thuộc. Cấp cơ sở có 173 đơn vị; có 1.680 chi hội phụ nữ ở các thôn, xóm, phố.

Đội ngũ cán bộ Hội gồm có: Cấp tỉnh 28 cán bộ (21 biên chế; 02 hợp đồng hưởng lương từ ngân sách, 05 hợp đồng của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh); cấp huyện 32 cán bộ (30 biên chế, 02 hợp đồng); cấp cơ sở có 143 Chủ tịch, 143 Phó Chủ tịch, 130 Ủy viên BTV chuyên trách cấp cơ sở và 1.680 chi hội trưởng. Cán bộ Hội các cấp nhiệt tình, trách nhiệm, có trình độ, năng lực, được hội viên phụ nữ tin tưởng, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ghi nhận và đánh giá cao. Phong trào phụ nữ và hoạt động Hội hàng năm có bước phát triển đồng đều, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 3
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình Vũ Thị Hà nêu bật những kết quả đạt được của Hội LHPN tỉnh trong công tác tham mưu công tác cán bộ nữ và thực hiện bình đẳng giới.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025 tỉnh Ninh Bình đã đề ra mục tiêu đến năm 2025: Có 60% lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan là nữ; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50%; Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30%; 80% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ; 60% dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới...

Trong năm qua, BTV Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch và phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện toàn diện các hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh và đạt được nhiều kết quả như: Tích cực tham mưu chính sách cho phụ nữ, cán bộ nữ thực hiện các chỉ tiêu về bình đẳng giới; Tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh để Hội LHPN trực tiếp quản lý nguồn vốn, tạo cơ hội cho phụ nữ được vay xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh, phát triển kinh tế ; đề xuất tỉnh cấp kinh phí thực hiện các Đề án liên quan đến phụ nữ, trẻ em...

Các cấp Hội tích cực vận động, khai thác nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, các tổ chức tín dụng khai thác, quản lý các nguồn vốn. Hiện nay Hội đang quản lý 3.872 tỷ đồng cho 50.363 hộ vay.

Công tác cán bộ nữ của tỉnh cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, số lượng CBN ngày càng nâng cao về chất lượng. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong tỉnh: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV đạt 50%, là 1 trong 9 tỉnh cao nhất toàn quốc. Nữ cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 ở cả 3 cấp đều trên 15%. Đảm bảo đồng thời tỷ lệ nữ trên 15% và tỷ lệ trẻ trên 10% có nữ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cấp huyện đạt 26,2% (toàn quốc là 17%); cấp xã 26,1% (toàn quốc 20,8%).

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 4
Đoàn công tác tặng quà lưu niệm cho Hội LHPN tỉnh Ninh Bình.

Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết: Công tác cán bộ nữ của thành phố Hà Nội cũng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025-2030; Ban Tổ chức Thành ủy ban hành Hướng dẫn số 18-HD/BTCTU ngày 01/10/2024 hướng dẫn một số nội dung về rà soát, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ... Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ thành phố là 13/69 đồng chí (đạt 18,8%); cấp huyện là 275/1087 (đạt 25,3%), cấp xã là 2189/7762 (đạt 28,2%). Tỷ lệ nữ trong đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội trúng cử 8/30 (tỷ lệ 26,67%), nữ đại biểu HĐND Thành phố là 24/95 (đạt 25,26%) cấp huyện đạt 33,3% (tăng 3,3%), cấp xã đạt 39,7% (tăng 11,2%).

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 5
Đồng chí Lê Kim Anh cùng đoàn công tác tham quan cơ sở sản xuất nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải do phụ nữ làm chủ.

Hàng năm, Ban VSTBPN thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Tổ chức Liên hoan văn hóa “Phụ nữ các dân tộc thiểu số hành động Vì bình đẳng giới” năm 2024 tại huyện Ba Vì; Diễn đàn “Phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ” góp phần xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc tại quận Hoàng Mai; Tổ chức nhiều sự kiện truyền thông, tập huấn, phiên toà giả định với nhiều nội dung phong phú như: Kiến thức về Bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; Kỹ năng đảm bảo nhà trọ an toàn cho chủ nhà trọ và nữ lao động di cư; Kỹ năng di cư an toàn, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và mua bán người… - Hội LHPN quận/huyện phối hợp tập huấn nâng cao năng lực cho 6.090 chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ 904 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Thực hiện các giải pháp triển khai 2 khâu đột phá: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động Hội và kết nối thu hút phụ nữ; Nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp…

Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 6
Nhiều năm nay, nghề thêu ren ở Văn Lâm đã tạo việc hàng cho hàng chục lao động, sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật Bản được bạn hàng tín nhiệm, thu được giá trị cao.
Tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường vai trò của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới - ảnh 7
Các sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ Văn Lâm đã xuất khẩu ra nhiều nước, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ.

Đoàn công tác Hội LHPN Hà Nội trực tiếp xuống tham quan chia sẻ kinh nghiệm tại một mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi nghề thêu ren tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất này đã thu hút hàng chục lao động tại địa phương, sản phẩm xuất khẩu ổn định sang thị trường Nhật Bản và các thị trường lân cận, thu về giá trị kinh tế cao. 

 

Tin cùng chuyên mục

Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội

Hôm nay (1/1/2025), Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành với nhiều chính sách vượt trội

(PNTĐ) - Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

Từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 56 đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động

(PNTĐ) - Hôm nay (1/1-2025), Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực thi hành.Theo đó, 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội sẽ đi vào hoạt động.
Khai thác tiềm năng du lịch dược liệu của vùng đất Tây Nam Bộ

Khai thác tiềm năng du lịch dược liệu của vùng đất Tây Nam Bộ

(PNTĐ) - Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng dược liệu tại các tỉnh Tây Nam Bộ là chương trình của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, dược liệu và bảo tồn thiên nhiên. Thông qua các hoạt động khảo sát và tìm hiểu thực tế, các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý du lịch đã có cơ hội tiếp cận và đánh giá chính xác hơn về tiềm năng du lịch của vùng đất Tây Nam Bộ.