Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của ASEAN

PV
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo kế hoạch của Bộ Xây dựng, tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam sẽ thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Đồng thời, đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế.

Đến năm 2025, 100% các đô thị có quy hoạch tổng thể

Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị.

Theo thông tin được đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 22/3, theo kế hoạch vừa ban hành, Bộ Xây dựng đặt ra 3 mục tiêu chính.

Đầu tiên, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%.

Tiếp đó, số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; Bảo đảm tối thiểu 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.

Đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11-16% vào năm 2025 và 16-26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8m2 vào năm 2025, khoảng 8-10m2 vào năm 2030. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 28m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 32m2.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất và cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của ASEAN - ảnh 1
Đến 2045, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ thuộc nhóm trung bình cao của ASEAN.

Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch

Để thực hiện các mục tiêu trên, kế hoạch của Bộ Xây dựng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Trong đó, các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm thường xuyên, định kỳ tổ chức các hình thức tuyên truyền phổ biến việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 148/NQ-CP cũng như các Nghị quyết khác của Đảng và Nhà nước liên quan.

Nhóm nhiệm vụ thứ 2, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm tập trung nghiên cứu, đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị; Tổng kết, đánh giá mô hình Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội; Tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại các đô thị lớn ở Việt Nam…

Nhóm nhiệm vụ thứ 3, thúc đẩy các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, các đơn vị cần hướng dẫn để thống nhất rà soát, lập chương trình phát triển đô thị, thực hiện đầu tư có trọng tâm trọng điểm ít nhất 100 đô thị tiêu biểu, có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị;

Tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ để hoàn thành chỉ tiêu đề ra về lập Chương trình phát triển đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại đô thị; Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2161 ngày 22/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ…

Nhóm nhiệm vụ thứ 4, xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị, thực hiện các nội dung Nhiệm vụ 20 Nghị quyết số 148/NQ-CP; Tổ chức nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các biện pháp tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 148/NQ-CP đến các Bộ, ngành và địa phương.

Nhóm nhiệm vụ thứ 5, xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Các đơn vị cần tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về Quy hoạch đô thị và nông thôn; Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị; Xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi); Xây dựng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về cấp, thoát nước; Tổ chức nghiên cứu Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm…

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối

Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối

(PNTĐ) - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị Trung tâm Báo chí Thủ đô phải thực sự là trung tâm “mở” - nơi mọi tiếng nói được lắng nghe, mọi dữ liệu được kết nối, thông tin được chia sẻ minh bạch - chính xác - kịp thời. Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương xác định truyền thông là một phần trong công cụ quản trị, không né tránh truyền thông mà chủ động hợp tác, cung cấp thông tin, đối thoại và xử lý với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

Từ “Bình dân học vụ” đến “Bình dân học vụ số”

(PNTĐ) - Cách đây 80 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, hơn 95% dân số chưa biết đọc, biết viết. “Giặc dốt” trở thành một trong ba thứ giặc nguy hiểm, cùng với “giặc đói” và “giặc ngoại xâm”. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” với mục tiêu cấp bách là xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Người từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, việc nâng cao dân trí là nền tảng vững chắc để xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, thịnh vượng. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu người dân Việt Nam đã biết đọc, biết viết, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước

(PNTĐ) - Thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với 126 xã, phường. Hầu hết người dân cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã mở rộng không gian phát triển Hà Nội trong kỷ nguyên vươn mình cùng đất nước.