Chàng ca sĩ mang nhạc Việt ra thế giới

Chia sẻ

PNTĐ-Lee Kirby thích nhạc Việt Nam là vì câu chữ sâu sắc, nghe một lần có khi chưa hiểu mà phải nghe nhiều lần, nghe nhiều thì ngấm dần và hiểu những điều sâu xa trong cuộc sống.

 
Chàng ca sĩ mang nhạc Việt ra thế giới - ảnh 1
Hình ảnh nghệ sĩ lang thang quen thuộc của Lee Kirby
 
Từ chỗ mặc những bộ vest đồ hiệu đắt tiền giá lên tới cả ngàn đôla, đến chỗ chỉ mặc những đồ rất bình dân kiểu sao cũng được, từ chỗ có một công việc “hoành tráng” ở London hoa lệ, đến chỗ chỉ thích đi lang thang đây đó trên dải đất hình chữ S của Việt Nam… Việt Nam thực sự đã thay đổi chàng ca sĩ người Anh hát tiếng Việt rất giỏi Lee Kirby…
 
Yêu Việt Nam từ buổi đầu... gặp gỡ
 
Khán giả biết đến hai chàng ca sĩ ngoại quốc lấn sân showbiz Việt, hát tiếng Việt rất giỏi là Kyo York và Lee Kirby. Họ đều nổi tiếng nhờ hát nhạc Trịnh, thường biểu diễn chung với nghệ sĩ Ánh Tuyết và trên đài truyền hình. Kyo York có vẻ nổi tiếng hơn nhờ tham gia “Cặp đôi hoàn hảo” và nhiều gameshow khác, Lee Kirby không ồn ào mà tiến dần đến trái tim khán giả Việt Nam theo cách lặng lẽ nhưng nhiệt thành và hết lòng bởi có một tình yêu.
 
Lee Kirby ở Anh, hiện là giám đốc điều hành trường trung học Ashbourne tại Kenshington- trung tâm London. Với vị trí ấy, lẽ ra Lee bận rộn lắm, nhiều bước đường để thăng tiến lắm, nhưng anh chọn cuộc sống cứ 6 tháng ở Anh để làm việc và 6 tháng tới Việt Nam để… lang thang đi hát. Lee không có ý định trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng anh nghĩ hát sẽ đưa trái tim đến gần trái tim hơn và giúp anh hiểu hơn những người xung quanh mình.
 
Anh mê hát tiếng Việt khi lần đầu chợt nghe những giai điệu của ca khúc Trịnh Công Sơn. Vì không hiểu lắm nội dung lời hát, Lee nhờ bạn bè dịch lại nghĩa tiếng Việt, nhưng có nhiều câu chữ vẫn… khó hiểu. Anh dí dỏm: “Tôi không hiểu tại sao trẻ con lại đi bắt chim sâu trong nhạc Trịnh Công Sơn, bạn tôi giải thích mãi, cuối cùng họ nói đó là điều gợi nhớ về tuổi thơ thì tôi hiểu…”.
 
Một lý do làm Lee thích nhạc Việt Nam là vì câu chữ sâu sắc, nghe một lần có khi chưa hiểu mà phải nghe nhiều lần, nghe nhiều thì ngấm dần và hiểu những điều sâu xa trong cuộc sống. Nhạc Việt, nhạc Trịnh, cuộc sống của Việt Nam có muôn ngàn thứ hấp dẫn khiến Lee “phải duyên” ngay từ ngày đầu gặp gỡ…
 
Gần chục năm trước, Lee sang Việt Nam theo lời “rủ rê” của các du học sinh Việt Nam ở Anh, anh xách ba lô đi chỉ vì lý do các bạn du học sinh Việt rất dễ mến, luôn niềm nở vui cười. Ngày đầu tới Hà Nội, sáng sớm anh ra Hồ Gươm ngồi chơi ở ghế đá thì có một người đàn ông khác cũng tới ngồi. Hai người nói chuyện với nhau, một người nói tiếng Anh và một người nói tiếng... Việt, không ai hiểu ai. Nhưng cuối cùng, không hiểu sao câu chuyện lại dẫn dắt đến việc người bạn Việt Nam đó rủ anh đi ăn phở, món đặc sản của Hà Nội.
 
Trước khi sang Việt Nam, Lee được dặn rất nhiều về những bài học không nên tin người, thế nhưng không biết sao anh lại đi theo người đàn ông đó. Cả hai vào một quán phở và cùng ăn phở, đến khi anh đứng dậy định trả tiền thì người đàn ông kia đã trả tiền cho anh từ khi nào và đi. Lee rất ngạc nhiên, điều đó khác hoàn toàn với văn hóa của người Anh. Lee kể cho mọi người nghe, nhiều người nói rằng Lee cẩn trọng vì người đàn ông đó hẳn có mục đích gì khác, nhưng Lee lắc đầu, anh tin người đó hoàn toàn tốt bụng và chân thành. Đến giờ anh vẫn chưa có cơ hội gặp lại, nói một lời cảm ơn.
 
Lần thứ 2, cũng ở Hồ Gươm (Lee thường ra Hồ Gươm cùng bạn bè ôm đàn và hát các bài hát tiếng Việt), một hôm khi anh đang hát thì có một người đem đến cho anh hai quả cam và một con dao. Anh không hiểu điều gì đang xảy ra vì họ để đó và đi. Sau đó thì anh biết, họ muốn anh gọt quả cam để ăn và có sức hát tiếp. Lee cũng không kịp có cơ hội cảm ơn người qua đường đó. Tất cả những ấn tượng ấy khiến anh muốn khám phá Việt Nam nhiều hơn, muốn hiểu nhiều hơn. Từ năm 2010 đến giờ, Lee đã thực hiện hai chuyến đi xuyên Việt để học tiếng Việt và hiểu hơn văn hóa Việt. Những chuyến đi, tình người ấm áp như buổi ban đầu đã thay đổi chàng trai ngoại quốc. Anh đã thấy mình sống theo kiểu Việt Nam, là biết quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh, biết chia sẻ, biết nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình.
    
“Việt Nam ơi” hay tiếng gọi từ trái tim
 
Lee là một ca sĩ với trái tim vô cùng nghệ sĩ, anh thích được hát và hát ở bất cứ nơi đâu có thể, bất cứ nơi nào đi qua, thích nhất là những buổi sáng được lang thang trên phố tới công viên hát cho tất cả những người bình dân nghe. Hình ảnh “ông tây” hay hát ở Nhà thờ Sài Gòn hay thi thoảng ở Hồ Gươm Hà Nội cũng khá quen thuộc với nhiều người quanh đó. Ở Anh, sau những công việc thường ngày, Lee cũng ôm đàn hát trên phố với chiếc mũ để phía trước như những người hát dạo. Hát nhạc Việt trên phố London, nhiều người không hiểu lời anh hát nhưng họ vẫn thích thú và cho anh tiền. Lee bật mí, mỗi ngày cũng có hẳn 30 bảng Anh nhờ hát dạo chứ không ít!
 
Lee Kirby vừa phát hành album các ca khúc tiếng Việt của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Phú Quang, Lê Minh Sơn…và thực hiện đêm nhạc ra mắt album với tên gọi “Việt Nam ơi” cùng Lê Cát Trọng Lý tại rạp khăn quàng đỏ Lý Thái Tổ thu hút rất nhiều khán giả trẻ. Những khán giả đó có nhiều người mê Lee từ trên mạng xã hội, khi anh liên tục gây sốt với những clip ôm đàn hát bài Việt Nam. Anh đặt tên album “Việt Nam ơi”, vì ở Việt Nam thấy tiếng “ơi” thân thương lắm, cứ gọi lên là xao xuyến đến khó tả. “Việt Nam ơi” được thực hiện theo cách rất mộc mạc, giản dị, hoàn toàn thu live. Chính sự đơn giản, chân thành ấy lại khiến người nghe thích thú vì cảm nhận được tình cảm từ trong tâm hồn Lee.
 
Album này cũng là kết quả cuối cùng trong dự án 3 năm mang tên “Trà đá với Lee”. Sau khi ra mắt album tại Việt Nam, Lee sẽ ra mắt album tại Anh và sẽ nói nhiều về văn hóa Việt, âm nhạc Việt. Có thể nỗ lực của Lee nhỏ bé, nhưng anh tin sẽ có những tác động nhất định. Lee còn đang “tính toán” sẽ kết hợp với những trường học tại Việt Nam để có mối quan hệ giao lưu về công việc với trường mà anh đang công tác tại London, để anh có thêm nhiều thời gian ở Việt Nam. Việt Nam đã “quyến rũ” anh rồi…
 
 Lee thích bài “Em ơi Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang vì ca khúc diễn tả đúng suy nghĩ, con người Lee khi lang thang ở Hà Nội,  mẹ Lee thì thích bài “Quê nhà” vì âm nhạc hay và diễn tả tình quê rất thú vị. Mẹ Lee làm viên chức của Hội đồng lao động Merton (London), bà thành lập một tổ chức từ thiện dành cho người vô gia cư rất nổi tiếng, và bà cũng viết nhạc kịch. Thấy con trai cứ đắm đuối với Việt Nam, bà lo con trai sau này lấy vợ… Việt thì sẽ xa nhà. Nào có bà mẹ nào muốn xa con chứ! Lee cười, anh chưa tính đến chuyện đó nhưng cũng “không biết thế nào”.
 
 
Nam Phong

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

Từ ngày 2/5 diễn ra Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng

(PNTĐ) - Tiếp nối hành công của những mùa giải trước, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng với Liên đoàn Vật Việt Nam, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục tổ chức Giải vật dân tộc Hà Nội mở rộng tranh cúp Phùng Hưng lần thứ III năm 2024. Thời gian tổ chức giải từ ngày 2 - 6/5/2024.
Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage tại Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.