Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Trở về đất mẹ”

Chia sẻ

PNTĐ-Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trở về đất mẹ" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Thương đã diễn ra tối 19/5.

 
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trở về đất mẹ" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Văn Thương đã diễn ra tối 19/5 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Đây là dịp để các thế hệ nghệ sĩ tỏ lòng tri ân với người nhạc sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
 
Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Trở về đất mẹ” - ảnh 1
Ca sĩ Lệ Quyên mới trở về từ Pháp xúc động tâm sự nhiều kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

 
Đêm nhạc quy tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ tham gia như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Quang Huy, NSND Thái Bảo, NSƯT Đức Long, NSƯT Mạnh Hà, NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Phương Mai… dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Quang Vinh. “Trở về đất mẹ” cũng là tên một tác phẩm kinh điển của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919-2002) có ý nghĩa bao trùm toàn bộ ý tưởng chương trình.
 
Mở đầu là màn khai từ “Trở về đất mẹ” do dàn nhạc của học viện Âm nhạc Quốc gia biểu diễn. Đất mẹ ở đây là xứ Huế thơ mộng - nơi nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chào đời và trưởng thành. Thời kỳ này ông đã sáng tác khá nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ như: “Đêm đông”, “Bướm hoa”, “Trên sông Hương”, “Bài ca đã hẹn”, “Những bông hoa đầu xuân”, “Bài ca trên núi”...
 
Phần 2 “Đất mẹ Đồng Khởi” nói về giai đoạn nhạc sĩ tham gia cách mạng, đi theo kháng chiến, bao gồm hòa tấu “Ngày hội non sông”, ca khúc “Dân ta đánh giặc anh hùng”, hát múa “Bài ca Việt Lào”, ca khúc “Thư xa gửi mẹ” và “Bình Trị Thiên khói lửa”. 
 
Đáng chú ý là ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” ra đời trong kháng chiến chống Pháp, khi ông làm công tác tuyên truyền ở mặt trận Bình Trị Thiên. Ca khúc đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, là khúc tráng ca về Bình - Trị - Thiên được ông viết trong một đêm xúc động khi nghe tin quê hương bị quân xâm lược giày xéo. Bài hát ra đời như một ngọn lửa đốt cháy bừng lòng yêu nước, căm thù giặc. Tiết mục do các nghệ sĩ gạo cội: NSND Quang Thọ, NSƯT Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Minh Đức, NSƯT Mạnh Hà thể hiện kết hợp với trống Ketsle và dàn nhạc đệm là một điểm nhấn của chương trình. 
 
Phần 3 “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và những thành tựu đạt được trong công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng Chủ nghĩa xã hội, được thể hiện qua một loạt tác phẩm: “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”, “Thu Hà Nội”, “Buôn làng mở hội”, “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”. 
 
Bên cạnh sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn đóng góp lớn trong sự nghiệp quản lý và đào tạo âm nhạc nước nhà. Từ năm 1979 đến 1983 ông làm giám đốc cả 2 nơi: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, được cho là có “biệt tài” phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật, đưa về Nhạc viện đào tạo và sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSND Quang Vinh, ca sĩ Lệ Quyên, Ái Vân, NSƯT Xuân Bình …
 
Thời kỳ làm lãnh đạo nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã xây dựng nhiều tác phẩm với các hình thức thể hiện, đạt chất lượng đỉnh cao về nghệ thuật, gặt hái được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các Liên hoan, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc.
 
NSƯT Xuân Bình - Phó Giám đốc nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam - tác giả kịch bản và tổng đạo diễn chương trình “Trở về đất mẹ” cho biết, anh may mắn là một trong những người được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện, dìu dắt và có một thời gian làm việc cùng nhà hát nên rất hiểu và có nhiều thông tin về ông. Bên cạnh đó gia đình nhạc sĩ cũng cung cấp nhiều tư liệu đáng quý nên đã có được kịch bản khá đầy đủ về các giai đoạn hoạt động và những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với nền âm nhạc Việt Nam.
 
NSND Thu Hiền tâm sự: “Ba Thương là một người lãnh đạo được rất nhiều người kính trọng và kính nể. Trong công việc ông rất nghiêm túc, tính kỷ luật cao, nhưng trong cuộc sống lại cực kỳ tình cảm. Ông luôn động viên chúng tôi đi học, ông bảo hát hay, có tố chất chưa đủ mà cần phải có kiến thức chuyên môn thì mới thành công”.
 
Trên sân khấu, trước khi thể hiện ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa”, NSND Quang Thọ xúc động chia sẻ: “Ba Thương chính là người phát hiện tôi có giọng hát quý và động viên tôi theo đuổi con đường âm nhạc”.
 
Nguyên Vũ

Tin cùng chuyên mục

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

(PNTĐ) -Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi và gia đình vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học kinh điển của nhà văn Pháp Hector Malot. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu nhạc kịch tại Việt Nam, mở ra một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nhân văn và đầy cảm hứng sống.
Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

(PNTĐ) - Làng Trạch Xá (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề may áo dài truyền thống Việt Nam. Nơi đây, từng đường kim mũi chỉ không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, truyền thống và tâm huyết của nhiều thế hệ người dân.
Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

(PNTĐ) - Trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 18/5 vừa qua tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phần thể hiện của sao mai Huyền Trang đã gây xúc động mạnh cho khán giả được chia sẻ sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều lời khen ngợi.
Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

Hoàn Kiếm: Bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa truyền thống gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả giữa lòng Hà Nội hiện đại, quận Hoàn Kiếm vẫn giữ vững vai trò “trái tim văn hóa” của Thủ đô. Với một kho tàng di sản phong phú, Hoàn Kiếm không chỉ đang gìn giữ quá khứ mà còn từng bước “đánh thức” di sản thông qua phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng không gian sáng tạo gắn với văn hóa ứng xử – tạo nên bản sắc riêng không thể trộn lẫn.