Kinh nghiệm phát huy thành công mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu của Dương Xá

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ năm 2023 đến nay, khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) hằng năm đón tiếp hàng nghìn đoàn khánh với trên 20.000 nghìn lượt khách tới tham quan, làm lễ, đặc biệt là các chuyến tham quan về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử của các cháu học sinh các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẳng định một lần nữa những thay đổi trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ...

Gia Lâm là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, gắn liền với tên tuổi của Đức Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, Đức Thánh Chử Đồng Tử, Nguyên Phi Ỷ Lan, Ngọc Hân Công chúa, danh nhân Cao Bá Quát và rất nhiều các anh hùng khác, mà công tích của họ đã góp phần viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Gia Lâm hiện có trên 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và đặc biệt là di tích Đền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1996. Nơi đây hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia cổ và quý hiếm mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc là tượng đôi sư tử điêu khắc bằng đá và khám thờ sơn son thiếp vàng có niên đại từ thời nhà Mạc.

Kinh nghiệm phát huy thành công mô hình danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu của Dương Xá - ảnh 1
Nhờ những thay đổi trong đón tiếp, phục vụ, ứng xử văn hóa... Đền thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày càng đón bước chân nhiều du khách 

Trong bài tham luận tại Tọa đàm Phát huy vai trò của báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, gắn với Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức ngày 26/6 vừa qua, Hội LHPN xã Dương Xá cho biết: “Chúng tôi rất vinh dự được Hội LHPN huyện Gia Lâm chọn là nơi thực hiện điểm Mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu với không gian thực hiện chính là khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan gồm Chùa Linh Nhân Tư Phúc, Đền thờ Bà Tấm, Điện Sơn Trang và Khu vực tượng đài Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Hội LHPN huyện, sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy, HĐND, UBND xã; sự phối hợp chặt chẽ của Ban quản lý di tích, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cũng như cán bộ hội viên phụ nữ xã Dương Xá, Hội Phụ nữ chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình báo cáo lãnh đạo địa phương; sau đó triển khai chi tiết và cụ thể từng bước theo các tiêu chí để thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Một số hoạt động đã được tổ chức tại khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan như triển lãm ảnh “Hoa đất Việt”, Lễ hội Áo dài - Sắc xuân xuống phố năm 2023, chương trình đồng diễn dân vũ, diễu hành tôn vinh nét đẹp áo dài năm 2024; trồng cây, trồng hoa, vẽ tranh bích họa hệ thống tường bao quanh các điểm di tích. Xây dựng các sản phẩm truyền thông tận dụng ưu thế của mạng xã hội đễ hỗ trợ cho quá trình thực hiện mô hình đạt hiệu quả tốt. Chúng tôi đã phối hợp với Hội LHPN huyện để thực hiện Chương trình giới thiệu về Khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, đây là trong 9 chương trình được phát trong chuyên mục “Gia Lâm - Hành trình Di sản” do Hội LHPN huyện thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Để làm sạch đẹp cảnh quang của di tích, Hội Phụ nữ Dương Xá cũng thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tổng vệ sinh, làm cỏ theo lịch phân công đến từng chi hội trong xã, mỗi tháng 2 lần các chi hội sẽ thay nhau thực hiện hoạt động tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên khu di tích. Hội Phụ nữ xã cũng đã thực hiện việc đặt các thùng phân loại rác: rác hữu cơ, rác vô cơ nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, tạo thêm nguồn kinh phí để mua cây xanh trang trí, tái chế các vỏ chai nhựa thành các giỏ hoa trang trí trên chính những thùng phân loại rác. Hội LHPN xã cũng đã in và treo biển quy tắc ứng xử nơi công cộng ở phía trước cổng vào khu di tích và trong khuôn viên di tích để mọi người có thể cập nhật rõ ràng và thuận tiện nhất khi bước chân đến nơi đây nhằm hình thành những chuẩn mực văn hoá khi tham quan khu di tích, điểm du lịch.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng đã thực hiện rất tốt vai trò của mình trong việc giới thiệu, quảng bá những giá trị tốt đẹp của khu di tích và tuyên truyền các nội dung của Cuộc vận động Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp. Hiện nay, chúng tôi cũng đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là cán bộ, hội viên phụ nữ, số lượng hiện tại là 5 người. Các chị sẽ thay nhau thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn viên cho các đoàn khách khi đến tham quan, chiêm bái khu di tích. Bản thân tôi cũng là 1 trong những hướng dẫn viên tại điểm, chúng tôi được tập huấn và cấp thẻ hướng dẫn viên. Việc xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm là cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn để chính các chị em được nói về truyền thống quê hương mình, đó vừa là trách nhiệm của một cán bộ, hội viên của tổ chức Hội đồng thời là niềm tự hào của chị em vì vậy hiệu quả hoạt động của đội ngũ hướng dẫn viên này hiện nay được đánh giá là rất tốt”.

Nhờ đó, từ năm 2023 đến nay cùng với việc thực hiện tốt công tác phối hợp với nhiều Công ty lữ hành du lịch nên khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan hằng năm đón tiếp hàng nghìn đoàn khánh với trên 20.000 nghìn lượt khách tới tham quan, làm lễ, đặc biệt là các chuyến tham quan về nguồn tìm hiểu các di tích lịch sử của các cháu học sinh các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã khẳng định một lần nữa những thay đổi trong việc quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ của Ban quản lý, ban chấp tác, hướng dẫn viên, trong đó có vai trò và sự tham gia trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần to lớn trong việc thực hiện Mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu tại khu di tích Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan xã Dương Xá”.

Để thực hiện tốt mô hình, bà Phùng Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Xá chia sẻ kinh nghiệm: “Việc đầu tiên là xây dựng kế hoạch chi tiết, nêu rõ các hoạt động cụ thể sẽ thực hiện trong năm tại khu di tích, kế hoạch cần phải xác định rõ lộ trình thực hiện, cách thức thực hiện. Để làm được việc này thì quá trình khảo sát phải thực hiện rất nghiêm túc, phải đề xuất với Hội LHPN huyện để thực hiện việc xin ý kiến, trao đổi với các Phòng, ban chuyên môn của UBND huyện, cơ quan chính là Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích bởi khu di tích thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan là di tích cấp Quốc gia nên tất cả những nội dung, hoạt động dự kiến làm đều phải được xin ý kiến, thống nhất rất chặt chẽ, nghiêm túc đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật (Ví dụ vẽ tranh tường bao quanh khu di tích, vị trí trồng cây, trồng hoa đúng theo quy hoạch bảo tồn di tích, vị trí đặt thùng phân loại rác sao cho đảm bảo mỹ quan, việc xây dựng các sản phẩm truyền thông sao cho đúng với những tài liệu lịch sử chính thống...). Khi xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm cũng cần bám sát Chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ để lựa chọn những hoạt động phù hợp để tổ chức tại khu di tích (ví dụ như các hoạt động tôn vinh nét đẹp áo dài, các chương trình triển lãm ảnh nghệ thuật; thời điểm tổ chức các hoạt động cũng phải phù hợp như nhân dịp tổ chức lễ hội hay nhân dịp các sự kiện chính trị, trọng đại của địa phương...).

Sau khi đã xây dựng được kế hoạch chi tiết thì thực hiện việc triển khai kế hoạch tới các tổ chức, cá nhân liên quan, phân công nhiệm vụ rõ ràng, rõ trách nhiệm và tiến độ thời gian. Kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh, cần thiết thì phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, của các phòng, ban, ngành liên quan. Quá trình tổ chức thực hiện cũng cần quan tâm đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung những hoạt động mới, phù hợp, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả tốt. chú ý phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức thực hiện”.

Bà Yến cũng nhấn mạnh, các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng nói chung và mô hình Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu nói riêng phải được tổ chức thường xuyên, liên tục, có mô hình, phần việc cụ thể hướng đến các nhóm, đối tượng phụ nữ cần ưu tiên. Trong quá trình thực hiện các cấp Hội Phụ nữ cũng cần chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Có như vậy thì mô hình chúng ta xây dựng mới có thể đạt được hiệu quả. Chúng tôi cũng xin được kiến nghị, đề xuất với Hội LHPN thành phố cần có sự tham mưu với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố để lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, có sự lãnh đạo của Đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp về cơ chế, chính sách hỗ trợ các cấp Hội trong quá trình tuyên truyền, vận động cũng như thực hiện các mô hình mà tổ chức Hội đã xây dựng.

Tin cùng chuyên mục

 Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo: 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa…
Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại

Sự hoà quyện văn hóa Thăng Long- Hà Nội truyền thống và hiện đại

(PNTĐ) - Các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý và cả người dân bình thường khi nói về văn hóa Thăng Long - Hà Nội đều dùng những khái niệm có tính khái quát “Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn vật”. Các khái niệm đó đã nói đến nguồn vốn văn hóa phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay. Chỉ cần điểm qua một số yếu tố của nguồn vốn văn hóa (cũng là nguồn lực văn hóa) đã đủ thấy tiềm năng cho công nghiệp văn hoá Thủ đô lớn đến mức nào.