Nhà báo nữ góp phần hình thành nhân cách phụ nữ Việt Nam thời đại mới

PHẠM THỊ MỴ (CHỦ TỊCH CLB NHÀ BÁO NỮ VIỆT NAM)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với sự phát triển của báo chí Việt Nam và dòng báo nữ (Báo Phụ nữ Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô, báo Phụ nữ TP. HCM, Phụ nữ mới, Bút nữ…), đội ngũ những người phụ nữ làm báo đang lớn mạnh không ngừng. Trong suốt hơn một thế kỷ vừa qua, trong những giai đoạn quan trọng nhất của đất nước, luôn có dấu ấn của những nhà báo nữ. Sự nỗ lực của họ đóng góp vào hình thành nhân cách phụ nữ Việt Nam thời đại mới, phát triển con người Việt Nam toàn diện…

Nhà báo nữ khẳng định và bồi đắp giá trị bản thân trong sự nghiệp 

Có thể nói, nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) là lớp nhà báo nữ đầu tiên của Việt Nam. Với vai trò chủ bút tờ Nữ giới chung ra đời năm 1918, bà chính là nữ Tổng Biên tập đầu tiên của dòng báo nữ tại Việt Nam. Qua 20 số báo, bà đã dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ và làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam.

Nhà báo nữ góp phần hình thành nhân cách phụ nữ Việt Nam thời đại mới - ảnh 1
Chân dung nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, chủ bút báo Nữ Giới Chung.

Từ đó tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này và truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trí thức của các thế hệ tiếp nối xuất bản báo, viết báo. Họ có thể là người đứng đầu các tờ báo phụ nữ như bà Nguyễn Đức Nhuận (báo Phụ nữ tân văn), bà Lê Thành Tường (báo Phụ nữ tân tiến), bà Thụy An (báo Đàn bà mới, Đàn bà) hoặc là nữ phóng viên như Nguyễn Thị Kiêm, Phạm Vân Anh, Vân Đài, Lê Thị Huỳnh Lan, Bảo Hòa...

Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trong số gần 30.000 hiện vật, tài liệu được trưng bày tại Bảo tàng có nhiều hiện vật liên quan đến nữ nhà báo, như: Thẻ nhà báo của nữ nhà báo chiến trường Nguyễn Khoa Bội Lan, đặc phái viên của báo Cứu quốc khi bà được cử vào Huế hoạt động; hình ảnh nữ nhà báo trong kháng chiến (lớp học báo chí Huỳnh Thúc Kháng) Lý Thị Trung; bản viết tay Nhật ký chiến trường của nhà báo Lệ Thu; báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, số 1, ra ngày 19/5/1975, chỉ 19 ngày sau khi miền Nam giải phóng; bức ảnh chụp nhà báo Nguyễn Minh Hiền, phóng viên báo Giải phóng tác nghiệp trên đường phố Sài Gòn ngày 2/5/1975... Mỗi tài liệu, hiện vật là một câu chuyện cho thấy sự xuất hiện, dấn thân của những nữ nhà báo trong từng giai đoạn quan trọng của đất nước.

Câu chuyện về nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý để lại nhiều xúc động với nhiều thế hệ sau. Là phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968, với cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi, bà đã viết nhiều bài báo, một số truyện ngắn và bút ký, có những tác phẩm viết ngay tại tuyến lửa khu IV. Ngã xuống ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, Nhà báo - Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý đã để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị cùng tấm gương ngời sáng của một nhà văn - chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay, khi đất nước hòa bình và đổi mới, phát triển, tiếp nối các thế hệ đi trước, đội ngũ những người làm báo làm việc, cống hiến tại các vị trí, công việc khác nhau trong các cơ quan báo chí ngày càng đông đảo. Các nữ nhà báo, đặc biệt là các nữ lãnh đạo đã tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về các nữ nhà báo, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, TS. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng nhận xét: “Các nhà báo nữ đã chứng minh, phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vai trò trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội, không thua kém nam giới”.

Cũng theo Phó Vụ trưởng, vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam nói chung và nữ nhà báo nói riêng, đối với đất nước, đã được ghi nhận và khẳng định.

Còn theo bà Hoàng Thanh Mai (Phó Trưởng Ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam), nếu so sánh với các đồng nghiệp khác giới, nữ nhà báo vất vả hơn rất nhiều. Bên cạnh việc đảm trách phần công việc ở cơ quan, nữ nhà báo - giống như bao phụ nữ khác, còn phải đảm đương những công việc mà không ai có thể thay thế, đó là phải làm tròn vai trò của người mẹ, người vợ, người con trong gia đình.

Như chia sẻ của một nhà báo nữ: Nghề báo với vai trò chuyển tải thông tin nhanh, chính xác, hấp dẫn đến bạn đọc, đã vô tình tạo áp lực nghề nghiệp. Cùng dự một sự kiện, lúc tan họp, các đại biểu quây quần ở sảnh lớn để dùng cơm trưa, nhưng nhà báo lại loay hoay ở hậu trường viết tin, bài để chuyển về tòa soạn nhanh nhất có thể. Khi xong việc, lặng lẽ ra quán võng, ăn “cơm bụi” để lấy sức tiếp tục công việc.

“Thời tiết hôm rồi nắng cháy da, đi công tác nhiều, đồng nghiệp tôi bị cảm, bàn làm việc đầy khăn giấy, “híc híc” liên tục vì sổ mũi nhưng tay vẫn đều đặn gõ bàn phím. Tôi nói: “Đi khám uống thuốc cho nhanh hết, thời tiết này dễ bệnh!”. Bạn trả lời thấy thương: “Uống vào buồn ngủ lắm, tranh thủ viết bài cho kịp!”. Có lần đồng nghiệp khác bị té xe, tay chân, mặt mũi trầy xước, nhưng tư liệu đã thu thập đầy đủ hết rồi, kế hoạch đăng bài cũng đã được Ban Biên tập duyệt, nếu không viết thì mọi sắp xếp sẽ xáo trộn, các đồng nghiệp khác cũng bị động theo. Thôi đành cố gắng!”.

Cũng theo nhà báo này, chị em nữ đi công tác ở huyện xa, vừa hoàn thành nhiệm vụ thì trời mưa, mặc vội chiếc áo vào là ngược đường hàng trăm cây số cho kịp về nhà trước khi trời tối. Bởi nơi đó, những đứa con nhỏ đang chờ mẹ về! “Rồi những đêm con sốt, thức trắng đêm lau mát, chăm sóc cho con, đến tinh mơ chị em lại phải cố tỉnh táo để viết xong bài nộp cho tòa soạn. Nỗi niềm ấy, hẳn chị em làm báo nào cũng trải qua và thấm thía. Nếu như nam giới có thể thoải mái sử dụng hầu hết thời gian của họ để viết bài, thì nhà báo nữ, đặc biệt là người đang chăm con nhỏ, chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình vào tầm 23 - 0 giờ hoặc 3 - 5 giờ sáng, khi con trẻ của họ say giấc”.

Có những tác phẩm ra đời khi hoàn cảnh thực tế nhiều xáo trộn. Cố gắng tập trung lý trí cho công việc vào thời điểm tình cảm đang mềm yếu, trái tim đang rưng rưng, đó là sự cố gắng vô cùng, đáng nghiêng mình trước những nhà báo nữ. Những điều này càng minh chứng, phụ nữ khi làm báo, họ đã nỗ lực đến tận cùng, vì trách nhiệm với nghề, với công việc đã chọn và yêu quý!

Nghề báo tuy vất vả, nhưng đem lại cho nhà báo nói chung, phụ nữ làm báo nói riêng nhiều giá trị. Làm báo, phụ nữ được đi rất nhiều nơi, biết rất nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội, từ đó tích lũy nhiều kiến thức, kỹ năng, đa dạng các mối quan hệ xã hội.

Nhớ những chuyến đi công tác xa như Trường Sa, hay “lên rừng, xuống biển”, vào những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…. nhà báo nữ gặp khó khăn hơn về sức khỏe, điều kiện thích nghi, nhưng vẫn rất miệt mài thu thập tư liệu, hình ảnh phục vụ cho nghề. 

Thậm chí, nhà báo nữ còn phải vượt qua những tình huống khó khăn khi công tác tại nơi có yếu tố nguy hiểm, phức tạp về an ninh, phản ánh các vấn đề tiêu cực, thực hiện phóng sự điều tra hay đi công tác vào ban đêm, tác nghiệp trong thời tiết khắc nghiệt… 

Nếu không say với đam mê, phụ nữ sẽ không vượt qua được những rào cản đó để đưa hơi thở cuộc sống vào từng trang viết và bài báo.

Xã hội ngày nay không phân biệt năng lực giữa nam và nữ. Với nhà báo thì lại càng không. Bạn nhạy bén thông tin, thực hiện được những đề tài nóng, chất lượng bài viết hay - kết quả của bạn nhiều người nhìn thấy. Chính vì vậy, nhà báo nữ hoạt động trong giai đoạn cạnh tranh giữa các loại hình báo chí ngày càng gay gắt, đòi hỏi sự năng động, bản lĩnh để trụ vững. Có lẽ cũng là công bằng khi trời phú cho phụ nữ sự sâu sắc và nhạy bén về cảm xúc. 

Chậm lại một chút để nhìn kỹ hơn các vấn đề, lắng lại một chút để phân tích sâu hơn, xử lý tốt hơn trước những thông tin ngồn ngộn và lắng lòng một chút để những trang viết về đề tài xã hội được tình cảm hơn, lay động hơn.

Phụ nữ làm báo, nỗi vất vả và hy sinh của họ đòi hỏi nhiều hơn nam giới, do đặc thù giới tính và sự chi phối khi phải cân bằng trách nhiệm, tình yêu giữa công việc và gia đình. Nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm xã hội, nhiều nhà báo nữ đã vượt qua được mọi rào cản để ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong làng báo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà báo nữ lan toả ảnh hưởng trong cuộc sống gia đình và xã hội

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của đội ngũ những người làm báo, số lượng phóng viên nữ tăng lên đáng kể. Theo thông tin từ Ban công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2024, sau khi đổi thẻ hội viên giai đoạn (2022 - 2026) Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên trong đó khoảng 40% hội viên là nữ (khoảng 8.500 hội viên nữ).

Nhà báo nữ góp phần hình thành nhân cách phụ nữ Việt Nam thời đại mới - ảnh 2
Các nữ nhà báo thuộc CLB Nhà báo nữ Việt Nam nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc về nghiệp vụ và xây dựng Hội trong Gala "Hành trình những dấu chân" được tổ chức năm 2023.

Đặc biệt, ở những cơ quan báo chí dành cho nhóm công chúng phụ nữ, trẻ em thì tỷ lệ này lên đến 70 - 80%. Nhiều cơ quan báo chí, lực lượng nữ lãnh đạo chiếm tới 50 - 60%, thậm chí có những tòa soạn, toàn bộ Ban biên tập đều là nữ.

Mỗi nghề nghiệp đều có nguồn vui và niềm hạnh phúc riêng. Nhà báo nói chung và nữ nhà báo nói riêng, ai mà không cảm thấy vui sướng và hạnh phúc khi tác phẩm của mình được đăng trên trang báo hay được phát trên sóng phát thanh, truyền hình. Lại càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi tác phẩm được công chúng đón nhận và khen ngợi. Đó chính là niềm cổ vũ, động viên các nhà báo vượt qua khó khăn, trở ngại trên con đường sự nghiệp.

Công việc của một phóng viên nói chung thường bận rộn, nhưng với phóng viên nữ thì sự bận rộn và nỗi vất vả còn tăng lên gấp nhiều lần. Vì để có những tin tức thời sự mới, có giá trị; một bài báo, một phóng sự hay đi vào lòng người xem, người đọc, các phóng viên phải đầu tư nhiều công sức, họ phải xông xáo, thâm nhập thực tế, làm việc không kể ngày đêm để sáng tạo tác phẩm. Bên cạnh đó, đặc thù giới tính cũng gây cho họ những khó khăn, phiền phức trong những dịp công tác xa, dài ngày hoặc những trường hợp giao tiếp có tính nhạy cảm.

Một nhà nghiên cứu từng viết: “Nhà báo nữ đã vào cuộc như thế nào với những đặc điểm giới của mình. Trước hết là những khó khăn cần phải vượt qua: Sức khỏe bị hạn chế hơn nam giới (nhất là những dịp đi công tác lại đúng vào ngày riêng của giới mình). Nghề nghiệp lại là một nghề đặc biệt, thời gian lao động không cụ thể được, hay phải đi công tác dài ngày nên khó có sự thông cảm của gia đình… Khi đi công tác xa nhà, nữ nhà báo dễ gặp những tình huống, hoàn cảnh khó khăn, bất ngờ, thiếu sự an toàn”.

Với các nữ phóng viên viết bài về mảng phóng sự điều tra chống tiêu cực thì áp lực công việc đối với họ còn lớn hơn rất nhiều. Bởi công việc của họ không chỉ là gian nan, vất vả mà còn luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Đối tượng mà họ tiếp xúc thuộc nhiều tầng lớp, đủ mọi loại người trong xã hội và lĩnh vực họ đề cập là đấu tranh chống tiêu cực - một công việc thường động chạm đến các cơ quan, tổ chức, con người cụ thể, không tránh khỏi sự va chạm, đôi khi có cả sự thù hằn khi quyền lợi của một nhóm người, hoặc một số cá nhân bị tước bỏ.

Một nữ phóng viên chuyên viết phóng sự điều tra chống tiêu cực đã tâm sự về công việc của mình: “Có lẽ do bản năng sẵn có của phái nữ nên công việc của chúng tôi đôi khi có những điểm khác so với các bạn đồng nghiệp nam. Ngoài công việc nghiên cứu tài liệu, tìm ra chứng cứ để bênh vực những người bị trù dập, bị thiệt thòi do cách tính toán “sai trái, ăn chặn” của một số cá nhân được giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng, chúng tôi còn phải tìm cách an ủi, động viên những người đang gặp cảnh không may để họ có niềm tin vào công lý và cuộc sống”. 

Như vậy, để hoàn thành tốt công việc của một nhà báo, người nữ phóng viên đã phải cố gắng rất nhiều. Họ phải vượt qua những áp lực của công việc, đối mặt với nguy hiểm và cũng như bao phụ nữ khác, họ còn có gia đình, nhiều người còn là người vợ, người mẹ. Để làm tròn trách nhiệm với gia đình, người nữ phóng viên thường rất bận rộn, họ phải lo từ bữa ăn cho gia đình, đến chăm sóc con, lo cho con học tập… Họ có ít điều kiện để nghỉ ngơi, giải trí và nâng cao trình độ. Do vậy, để đạt được thành công trong nghề nghiệp, người nữ phóng viên phải đầu tư công sức hơn các nam đồng nghiệp rất nhiều.

Tính chất nghề nghiệp và yêu cầu của nghề báo luôn đòi hỏi đội ngũ phóng viên, trong đó có các nữ phóng viên phải có bản lĩnh vững vàng trong công tác và cuộc sống. Chính đòi hỏi này đã tạo nên cá tính mạnh mẽ của nhiều nữ phóng viên. Để hoàn thành công việc, nhiều chị đã không ngần ngại xông vào nơi nguy hiểm, bình tĩnh xử trí trước những hoàn cảnh, tình huống gay cấn, để lấy tin và thu thập tư liệu cho bài viết. 

Đánh giá nguyên nhân dẫn đến thành công của các phóng viên nữ, một nhà văn, nhà báo đã viết: “So với trước đây, vị trí xã hội của nhà báo nữ được nâng cao lên rất nhiều. Nguyên nhân là do một phần nhận thức xã hội đã đúng đắn hơn về năng lực của các nhà báo nữ. Mặt khác, nhà báo nữ đã thực sự có trách nhiệm trong công việc, có bản lĩnh trong hoạt động nghề nghiệp. Đó là cơ sở để các nhà báo nữ tự khẳng định mình.

Như đã đề cập, ngoài những đức tính chung của phụ nữ, người nữ phóng viên thường có những tính cách khá đặc trưng như say mê nghề nghiệp, cá tính mạnh mẽ quyết đoán. Chính những đặc điểm này đã tác động tích cực đến cuộc sống gia đình cuả họ.

Hiện chưa có thống kê hay tài liệu phản ánh cụ thể về thực trạng cuộc sống gia đình người nữ phóng viên. Nhưng qua một số nguồn tài liệu đã có, có thể hình dung khái quát về vấn đề này. Ý kiến của một số tác giả và đặc biệt ý kiến của một số nhà báo nữ - là những người trong cuộc, phần lớn đều cho rằng công việc làm báo ít nhiều có ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của các nữ phóng viên.

Có một số ý kiến cho rằng, chính vì gánh nặng công việc của nghề báo mà nhiều nữ phóng viên đã không đạt được hạnh phúc riêng tư như ý muốn. Trong bài báo “Nữ phóng viên - có khó lấy chồng?”, tác giả đã nhận xét: “Quả thật, hiện nay trong làng báo có nhiều nữ phóng viên tuổi đã ngoài băm mà vẫn độc thân. Điều này do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan và đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nghề nghiệp”. 

Tìm hiểu thực tế, điều này có thể lý giải như sau: Khi mới bước vào nghề báo, các nữ phóng viên còn trẻ trung, họ thường say sưa lao vào công việc. Những chuyến đi, những bài viết, những đề tài mới của cuộc sống…luôn cuốn hút họ. và thời gian cứ thế trôi đi, năm này qua năm khác, những cuộc gặp gỡ, những người bạn trai có thể đến, nhưng rồi lại qua đi, tâm trí của nhiều chị chỉ luôn dành cho công việc. Đến khi các chị đã tự khẳng định mình, có chỗ đứng, vị trí trong nghề nghiệp, thì mới chợt nhớ đến việc lập gia đình…

Là phóng viên, nhất là phóng viên trong giai đoạn hiện nay là rất bận rộn. Để có được bài viết hay, chương trình hấp dẫn, người phóng viên thường phải đi nhiều để lấy tin và tư liệu. Đặc biệt với các nữ phóng viên, khi bận tâm với công việc, họ thường cảm thấy mắc lỗi với gia đình, vì thời gian và sức lực của họ có hạn. Đoạn trích phỏng vấn một nữ phóng viên - biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam cho thấy rõ điều này: “Đã làm báo không ai nghĩ đến việc chỉ làm trong giờ hành chính mà bất kể đi sớm về khuya, kể cả thứ bảy, chủ nhật, theo yêu cầu công tác. Nếu không đi công tác thì ngoài giờ ở cơ quan, không mấy ai là không làm việc tại nhà vào buổi tối. Chính vì thế mà đối với phụ nữ, nghề báo chứa đựng cả những điều bất ổn thường trực. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là cả một sự cố gắng gấp đôi phóng viên nam. Bởi ngoài sự vất vả của công việc, phóng viên nữ thường có sức yếu hơn nam giới, rồi còn thiên chức làm vợ, làm mẹ luôn đặt nữ nhà báo trước những khó khăn không nhỏ. Điều này hoàn toàn không ngoa ngôn.

Một phóng viên nam đi công tác xa là chuyện bình thường, nhưng với phóng viên nữ là cả một vấn đề. Điều quan trọng nhất là con cái: Sáng đi sớm thì làm thế nào để gửi con? Rồi gửi con cho ai chăm sóc? Những người đã có con sẽ hiểu được tâm trạng của những nữ phóng viên - người mẹ trong mỗi lần đi xa…”.

Lời tâm sự trên cho thấy thời gian đối với các nữ phóng viên thật là quan trọng. Bởi, nghề làm báo thường không có ranh giới giữa làm việc ngoài giờ và làm việc trong giờ, mà cũng chẳng có sự phân định rõ ràng giữa ngày nghỉ cuối tuần và ngày đi làm. Trên thực tế, nhiều nữ phóng viên gặp khó khăn trong việc “cân bằng” giữa một bên là công tác, một bên là gia đình. Đối với họ công việc nào cũng quan trọng, nên để làm tốt cả hai công việc thì người nữ phóng viên rất vất vả. Để có được thành công trong nghề nghịêp, các nữ phóng viên đã phải nỗ lực rất nhiều. Lại có những gia đình nhà chồng không thông cảm với công việc của các nữ phóng viên, thường nói ra, nói vào, khích bác người chồng về công việc của người vợ.

Một nữ phóng viên của Đài phát thanh thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Là phóng viên phụ trách mảng văn hóa, nhiều hôm chị phải thức khuya xem kịch, phim ở rạp. Nhiều lần như thế, mẹ chồng lại nói gần nói xa: “Đi làm việc sao không đi ban ngày, cứ nhè ban đêm mà đi. Thả vợ đi kiểu đó có ngày…”. Trường hợp tương tự như trên không chỉ xảy ra một lần mà xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của các nữ phóng viên.

Nghề báo với những tính chất đặc thù đã có những tác động nhất định tới cuộc sống gia đình người nữ phóng viên, đặc biệt là đối với những nữ phóng viên chuyên viết về phóng sự, điều tra chống tiêu cực, hay phải đi công tác dài ngày ở những nơi xa xôi hoặc nguy hiểm, không có thời gian chăm sóc gia đình, thì sự tác động ấy là rất đáng kể. Ngược lại, những khó khăn trong cuộc sống gia đình cũng là một thách thức lớn đối với các nữ phóng viên say mê nghiệp báo. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có sự giải quyết hài hòa giữa công việc xã hội và công việc gia đình, giữa vai trò một nữ phóng viên với một người phụ nữ trong gia đình. Sao cho một người phóng viên thành đạt trong nghề nghiệp, đồng thời cũng có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Để làm được điều này, ngoài những nỗ lực của người nữ phóng viên thì họ còn cần đến sự thông cảm, quan tâm và trợ giúp của gia đình và xã hội.

Nói nhiều về khó khăn, vất vả mà nữ nhà báo phải trải qua, cả những thiệt thòi mà họ phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận; nhưng vì sao, các nhà báo nữ vẫn không bỏ cuộc, số lượng nhà báo nữ ngày càng tăng lên, những nhà báo nữ có vị thế trong cơ quan, xã hội ngày càng nhiều. Lý do, cũng dễ hiểu, đó là vì niềm đam mê với nghề, đam mê cống hiến cho xã hội, đam mê làm một “chiếc cây bằng sắt thép” để có thể mang tới sự bình yên, công bằng, mang tới những niềm hạnh phúc cho những số phận khó khăn, thiệt thòi; mang tới những cơ hội cho những người có ý chí vươn lên.

Vì thế nên, dù bao hy sinh, với các nhà báo nữ vẫn là xứng đáng!

Đơn giản nhất, hãy nhìn vào kết quả của Giải báo chí Quốc gia vừa được trao, với rất nhiều giải nhất, nhì, ba, khuyến khích đều là sản phẩm của những nhà báo nữ! Đó là nữ nhà báo Lê Thị Thanh Hà (Nguyên Đức) - Chi hội Nhà báo Báo Đầu tư, với loạt 5 bài “Thu hút đầu tư nước ngoài: Bước ngoặt 35 năm và cơ hội lịch sử” giành giải A – thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in); tác giả Nguyễn Thị Vân (Hà Vân, Sông Mây, An An, Bảo Minh, Vân Hà) – Báo Nhà báo và Công luận, Liên chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với loạt 5 bài “Báo chí Cách mạng & sứ mệnh dẫn lối” giành giải A – thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) … 

Đó là những minh chứng rõ nhất về vai trò không thể thiếu của nữ nhà báo trong dòng chảy báo chí nói riêng và dòng chảy xã hội nói chung, đặc biệt là về việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp giá trị bản thân và gia đình, góp phần hình thành nhân cách người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

 

                 

          

Tin cùng chuyên mục

Tiết lộ lý do ca sĩ Phương Linh “ở ẩn” một thời gian dài

Tiết lộ lý do ca sĩ Phương Linh “ở ẩn” một thời gian dài

(PNTĐ) - Bước ra từ chương trình Sao Mai Điểm Hẹn 2005 với vị trí Á quân dòng nhạc nhẹ, Phương Linh nhanh chóng trở thành giọng ca được chú ý. Thế nhưng đến năm 2012, khán giả dường như thấy vắng bóng Phương Linh tại các sân khấu âm nhạc và cả phòng trà. Nhiều đồn đoán được đưa ra nhưng ít ai biết được rằng cô phải đối diện với việc bị tràn dịch khớp gối.
 Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

Hà Nội phấn đấu 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa

(PNTĐ) - Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo: 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa…