Nhà báo là chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Báo chí truyền thông cũng là lực lượng tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng, góp phần định hướng dư luận trong đại dịch Covid-19. Đây cũng là chủ đề buổi tọa đàm “Báo chí truyền thông trong tuyến đầu chống dịch Covid-19” do Tạp chí Người Làm Báo – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng – Bộ Y tế tổ chức ngày 18/9.
Buổi tọa đàm trực tuyến được thực hiện tại trụ sở Truyền hình HiTV- Truyền hình Cáp Hà Nội, kết nối với đầu cầu một số cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên cả nước, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, động viên khích lệ những người làm báo trong tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Chủ trì buổi tọa đàm, có Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế và PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo.
Tọa đàm trực tuyến được thực hiện tại trụ sở Truyền hình HiTV- Truyền hình Cáp Hà Nội, đầu cầu một số cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên cả nước
Tọa đàm có sự tham dự của ông Tống Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục Trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo cả nước, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, chuyên gia kinh tế và đại diện một số doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong 20 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã nhiều lần tấn công chúng ta, trong đó nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ tư, đã và đang gây ra những tổn thất rất nặng nề ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", sức khoẻ nhân dân là trên hết và trước hết, chúng ta đang dồn sức, từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội.
Đó là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao, sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên mọi lĩnh vực, trong đó có đóng góp rất quan trọng của lực lượng báo chí, truyền thông cả nước. Chúng ta vô cùng cảm động khi theo dõi những phóng sự của nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt, phim tài liệu Ranh giới của VTV mới thực hiện, đã làm lay động hàng triệu trái tim.
Qua các tác phẩm báo chí, nhân dân cả nước cảm thấu sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, giành giật mạng sống cho từng người dân, đồng thời cũng thấy được tinh thần dấn thân, cống hiến của đội ngũ những nhà báo, họ đã đồng hành, sát cánh bên những y bác sỹ, bên những người bệnh để có những thước phim, tư liệu chân thực nhất về cuộc chiến sinh tử chống Covid-19. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, đã ngời sáng tinh thần quả cảm, đức hy sinh và lòng thương yêu con người….
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.
Tại tọa đàm, các nhà báo là lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng đã chia sẻ về vai trò của thông tin báo chí trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt là các cơ quan báo chí nằm trong điểm nóng của tâm dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nội… Lực lượng báo chí là một trong những lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 bên cạnh lực lượng y tế, bộ đội, công an.
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi cho rằng, từ khi dịch Covid-19 bắt đầu cũng là lúc các phóng viên “quay cuồng” làm sao cập nhật nhanh những kiến thức phòng ngừa hữu ích nhất đến cho người dân. Nhiều nơi được ví như điểm nóng “tâm dịch” Covid- 19 đều có mặt của các phóng viên, nhà báo thâm nhập, tác nghiệp, đưa tin nhanh chóng, kịp thời nhất. Ở thời đại mà hoạt động của Báo chí và Truyền thông không thể tách rời, báo chí và truyền thông đã gắn kết, cùng tạo sức mạnh lớn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đã nhấn mạnh vai trò của báo chí truyền thông đối với phòng chống dịch Covid-19; những đóng góp của các cơ quan báo chí và cấp Hội Nhà báo trong phòng chống dịch Covid-19.
Nhà báo Nguyễn Quang Thông - Tổng Biên tập Báo Thanh niên phát biểu từ điểm cầu TPHCM
Tại điểm cầu Hà Nội, nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội chia sẻ về vai trò nổi bật của báo chí Thủ đô trong cuộc chiến phòng chống dịch. Theo đó, các cơ quan báo chí Hà Nội và địa phương đóng trên địa bàn đã thể hiện rất tốt vai trò, tinh thần dũng cảm, xung kích trên mặt trận thông tin phòng chống dịch. Nhiều cơ quan báo chí dù khó khăn nhưng vẫn thực hiện rất tốt vai trò tuyên truyền của mình.
Nhà báo Kiều Thanh Hùng cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng thành phố để đảm bảo nguồn tin cho báo chí phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách chống dịch của Thành phố, đảm bảo nguồn thông tin chính thống trên báo chí để cung cấp cho người dân hiểu đúng về những quyết sách phòng chống dịch của Chính phủ, Thành phố… Đồng thời, báo chí cũng kịp thời phản hồi những thông tin về chính sách khi triển khai trong cuộc sống gặp vướng mắc để các cơ quan chính quyền kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục như giấy đi đường, việc kiểm tra chốt…
Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đã chia sẻ về sự khó khăn của cơ quan báo chí gặp phải trong đại dịch ảnh hưởng đến quy trình xuất bản, phát hành, những tác động mạnh mẽ đến kinh tế báo chí trong bổi cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, kéo dài. Dù vậy, các cơ quan báo chí vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền của mình, cùng các lực lượng tuyến đầu xung kích trên mặt trận phòng chống dịch.
Nhà báo Nguyễn Quang Thông - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng biên tập Báo Thanh Niên đã khái quát những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm của Báo Thanh Niên trong việc thông tin về đại dịch Covid-19. Khi mà tòa soạn phải tạm thời đình bản báo in khi TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội, có tới 25 cán bộ, phóng viên của báo Thanh niên trở thành F0, bị nhiễm Covid-19 và đã có nhân viên Báo tử vong vì Covid.
Nhà báo Tô Đình Tuân - Uỷ viên BCH Hội Nhà báo TPHCM, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (đầu cầu TPHCM) chia sẻ kinh nghiệm của Báo Người Lao Động trong hoạt động tổ chức đội ngũ phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch TPHCM. Ông chia sẻ kinh nghiệm sản xuất báo in qua điều hành trên không gian mạng hay các biện pháp phòng chống thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật về đại dịch Covid-19.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Lê Quỳnh trang - Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô chia sẻ những khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Không riêng báo Thanh Niên phải dừng xuất bản, báo Phụ nữ Thủ đô đã phải tạm dừng 2 kỳ xuất bản do có 2 nhân viên phát hành của báo là F1 (tiếp xúc với F0), bên cạnh đó, phóng viên tuổi đời trung bình trên dưới 40, đa phần đã có gia đình nhưng cũng thường xuyên tác nghiệp trong môi trường lây nhiễm do Covid-19. Tuy nhiên, nhiều phóng viên không quản ngại khó khăn vẫn chịu khó dấn thân vào điểm nóng. Là một tờ báo giới, thời gian qua, Báo Phụ nữ Thủ đô đã tăng cường các tin bài tích cực, chủ yếu để động viên tinh thần chị em phụ nữ trong đại dịch, báo mở nhiều chuyên mục như tư vấn về hôn nhân gia đình, về những kỹ năng giải quyết tình trạng bạo lực gia đình, tư vấn sức khỏe giới tính cho người dân, kỹ năng nuôi dạy con, hướng dẫn nấu ăn bổ dung nguồn dinh dưỡng cho các gia đình trong thời gian phòng chống dịch... Bên cạnh đó, Báo Phụ nữ Thủ đô cũng đã cùng với Hội LHPN Hà Nội thực hiện các hoạt động xã hội, trao tặng, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cho các phụ nữ nhập cư gặp khó khăn trong đại dịch trên địa bàn Hà Nội…
Nhà báo Lê Quỳnh Trang - Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô tham gia thảo luận tại đầu cầu Hà Nội.
Tại phần kiến nghị, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như đại diện Hội nhà báo các tỉnh, thành phố, các chuyên gia đã nêu lên những bất cập khó khăn của các nhà báo, phóng viên trong bối cảnh tác nghiệp trên tuyến đầu cùng các lực lượng y tế, công an, quân đội… Hiện nay nếu nói về chế độ đãi ngộ cho các đối tượng tuyến đầu thì so với các lực lượng khác, báo chí vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể như cần được trang bị về phương tiện bảo hộ y tế, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong quá trình tác nghiệp, hay về chế độ chính sách đối với các phóng viên, nhà báo tác nghiệp bị nhiễm Covid-19, bị cách ly khi trở thành F1… cũng cần được đãi ngộ thỏa đáng.
Đa số lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng như các chuyên gia là khách mời tại cuộc tọa đàm cùng nêu kiến nghị, đề xuất Chính phủ nên có chính sách đặt hàng các cơ quan báo chí để giúp cơ quan báo tháo gỡ khó khăn về kinh tế báo chí, để cơ quan báo chí chuyên tâm làm tốt nhiệm vụ chính trị. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ nhà báo, phóng viên để đảm bảo đời sống cho họ trong bối cảnh nguồn nhuận bút, lương bị giảm sút cho tác động của đại dịch. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn vì Covid-19 cũng là cơ hội tốt để các cơ quan báo chí tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình sản xuất tác phẩm báo chí, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục quan tâm, kiến nghị Chính phủ có cơ thế tháo gỡ khó khăn như giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan báo chí và người làm báo; hỗ trợ các phóng viên tác nghiệp tại những địa bàn nóng, dấn thân để có những tin bài nóng trong tâm dịch.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Kinh tế đã chia sẻ dưới góc nhìn của một nhà kinh tế. Ông đánh giá cao vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ông cho rằng, những thông tin được cập nhật, trung thực sẽ giúp 800 ngàn doanh nghiệp nước ta có biện pháp để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất sau đại dịch. Ông hết sức chia sẻ những khó khăn của báo chí trong đại dịch Covid-19 hiện nay. TS Nguyễn Trí Huế đã có những đề xuất kinh tế cho ngành báo và nhà báo, theo đó, Bộ Tài chính cần có ngân khoản hỗ trợ các cơ quan báo chí. Riêng với các phóng viên, nhà báo, Bộ Tài chính và các ngân hàng có chương trình tín dụng đặc biệt cho họ, cho thời gian giãn nợ để bảo đảm họ vẫn duy trì cuộc sống gia đình của họ.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phát biểu
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng – Bộ Y tế đã nêu bật những đóng góp của Báo chí đối với ngành Y tế. Ông đề nghị các cơ quan báo chí mạnh dạn đề xuất những phóng viên, nhà báo có đóng góp to lớn trong đại dịch Covid-19 để lãnh đạo Bộ Y tế có biện pháp khen thưởng, tuyên dương kịp thời, cổ vũ các lực lượng phòng chống dịch đạt nhiều thành tựu hơn nữa.
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Cũng như lực lượng y tế, công an, quân đội, lực lượng báo chí là những người trong tuyến đầu chống dịch. Trong đợt dịch cao điểm vừa qua, các phóng viên nhà báo đã phải tăng tốc để truyền tải các thông tin nhanh nhất đến khán giả. Hoạt động buôn bán sinh hoạt có thể phải ngừng lại, nhưng các toà soạn, các đài phát thanh, truyền hình, thì không thể ngừng hoạt động. Họ phải tác nghiệp trong điều kiện dịch bệnh với sức ép tin bài lớn, nhưng báo chí, giữa khó khăn của bệnh dịch bủa vây, vẫn đảm bảo truyền tải thông tin nhanh, chính xác, chân thực nhất.
Trong chương trình này, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên trực tiếp trên tuyến đầu, trong đó có cả những câu chuyện đằng sau những bài báo, những khuôn hình, những nỗ lực thầm lặng, mà những người trong cuộc. Qua đó, thấy được vị trí vai trò to lớn của báo chí truyền thông trong đại dịch Covid-19. Những câu chuyện xúc động trong quá trình tác nghiệp của phóng viên/ nhà báo. Sự vào cuộc quyết liệt của đội ngũ phóng viên nhà báo trong công tác chống dịch Covid -19. Chính sách đối với nhà báo, nêu cao tinh thần trách nhiệm phóng viên, nhà báo. Sứ mệnh tiên phong của đội ngũ nhà báo trong công tác chống dịch Covid 19. Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền và loại bỏ thông tin độc hại, tin giả (fake news). Kiến nghị xây dựng pháp lý bảo trợ cho phóng viên nhà báo trong tác nghiệp. Xây dựng, đào tạo bồi dưỡng lý luận, đạo đức nghề cho đội ngũ nhà báo. Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19….
HẠ THI