Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng

Chia sẻ

Nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến của Microsoft (DCI) đưa ra vào ngày 11/2, Ngày quốc tế an toàn Internet cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu thấp nhất.

Xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Bình luận thô tục chỉ là một trong những biểu hiện kém văn minh của người Việt trên Internet. Đây là biểu hiện dễ nhìn thấy nhất, mang tính bề mặt. Các hành vi kém văn minh khác thuộc dạng “kín” như: liên lạc ngoài ý muốn (49%), tin lừa đảo (39%), tin nhắn gợi dục ngoài ý muốn (41%), quấy rối tình dục (30%), gạ gẫm (29%). Các lĩnh vực người Việt hành xử kém văn minh theo nghiên cứu của Microsoft chỉ ra là quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Ngôn từ thô tục, dữ dằn là hình thức thể hiện của những vấn nạn nghiêm trọng hơn: kỳ thị phụ nữ, tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, gây tổn hại uy tín...

Dù chỉ số này còn gây nhiều tranh cãi, nhưng không khó để nhận thấy các trường hợp người dùng Internet kém văn minh, chửi bới khá phổ biến. Chúng xuất hiện nhiều trên Facebook, YouTube hay bất kỳ nền tảng nào cho phép bình luận. Hiện tượng chê bai, tranh cãi cũng thường xuất hiện sau những trận cầu căng thẳng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, khi công bố danh hiệu hoa hậu, người đẹp hay những nhóm Facebook chuyên đi “bóc phốt” gia đình, đời tư nghệ sĩ. Tuy tận dụng triệt để quyền tự do bình luận trên mạng xã hội, một bộ phận cư dân mạng Việt Nam không biết tôn trọng các ý kiến trái chiều.

Người dùng Internet tại Việt Nam cũng không lạ với từ khóa “xin link” bất cứ khi nào một người nữ nổi tiếng bị đồn thổi lộ clip nhạy cảm. Có lẽ, đây là lý do Việt Nam xếp thứ 2 trong số những nước có rủi ro về tình dục trên Internet thế giới.

Theo báo cáo năm 2020 của We are Social, người Việt sử dụng Internet 6,5 giờ mỗi ngày, trong đó 2,3 giờ cho mạng xã hội. Facebook và YouTube là hai dịch vụ được sử dụng nhiều nhất. Với 65 triệu người dùng Internet, nếu không hành xử văn minh hơn, Việt Nam sẽ lại tiếp tục “tăng hạng” trong bảng khảo sát của Microsoft.

Dân gian vẫn có câu “giết người bằng lời nói” và điều đó thể hiện rõ nhất đối với những bình luận trên mạng xã hội.

Theo Tiến sĩ (TS) tâm lý Bùi Hồng Quân, hành vi ứng xử trên mạng thể hiện phông văn hóa và đạo đức của mỗi người. Có những thứ mà ai đó muốn chia sẻ nhưng không dám chia sẻ ngoài đời thực, họ thường dễ dàng bộc lộ cảm xúc trên mạng vì nghĩ rằng, sẽ không ai biết mình là ai. Do đó, mới xuất hiện những bình luận thô tục, đi ngược chuẩn mực văn hóa. Các cơ quan chức năng, pháp luận cần có những quy chuẩn riêng trong việc ứng xử trên mạng xã hội để mọi người tuân theo. “Muốn tạo những giá trị tích cực cần có hành động tích cực. Những câu chuyện đau lòng xảy ra khi ai đó bị “ném đá” là những bài học, mà mỗi người cần được tác động để thận trọng hơn, bởi bất cứ ai lúc nào đó cũng có thể trở thành nạn nhân”, TS Quân chia sẻ.

Văn minh trên mạng là lĩnh vực khó kiểm soát bằng luật pháp, tương tự các lĩnh vực khó xác định hành vi như quấy rối tình dục, hay bạo lực trong gia đình. Bởi vậy, theo nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang, giải pháp chính hiện nay vẫn là giáo dục. “Từ nhỏ, trẻ em cần được giáo dục để lắng nghe ý kiến của người khác, tôn trọng sự khác biệt. Cha mẹ và thầy cô giáo nên là tấm gương tốt trong chuyện này, để bảo vệ sự lành mạnh của không gian mạng. Tiếp nữa, chúng ta cần trau dồi năng lực cảm xúc, qua đó điều hòa ngôn từ và hành vi của mình. Năng lực cảm xúc vô cùng quan trọng trong các quan hệ liên cá nhân, không chỉ trên mạng mà đặc biệt ở ngoài đời, nhất là đối với các bạn trẻ”, ông Giang nêu ý kiến.

Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

Nối dài văn hoá truyền thống qua tiếng chiêng Mường

(PNTĐ) - Không chỉ dịp lễ tết, mỗi độ xuân sang, mà mỗi dịp cuối tuần, du khách đến với 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình của huyện Thạch Thất đều có thể được thưởng thức những bản tấu chiêng vang vọng giữa núi rừng hoà vào màu xanh của nương lúa. Chiêng ngân mang theo nét văn hoá độc đáo của người Mường, làm thổn thức bao tâm hồn du khách.
Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

Tri ân anh hùng liệt sĩ qua triển lãm “Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử”

(PNTĐ) - Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm đặc biệt "Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử" nhằm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024). Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan đến tìm hiểu những năm tháng hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.