Hà Nội: Số ca mắc sởi và tay chân miệng tiếp tục gia tăng, dự báo còn diễn biến phức tạp
(PNTĐ) - Trong tuần qua (21-28/3), số ca mắc sởi và tay chân miệng tại Hà Nội tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 21/3 đến 28/3), thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện, không có ca tử vong. Một số địa phương có số ca mắc cao gồm: Nam Từ Liêm (25 ca), Hoàng Mai (19 ca), Bắc Từ Liêm và Long Biên (14 ca), Thanh Trì (13 ca), Hà Đông, Đống Đa, Thường Tín (9 ca).
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã có 1.247 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, số ca mắc tăng đáng kể. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: dưới 6 tháng (11%), từ 6-8 tháng (14%), từ 9-11 tháng (11%), từ 1-5 tuổi (23%), từ 6-10 tuổi (15%) và trên 10 tuổi (25%).
Số ca mắc sởi trong tuần tiếp tục gia tăng, chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin. CDC Hà Nội dự báo dịch bệnh này vẫn có thể tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần, Hà Nội ghi nhận 186 trường hợp mắc tại 28 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong. So với tuần trước (106 ca), số mắc tăng 80 trường hợp. Các địa phương có số ca mắc cao gồm: Hà Đông (26 ca), Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm (20 ca), Thanh Trì (18 ca), Chương Mỹ (13 ca), Hoài Đức (10 ca).
Lũy kế từ đầu năm 2025, toàn thành phố ghi nhận 582 trường hợp mắc tay chân miệng, không có ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (300 ca). Trong tuần, Hà Nội phát hiện hai ổ dịch tại Phúc La (Hà Đông) và Thịnh Quang (Đống Đa), nâng tổng số ổ dịch tay chân miệng từ đầu năm đến nay lên 8, trong đó 4 ổ dịch vẫn đang hoạt động.
CDC Hà Nội đánh giá, bệnh tay chân miệng đang gia tăng theo chu kỳ hàng năm, chủ yếu là các ca bệnh tản phát, với một số ổ dịch ghi nhận trong trường học và cộng đồng. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng.
Bệnh sốt xuất huyết trong tuần ghi nhận 6 trường hợp mắc, không có ca tử vong, giảm 1 ca so với tuần trước. Lũy kế từ đầu năm 2025, Hà Nội có 199 ca mắc, không có trường hợp tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (543 ca). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 27 quận, huyện, thị xã, không ghi nhận ổ dịch mới trong tuần.
Ngoài ra, trong tuần, thành phố ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Thạch Thất (bệnh nhân nam 55 tuổi, có tiền sử vết thương ở chân nhưng không tiêm vắc xin phòng bệnh), không có ca tử vong. Tính từ đầu năm, Hà Nội có 5 ca mắc uốn ván, tương đương cùng kỳ năm 2024. Các bệnh ho gà, não mô cầu, liên cầu lợn không ghi nhận ca mắc mới.
Nhằm kiểm soát dịch bệnh, CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm ca bệnh và triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý dịch. Thành phố đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 21 quận, huyện. Trong tuần tới, các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi theo quy định, đặc biệt là trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng và từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin.
Bên cạnh đó, công tác giám sát và xử lý bệnh tay chân miệng sẽ được tăng cường tại cộng đồng và các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh. Thành phố sẽ tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn theo quy định tại các điểm có dịch. Các ổ dịch hiện đang hoạt động tại Hà Đông, Đống Đa, Thanh Trì và Bắc Từ Liêm sẽ tiếp tục được theo dõi và xử lý triệt để.
Ngành Y tế và ngành Giáo dục Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch tại trường học, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em. Khi có trường hợp mắc sởi tại trường, sẽ tiến hành rà soát và tổ chức tiêm bổ sung để ngăn ngừa nguy cơ lây lan. Thành phố cũng tăng cường giám sát sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ để khoanh vùng và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ phối hợp với ngành thú y để theo dõi dịch bệnh trên động vật, phòng chống dịch lây truyền từ động vật sang người. Công tác tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.