Nhiều ca viêm phổi nặng, bài học đắt giá từ những trường hợp nguy kịch
(PNTĐ) - Hiện khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị gần 20 bệnh nhân viêm phổi. Trong số đó, nhiều ca bệnh nghiêm trọng phải thở máy và lọc máu liên tục. Các trường hợp viêm phổi được ghi nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch và trẻ em.
Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân T (62 tuổi, Hà Nội), nhập viện trong tình trạng rất nặng với các biểu hiện: Khó thở nghiêm trọng, môi tím tái, ý thức mơ hồ, chỉ số SPO2 chỉ đạt 47% (mức bình thường trên 92%). Ông có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) kéo dài hơn 10 năm và thường xuyên sử dụng thuốc xịt chứa corticoid mà không tuân thủ điều trị định kỳ.
Khoảng một tuần trước khi nhập viện, ông tiếp xúc với người thân mắc cúm. Sau đó, các triệu chứng sốt cao, khó thở ngày càng nặng, kèm theo ho và đờm đặc xuất hiện. Tại bệnh viện, ông được chẩn đoán viêm phổi nặng do nhiễm cúm A và bội nhiễm nấm Aspergillus - hậu quả của việc lạm dụng corticoid kéo dài dẫn đến suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.
Ngay sau nhập viện, bệnh nhân được đặt ống thở máy, sử dụng kháng sinh phổ rộng để chống nhiễm trùng và thuốc kháng nấm để điều trị tổn thương phổi. Sau một tuần điều trị tích cực, tình trạng của ông đã cải thiện nhưng vẫn cần theo dõi sát để ngăn ngừa biến chứng.
Tương tự, ông N.V.T (48 tuổi, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau 3 ngày sốt cao, khó thở tăng dần và tụt huyết áp. Ông có tiền sử lạm dụng rượu kéo dài, dẫn đến xơ gan được chẩn đoán 3 năm trước nhưng không điều trị thường xuyên.
Tại cơ sở y tế ban đầu, ông được chẩn đoán viêm phổi thùy phải kèm sốc nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, tình trạng nhanh chóng chuyển nặng và ông được chuyển đến khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại đây, các bác sĩ xác định ông bị viêm phổi nặng với tổn thương lớn ở phổi phải. Chỉ số đông máu Prothrombin của ông chỉ đạt 26% (mức bình thường là 70-140%), khiến nguy cơ chảy máu nghiêm trọng trở nên đáng báo động.
Ông T được đặt ống thở máy, lọc máu liên tục để loại bỏ độc tố và sử dụng kháng sinh mạnh kết hợp thuốc hỗ trợ tuần hoàn. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của ông dần cải thiện nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ.
Từ những trường hợp trên, ThS.BS Trần Văn Bắc - Phó khoa Cấp cứu, nhấn mạnh: “Viêm phổi là bệnh phổ biến nhưng đặc biệt nguy hiểm ở người mắc bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan”.
Để giảm nguy cơ mắc viêm phổi và biến chứng, ThS.BS Trần Văn Bắc khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền và người suy giảm miễn dịch, nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm và vắc-xin phế cầu một lần trong đời.
Người có bệnh nền cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị định kỳ, tránh tự ý dùng thuốc, đặc biệt là corticoid vì có thể làm suy giảm miễn dịch. Thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm: Giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang nơi đông người, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Khi có dấu hiệu sốt cao, ho kéo dài hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.