Sa sút trí tuệ, cụ bà nhiều lần đòi thay ổ khóa, đổi nhà vì nghĩ có trộm rình rập

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mới đây, Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận điều trị cho một trường hợp nữ bệnh nhân 82 tuổi, được chẩn đoán sa sút trí tuệ (SSTT) trong bệnh Alzheimer khởi phát muộn với triệu chứng phụ thêm chủ yếu hoang tưởng, tăng huyết áp.

Thường xuyên lo sợ, hoang tưởng

Theo lời kể của con gái bệnh nhân, khoảng 4 năm nay bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện hay quên những sự việc mới xảy ra như: Nấu cơm quên bật nút, thường quên không uống thuốc huyết áp, hay kể đi kể lại các câu chuyện thời xưa cũ. Nhiều lúc bệnh nhân vừa nói xong lại quay sang hỏi người bên cạnh mình đã nói gì. 

Các triệu chứng tiến triển nặng dần, bệnh nhân ngày càng quên nhiều hơn, nhiều lần đi ra đường không nhớ đường về. Quên tên con cháu trong gia đình. Khó khăn trong việc gọi tên và sử dụng và gọi tên những đồ vật quen thuộc trước đây, quên cả những thông tin cá nhân của bệnh nhân (năm sinh, địa chỉ…). 

Sa sút trí tuệ, cụ bà nhiều lần đòi thay ổ khóa, đổi nhà vì nghĩ có trộm rình rập - ảnh 1
BS Nguyễn Văn Hải - Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần thông tin về trường hợp ca bệnh.

Hoạt động sinh hoạt hằng ngày dần phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình. Bệnh nhân trở nên hoài nghi, dễ cáu gắt với mọi người trong gia đình, thường xuyên cất tiền nhưng không tìm lại được, nghi ngờ con dâu lấy cắp tiền của mình. 

3 tháng trở lại đây, bệnh nhân thường xuyên lo sợ vì cho rằng có người đến ăn cắp đồ đạc trong nhà mình. Bệnh nhân mang đồ đạc bên ngoài vào nhà khóa chặt cửa đề phòng bị mất cắp. Vài ngày bệnh nhân lại đòi thay khóa 1 lần. 

Nhiều đêm bệnh nhân không ngủ, đi lại quanh nhà để trông đồ đạc, tránh kẻ gian đột nhập vào nhà. Bệnh nhân cũng thường khuyên con trai chuyển nhà vì cho rằng ngôi nhà đang ở lúc nào cũng có trộm rình rập và đột nhập vào ăn cắp đồ đạc. 

Thậm chí, nhiều lần bệnh nhân đòi trèo cổng, trèo hàng rào để chạy trốn ra ngoài. Bệnh nhân được con cháu khuyên ngăn nhưng không nghe. Khi bị ngăn cản bệnh nhân trở nên cáu gắt, đòi đánh lại người nhà. Trước những biểu hiện bất thường có xu hướng tăng nặng, bệnh nhân được đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) điều trị.

BS Nguyễn Văn Hải - Phòng M8, Viện Sức khỏe tâm thần cho hay, bệnh nhân không có tiền sử viêm não, chấn thương sợ não; không có tiền sử dị ứng hen phế quản. Bệnh nhân bị tăng huyết áp 5 năm nay nhưng đã điều trị ổn định; không có tiền sử lạm dụng các chất tác động tâm thần; tính cách tiền bệnh lý vui vẻ hòa đồng; gia đình không ai mắc các rối loạn tâm thần liên quan.

Qua kiểm tra, thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ trong bệnh Alzheimer khởi phát muộn với triệu chứng phụ thêm chủ yếu hoang tưởng, tăng huyết áp. Sau khi được bác sĩ điều trị bằng thuốc chống suy giảm nhận thức, chống loạn thần, tới ngày thứ 17, bệnh nhân đã tỉnh hơn và được ra viện, tiếp tục theo dõi điều trị ngoại trú.

Đáng nói theo TS.BS. Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng phòng Sức khoẻ Tâm thần người cao tuổi và Y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe Tâm thần, không riêng bệnh nhân nữ trên, ở Việt Nam hiện có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi mắc SSTT (chiếm 5% dân số ở độ tuổi này). Tỷ lệ người bệnh gặp các triệu chứng suy giảm nhận thức của SSTT (chưa đủ để chẩn đoán SSTT) chiếm từ 14-46% người trên 60 tuổi.

Sa sút trí tuệ, cụ bà nhiều lần đòi thay ổ khóa, đổi nhà vì nghĩ có trộm rình rập - ảnh 2
TS.BS Nguyễn Thị Phương Mai chia sẻ thông tin về bệnh sa sút trí tuệ trong Alzheimer.

Làm gì để dự phòng bệnh

Cũng theo TS.BS Nguyễn Thị Phương Mai, Alzheimer là bệnh lý tâm thần phổ biến ở người cao tuổi. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ (SSTT), hậu quả của quá trình thoái hóa dẫn đến chết tế bào thần kinh.

Sa sút trí tuệ Alzheimer được đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não (trí nhớ, tư duy, định hướng, chú ý, năng lực học tập, ngôn ngữ và khả năng phán đoán) mà không có rối loạn ý thức, gây suy giảm, trở ngại đáng kể đến các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và các hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. Rối loạn trí nhớ là triệu chứng đặc trưng của Alzheimer nhưng các triệu chứng khác có thể xuất hiện sớm hơn.

Bệnh Alzheimer thường khởi phát âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc phải, hoặc nhầm lẫn những dấu hiệu quên nhớ với quá trình lão hóa tự nhiên. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể gặp đôi chút khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống của mình nhưng họ thường vẫn có thể sống độc lập. Tuy nhiên, theo thời gian, trí nhớ sẽ suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, để lại gánh nặng cho người chăm sóc, gia đình và xã hội.

Một trong những dấu hiệu hàng đầu là suy giảm trí nhớ. Đặc trưng là khó khăn trong việc nhớ các sự kiện gần đây, quên những việc vừa làm, hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin, quên các từ ngữ hoặc tên gọi quen thuộc, quên vị trí để chìa khóa, mắt kính hoặc các vật dụng thường ngày khác, quên tắt bếp khi nấu ăn…

Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh SSTT Alzheimer, gánh nặng cho việc chăm sóc và điều trị căn bệnh này rất lớn. Phát hiện sớm và dự phòng sự phát triển của bệnh có vai trò vô cùng quan trọng. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2020: Việc khắc phục các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được có thể làm giảm 40% nguy cơ mắc SSTT.

Trong đó, người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh lý cơ thể: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, giảm thính lực… Có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao, chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe; ngủ đủ giấc; không hút thuốc lá cũng là phương pháp dự phòng SSTT Alzheimer. Đồng thời, giữ tinh thần lạc quan, hạn chế stress, căng thẳng.

Bên cạnh đó các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người bước vào độ tuổi trung niên nên chủ động tầm soát sa sút trí tuệ định kỳ góp phần kiểm soát nguy cơ gây bệnh hiệu quả, phát hiện và điều trị bệnh sớm, giúp làm chậm tiển triển nặng lên, đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, đồng thời giảm chi phí và gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Giúp đỡ hơn 3.000 người khó khăn cải thiện dinh dưỡng

Giúp đỡ hơn 3.000 người khó khăn cải thiện dinh dưỡng

(PNTĐ) - Trong năm nay, Bệnh viện K (Hà Nội), Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội Tổng Hợp tỉnh Gia Lai, Cơ sở Bảo trợ Trẻ em An Tây (TP.Huế), Trường Phục hồi Chức năng và Dạy nghề cho Người khuyết tật Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), và Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Trà Vinh đã trở thành các đối tác mới của Chương trình Casa Herbalife, nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn mỗi ngày.
Nhồi máu cơ tim vì tập luyện thể dục cường độ cao

Nhồi máu cơ tim vì tập luyện thể dục cường độ cao

(PNTĐ) - Theo ThS.BS Đàm Hải Sơn - khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E: Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, từ 90 - 95% người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.