Sốt xuất huyết tăng mạnh, chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc xin để phòng biến chứng nặng
(PNTĐ) - Cả nước đang bước vào mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết với tốc độ lây lan nhanh, số ca mắc và ca nặng nhập viện tăng mạnh. Đáng lo ngại, chủng virus DEN-2 đang chiếm ưu thế. Loại virus này thường liên quan đến các đợt bùng phát lớn, có khả năng gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong. Trong bối cảnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất hiện nay.
Ca bệnh tăng mạnh, bệnh viện quá tải
Theo báo cáo của Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), đến giữa tháng 7/2025, Việt Nam ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó khu vực miền Nam chiếm trên 70%. Nhiều địa phương ghi nhận số mắc tăng gấp 2 đến 4 lần so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh (HCM).
Tại TP.HCM, tình trạng bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết diễn tiến nặng đang gây áp lực lớn lên các cơ sở y tế. Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận gần 700 ca bệnh, đã có 4 trường hợp tử vong. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ghi nhận gần 2.000 ca nhập viện, trong đó 4 bệnh nhân không qua khỏi. Các bác sĩ cảnh báo, không chỉ trẻ nhỏ mà cả trẻ lớn và người trưởng thành cũng đang có tỷ lệ bệnh nặng gia tăng rõ rệt.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam lưu hành đồng thời cả 4 tuýp virus Dengue (DEN-1 đến DEN-4), trong đó DEN-2 đang là chủng chiếm ưu thế trong cộng đồng. Theo các chuyên gia dịch tễ, đây là chủng virus có khả năng gây bệnh nặng hơn, làm tăng nguy cơ sốc, xuất huyết nội tạng và suy đa cơ quan.

Một vấn đề đáng lưu ý là hiện tượng tái nhiễm. Người từng mắc sốt xuất huyết có thể nhiễm lại với tuýp virus khác. Khi đó, kháng thể cũ không bảo vệ mà ngược lại có thể gây “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE). Hiện tượng này khiến virus dễ xâm nhập hơn vào tế bào miễn dịch, kích hoạt “cơn bão cytokine” phá hủy mô lành, làm bệnh diễn tiến nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ CKI Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết: “Tái nhiễm sốt xuất huyết không chỉ phổ biến mà còn đặc biệt nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong ở lần nhiễm thứ hai có thể cao gấp nhiều lần so với lần đầu. Đáng lo ngại, một người có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời với mức độ nặng tăng dần”.
Về triệu chứng, sốt xuất huyết thường không có triệu chứng đặc hiệu ở giai đoạn đầu, dễ khiến người bệnh chủ quan tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7, ngay sau khi bệnh nhân giảm hoặc hết sốt cần đặc biệt cảnh giác với các dấu hiệu chuyển nặng.
Ba biến chứng thường gặp gồm: Thoát huyết tương, xuất huyết nội tạng và suy đa cơ quan. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Đặc biệt, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, người béo phì, người có bệnh nền là những đối tượng nguy cơ cao cần được theo dõi sát. Phụ nữ nhiễm bệnh trong giai đoạn cận sinh có thể lây truyền virus cho con trong lúc sinh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh.
Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả cao
Trong bối cảnh bệnh lây lan nhanh và không có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả và lâu dài để phòng bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và biến chứng nặng. Từ tháng 9/2024, Việt Nam triển khai vắc xin sốt xuất huyết Takeda (Nhật Bản). Đây là loại vắc xin sống giảm độc lực, giúp phòng cả 4 tuýp virus Dengue.
Vắc xin phòng sốt xuất huyết được chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn, với phác đồ tiêm 2 liều cách nhau 3 tháng. Các nghiên cứu cho thấy vắc xin có thể giảm hơn 80% nguy cơ mắc bệnh và trên 90% nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vắc xin không dùng cho phụ nữ đang mang thai, do đó cần hoàn tất tiêm chủng trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1-3 tháng.
BS. Bạch Thị Chính cho biết, đây là loại vắc xin có kỹ thuật tiêm phức tạp và quy trình bảo quản nghiêm ngặt: “Vắc xin sốt xuất huyết yêu cầu quy trình chuẩn từ hoàn nguyên đến tiêm, trải qua gần 20 bước nghiêm ngặt. Các điều dưỡng thực hiện tiêm phải được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng từ bậc 2 trở lên để đảm bảo an toàn và hiệu quả miễn dịch”.
Mỗi liều vắc xin đều được kiểm tra kỹ lưỡng về tính toàn vẹn, chỉ sử dụng khi đạt tiêu chuẩn tuyệt đối. Những liều có dấu hiệu bất thường như bọt khí, lắng cặn đều bị loại bỏ ngay.
Để chủ động phòng bệnh trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, người dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: dọn dẹp vật dụng chứa nước, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay nước bình hoa thường xuyên. Bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt: mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng kem/chất xua muỗi.
Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng, đặc biệt từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Chủ động tiêm vắc xin nếu đủ điều kiện, đặc biệt với người từng mắc bệnh trước đó, nhóm nguy cơ cao hoặc sống tại vùng có dịch.
Sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi chủng virus DEN-2 chiếm ưu thế và nguy cơ tái nhiễm gây bệnh nặng ngày càng phổ biến. Chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng các biện pháp phòng ngừa khoa học, đặc biệt là tiêm vắc xin đúng lịch, là cách thiết thực và hiệu quả nhất để hạn chế hậu quả nặng nề của căn bệnh này.