Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhiều chính sách đột phá trong phát triển y học gia đình

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 với nhiều quy định về chính sách đặc thù. Đối với lĩnh vực y tế, đây là một dự án Luật quan trọng, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Trung ương trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Dùng quỹ BHYT chi trả cho khám bệnh y học gia đình

Trong phần báo cáo một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thông tin: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép cơ sở khám, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế phát triển y học gia đình; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện...

Cụ thể, về cơ chế phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh là y học gia đình. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình thực hiện.

Trên thực tế, từ năm 2019, Thủ đô Hà Nội đã triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế (TYT) theo nguyên lý y học gia đình; đưa số lượng TYT thực hiện theo nguyên lý y học gia đình từ mức 47,8% số TYT vào năm 2019 lên 82,73% TYT thực hiện theo nguyên lý y học gia đình vào cuối năm 2020.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Nhiều chính sách đột phá trong phát triển y học gia đình - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: T.H

Tuy nhiên, các TYT gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai: Thiếu bác sĩ có chất lượng, nhất là tại TYT xã; các dịch vụ chuyên sâu tại TYT chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế; số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình còn khá hạn chế.

Do đó, để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển y học gia đình, dự thảo Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết thêm: Mặc dù Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình; tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.

Việc quy định dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện, khám, chữa bệnh theo y học gia đình vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm. Việc sử dụng quỹ bảo hiểm để thanh toán khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, là một giải pháp vừa có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Giảm nguy cơ chuyển tuyến và chi phí khám chữa cho người bệnh

Thông tin thêm về ý nghĩa khi dùng quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám chữa bệnh y học gia đình, Bộ trưởng Lê Thanh Long cho rằng, quy định này sẽ góp phần làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí khám bệnh, chữa bệnh sau này.

Phát biểu thảo luận tại tổ trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (đoàn tỉnh Thừa Thiên – Huế) cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo luật, và nhận định: Quyết định việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho TP Hà Nội, phù hợp với Luật Khám chữa bệnh. “Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo điều kiện quan trọng cho việc phát triển y học gia đình của Thủ đô Hà Nội”.

Về công tác khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô với kinh phí được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của TP. Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của thành phố nhằm ngăn chặn bệnh tật đối với người cao tuổi từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi trước tình trạng già hóa dân số nhanh và số năm sống khoẻ thấp. Tuy nhiên, cần xác định rõ mốc thời gian, giai đoạn cụ thể.

Theo khoản 5, khoản 6, Điều 26 về “Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân” của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), có nêu:

5. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định:

a) Cơ chế tài chính, danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình;

b) Mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; cơ chế thanh toán dịch vụ từ nguồn ngân sách Thành phố các cấp, quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện;

c) Biện pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, y tế dự phòng; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài, cập nhật, chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y dược, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, y tế công cộng cho cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô theo lộ trình do chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị.

Tin cùng chuyên mục

Cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số

Cộng tác viên hết lòng vì công tác dân số

(PNTĐ) - Người dân phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội nhiều năm nay đã quen với hình ảnh bà Vũ Thị Thanh Thuý, Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, kiêm Cộng tác viên dân số phường đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt chính sách dân số.