“Độc chiếm” con

Chia sẻ

PNTĐ-Liệu có ai nghĩ đến, tâm hồn đứa trẻ non nớt đang xáo trộn những gì, khi cháu đã và đang phải chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, giằng co nhau vì quyền lợi của mình?

 
“Độc chiếm” con - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Trong phiên phân xử Hôn nhân và gia đình về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa chị Minh Trang (SN 1984) và anh Anh Tuấn (SN 1975, trú tại quận Đống Đa) mới đây tại TAND TP Hà Nội, rất nhiều lần, chủ tọa phiên tòa phải nhắc nhở: “Việc tranh giành quyền thăm nuôi con của bố mẹ sẽ tạo ra vết thương tâm lý cho con. Anh chị có nghĩ, con chị sẽ bị ám ảnh bởi cuộc chiến được – thua giữa cha mẹ không?” – vị chủ tọa phiên tòa nhắc nhở.
 
 “Quyền thăm nuôi, chăm sóc và dạy dỗ con là của cả cha và mẹ, không ai được phép tước đoạt quyền đó của người còn lại”. Anh là kỹ sư viễn thông, chị là giảng viên đại học, tình yêu đẹp của hai người được xây đắp bằng một tổ ấm với cậu con trai kháu khỉnh. Thế nhưng, “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang”, chẳng ai có thể ngờ rằng một gia đình viên mãn, đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần ấy lại tan vỡ chỉ sau hơn 2 năm chung sống. Thay vì bù đắp thiệt thòi về tình cảm cho con khi bố mẹ ly hôn, thì hai người lại phí hoài thời gian để miệt mài “phân bại thắng thua” giành quyền nuôi con về mình.
 
Chị Trang kể, năm 2010, vì muốn ly hôn với chồng, chị đành phải đồng ý cho anh Tuấn nuôi con vì gia đình chồng cam kết sẽ cho chị thực hiện quyền cấp dưỡng, thăm nuôi con. Thế nhưng, chị chỉ được thực hiện quyền của mình mấy năm đầu khi cháu còn nhỏ, sau đó, anh Tuấn liên tục ngăn cản chị thăm gặp, chăm sóc và nuôi dưỡng con.
 
Không ít lần, chị tới trường đón con vào chiều thứ 6 thì từ bảo vệ đến cô giáo của cháu đều không đồng ý, bởi trước đó bố và ông nội đã dặn dò không được cho mẹ đón. Thậm chí, anh Tuấn còn viết thư nói xấu vợ cũ với mọi người là chị bỏ không nuôi con. Anh Tuấn còn nhắn tin tuyên bố không cho chị được đụng chạm hay gặp gỡ con dù chỉ là một phút...
 
Thương và nhớ con quay quắt, chị phải đứng ở trước cổng trường đợi giờ ra chơi để ngắm con. Vì thế, có lần chị thấy có người phụ nữ lạ mặt đến đón con, lo sợ con bị bắt cóc, chị làm đơn lên công an quận. Công an vào cuộc, chị mới vỡ lẽ đó là giúp việc mới của gia đình anh Tuấn.
 
Để đòi quyền được thăm và đón con, chị Trang nhiều lần làm đơn gửi cơ quan ban ngành, đoàn thể nơi anh Tuấn cư trú nhờ giải quyết, nhưng “đâu lại vào đấy”. Theo chị, hơn 1 năm nay, chị chưa được gặp con. Bác bỏ lời khai của vợ cũ, anh Tuấn cho rằng: Anh chính là người chủ động đưa ra kế hoạch để tạo mọi điều kiện cho chị Trang thăm nom, thậm chí, cả hai còn có cam kết cho chị được đón con từ thứ 6 đến thứ 2 hàng tuần. Nhưng “bởi chị thường giữ con quá lâu, vi phạm thoả thuận về thời gian trả con khiến ảnh hưởng đến việc học hành của cháu. Chị Trang còn gây sự với ban phụ huynh, nhà trường khiến nhà trường phải gọi công an vào cuộc nên tôi quyết định không cho phép chị thăm nom nữa” – anh Tuấn nói.
 
Suốt 5 năm qua, không biết đã bao nhiêu lần anh chị đưa nhau ra tòa giải quyết vấn đề "hậu ly hôn" khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho tâm lý con trẻ trong cuộc phân đua của cha mẹ mình. Năm 2015, chị Trang làm đơn lên TAND quận Đống Đa để yêu cầu Tòa thay đổi quyền trực tiếp nuôi con. Sau khi xem xét các yếu tố có lợi cho cháu, Tòa tuyên cho chị Ngọc quyền được trực tiếp nuôi dưỡng con. Không đồng tình với bản án, anh Tuấn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội. Một lần nữa phiên tòa phúc thẩm được thành lập.
 
Tại tòa, ai cũng có lý lẽ của mình, nhưng vị chủ tọa phiên tòa lắc đầu: “Lẽ ra khi ly hôn, hai người cần dành tình yêu thương cho trẻ. Ai cũng có quyền nuôi dưỡng, thăm nom, chăm sóc con. Anh chị là bố mẹ, việc cấm người kia thăm nom con, là có nghĩ đến con không?”. Viện kiểm sát cũng đưa ra ý kiến của cháu bé: “Lâu rồi, con không được gặp mẹ. Con cũng không được mẹ đưa đi chơi và về thăm nhà ngoại”. Những lời của con trẻ gần 8 tuổi khiến cả phòng xử nín lặng, xót xa.
 
Tòa phúc thẩm quyết định, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa. Sự phân tranh “thắng – thua” trong cuộc chiến giành quyền nuôi con của bố mẹ sau ly hôn đã có hồi kết. Nhưng, liệu có ai nghĩ đến, tâm hồn đứa trẻ non nớt đang xáo trộn những gì, khi cháu đã và đang phải chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột, giằng co nhau vì quyền lợi của mình?

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.