Người tâm thần gây án: Vì không được “chữa bệnh tận gốc”

Chia sẻ

PNTĐ-Bị cáo Đỗ Quốc Phương (SN 1985, quê Hà Nam) mắc bệnh tâm thần phân liệt, giết chết nạn nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh...

 
 Sau 7 năm được đưa đi chữa bệnh, ngày 16/8, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử, tuyên phạt bị cáo 10 năm tù. Đây là mức án thích đáng cho hành vi của bị cáo, nhưng điều khiến cho người thân bị cáo day dứt, là họ đã không chữa trị dứt điểm bệnh tâm thần cho con em mình nên mới dẫn đến hậu quả đau lòng.
 
Phương từng thi đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ôm khát vọng trở thành kỹ sư ngành công nghệ thông tin, thế nhưng vừa học hết năm thứ nhất, Phương mắc bệnh trầm cảm, hò hét, nói lảm nhảm, hoang tưởng nghi ngờ bạn bè có ý xấu hãm hại mình. Nhà trường thông báo tình hình bệnh tật của Phương cho gia đình, đồng thời cho phép cậu bảo lưu kết quả học tập để đi chữa bệnh. Bố mẹ Phương đưa con đi khám và điều trị ở bệnh viện tâm thần Bạch Mai.
 
Được một thời gian, nghĩ con đã đỡ bệnh, họ xin cho Phương xuất viện về nhà uống thuốc tự điều trị. Về nhà, Phương không giao lưu, tiếp xúc với ai, chối từ các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên tại địa phương, cũng không thể đi học tiếp. Sợ con ở nhà bức bối, bệnh lại tái phát nặng hơn, bố mẹ cho Phương đi làm thuê ở Hà Nội. Trước khi đi, họ nhét đơn thuốc và thuốc vào balô kèm theo lời dặn: “Nhớ uống thuốc đều đặn, không được bỏ một liều nào”. Phương vâng dạ rồi bắt xe lên Hà Nội xin làm bảo vệ cho một quán bia.  
 
Cùng trông xe với Phương ở quán bia Hải Xồm là Hoàng Văn Luận (SN 1992, quê Yên Bái). Khoảng 23h ngày 22/4/2009, Phương cãi vã và xảy ra va chạm với Hoàng Văn Luận. Phương chạy vào khu bếp lấy dao chém Luận. Quá sợ hãi, Luận bỏ chạy lên tầng 2 nhưng Phương tiếp tục đuổi theo và chém nhiều nhát vào cổ, mặt, đầu khiến nạn nhân tử vong. Phương bị người dân xung quanh bắt giữ ngay tại chỗ.
 
Kết quả giám định pháp y tâm thần sau đó xác định, tại thời điểm gây án mạng, Đỗ Quốc Phương bị bệnh tâm thần phân liệt. Vì vậy, cơ quan tố tụng đã quyết định tạm đình chỉ vụ án, buộc hung thủ phải đi điều trị bệnh. Mới đây, bệnh tình của Phương đã ổn định, vụ án mới được đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, bị cáo Phương khai, lý do giết anh Luận vì lúc đó trong đầu có một thế lực siêu nhiên đang sai khiến mình phải giết anh này. Thậm chí khi nói lời sau cùng, Phương còn xin HĐXX cho mình “một viên thuốc” vì quá đau đầu.
 
Phía dưới, chị Đỗ Thị Hương – chị gái bị cáo khẩn thiết: “Em tôi mắc bệnh tâm thần, gia đình tôi có lỗi khi không điều trị dứt điểm cho em. Em ấy đi làm, lần nào gọi điện về cũng bảo uống thuốc đầy đủ, không gây sự với ai. Nào ngờ em phát bệnh và giáng tai họa xuống nạn nhân Luận như vậy”.
 
Chị sụt sùi kể, Phương gây án mạng, cả gia đình chị cũng suy sụp theo. Mẹ chị vì quá đau buồn mà sinh bệnh rồi qua đời. Năm 2012, bố chị cũng mất vì bạo bệnh. Em trai út của chị vướng vào ma túy. Chị mải lo lắng việc bên ngoại nên chồng chị khó chịu, trách móc rồi đòi ly hôn. Giờ một mình chị lo cho ba con nhỏ đang tuổi ăn học, vừa thăm Phương hàng tháng tại cơ sở điều trị tâm thần lại vừa chạy vạy lo tiền bồi thường cho bị hại.
 
Nhắc đến khoản bồi thường, ông Dương (bố bị hại) thở dài: “Gia đình bị cáo mới bồi thường được 5 triệu đồng, trong khi đó, tiền mai táng phí cho con trai tôi đã 35 triệu đồng. Nhưng tổn thất đó chỉ là con số nhỏ, bởi mất mát của gia đình tôi không thể bù đắp được bằng tiền”.
 
Ông buồn rầu: “Con trai tôi chết khi nó chưa tròn 18 tuổi và giấc mơ vào trường cấp 3 vẫn còn đeo đẳng”. Theo lời kể của ông, Luận rất hiếu học. Vừa hết cấp 2, Luận thi đỗ vào cấp 3 trường huyện. Thế nhưng, nhà nghèo không có tiền mua xe đạp cho con đi học, mà trường huyện cách nhà gần 20km, Luận xin phép bố mẹ cho nghỉ học 1 năm để vừa đi làm thuê kiếm tiền mua xe, vừa ôn thi lại vào năm sau. Luận vừa chuyển đến quán bia làm được 2 tháng thì ông nhận được thông báo là con mình bị Phương đâm chết”.
 
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phương mong HĐXX và gia đình bị hại thông cảm cho hoàn cảnh và sức khỏe của bị cáo để có những phán quyết hợp tình hợp lý. Sự việc này cũng là bài học cho những gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.