Sống chung không hẳn là "báo hiếu"

Chia sẻ

PNTĐ- “Trẻ cậy cha, già cậy con”, ở nhiều gia đình con cái sống chung để phụng dưỡng, báo hiếu. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, con cái muốn sống chung để "bám", làm khổ bố mẹ.

 
Sống chung không hẳn là
Bố mẹ vui khi con cái biết tự lập, có gia đình hạnh phúc
 
Gia đình anh trưởng của tôi chỉ có một người con trai duy nhất. Ông bà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nên tài sản khấm khá. Ngoài căn biệt thự họ đang sống, còn có bốn, năm căn nhà khác cho thuê. Đó là chưa kể thu nhập từ một xưởng sản xuất bánh kẹo truyền thống nổi tiếng. Nhà có mỗi một cậu con trai, vợ chồng anh trưởng cũng từng mong muốn sống chung với con cháu. Nhưng đến khi con kết hôn thì họ thay đổi ý định. Cháu tôi yêu và lấy một cô gái không được như mong muốn của ông bà, nên để tránh mâu thuẫn gia đình, ông bà đã mua nhà cho vợ chồng con trai sống riêng sau khi cưới. Tuy nhiên, cháu tôi luôn miệng xin được sống chung cùng bố mẹ.
 
Thậm chí nhiều lần, cháu còn đến gặp vợ chồng tôi nhờ đến khuyên bố mẹ để cho hai vợ chồng sống chung cùng ông bà. Cháu nói do cháu là con một nên muốn sống chung cùng bố mẹ cho vui cửa vui nhà, và tiện chăm sóc ông bà khi đau ốm. Thấy cháu có tâm “báo hiếu” bố mẹ nên tôi đã không ít lần “đả thông tư tưởng” cho ông bà. Ban đầu ông bà kiên quyết, nhưng sau nhiều người góp ý quá, lại thấy vợ chồng con quá cầu thị chuyện sống chung với bố mẹ nên đồng ý. Không ít người còn khen ông bà có cậu con trai có hiếu vì thời nay không ít con lập gia đình xong không muốn sống chung với bố mẹ, chỉ thích ra ngoài sống riêng cho thoải mái.  
 
Bẵng đi một thời gian, tôi đến chơi thấy anh chị phiền muộn. Hỏi nguyên nhân mới biết tất cả là do chuyện vợ chồng con trai sống chung làm cho cuộc sống của ông bà chẳng ngày nào được yên ổn.
 
Hóa ra, cô con dâu xuất thân trong gia đình không được giáo dục ăn học đàng hoàng nên sống không biết điều với bố mẹ chồng. Bản thân con trai đã quen sống dựa dẫm vào bố mẹ, nay lại thêm cô con dâu hỗn láo, ngang bướng, gọi là sống chung để “báo hiếu” cho bố mẹ nhưng thật ra là hành hạ họ. Lấy phải cô vợ không ra gì nên chỉ sau một thời gian chung sống, cháu tôi ly hôn. Tưởng thất bại một lần, con trai sẽ "tỉnh ngộ" mà tìm người đàng hoàng để lấy, ai ngờ cháu tôi lại tiếp tục sai lầm. Người vợ thứ hai cũng không có nghề nghiệp ổn định, chỉ thích ăn chơi, không thích làm. Cô ta còn nhìn ngó vào số tài sản của bố mẹ chồng, cho rằng đến đời cháu ăn cũng chưa hết thì không cần phải vất vả bon chen làm gì. Vì thế, hai vợ chồng làm ít, phá nhiều, bao nhiêu tiền của vợ chồng anh chị tôi cho cũng không thấy đủ. Đã vậy, hai vợ chồng còn vướng vào nghiện ngập.
 
Mang tiếng có vợ chồng con trai sống cùng để chăm sóc, phụng dưỡng tuổi già nhưng kỳ thực anh chị tôi vẫn phải tự lo cho nhau, thậm chí còn phải phục vụ lại con cái. Thời gian đầu còn khỏe, bà đi chợ nấu nướng cho cả nhà, vợ chồng con trai về chỉ việc ăn. Sau này do suy nghĩ buồn khổ chuyện con cái, bà thường xuyên ốm đau nên đành phải thuê người giúp việc đỡ đần. Những lúc ông bà ốm đau phải nằm việc, con trai và con dâu chỉ đảo qua chốc lát rồi giao phó lại toàn bộ công việc chăm sóc bố mẹ cho người giúp việc. Ai hỏi chúng đều bảo bận làm ăn, không có thời gian. Đã vậy, rất nhiều lần anh chị tôi còn phải cắn răng mang tiền đi trả nợ cho con. Xe máy, xe ô tô mua cho hết lần này đến lần khác nhưng đều bị hai vợ chồng con cầm cắm vì nghiện ngập.
 
Cuộc hôn nhân lần thứ hai của cháu tôi tồn tại được ba năm thì đổ vỡ. Sau hai lần thất bại, cháu tôi không còn nghĩ đến chuyện cưới hỏi mà thích ai thì chung sống với người đó, chán thì lại bỏ, tìm người khác. Anh chị tôi nhìn thấy cách sống mất phương hướng của đứa con trai duy nhất mà buồn bã, suy nghĩ héo mòn cả người.
 
Càng có tuổi, anh chị tôi càng buồn chuyện tương lai của con. Đã vậy, cháu tôi càng ngày sống càng bất cần. Vài lần anh chị tôi “đuổi” con trai ra ngoài sống riêng, chủ động mua nhà, chuyển quyền sở hữu, tách luôn hộ khẩu. Nhưng chỉ được một thời gian, cháu tôi lại bán nhà lấy tiền trả nợ, tiếp tục xin về sống chung với bố mẹ. Từ đó, anh chị tôi lại càng mất ăn mất ngủ. Không ít lần, anh chị bị con lên cơn nghiện ma túy chửi rủa, đánh đập. Nhiều lần, anh chị phải nhập viện trong tình trạng lên cơn đau tim vì không chịu nổi sự phá phách, hỗn láo của con trai. Mỗi lần nghe mọi người nói đến chuyện báo hiếu của con cháu, anh chị tôi đều bảo con người ta sống chung là để báo hiếu bố mẹ, còn con cái mình “bám” bố mẹ là để ỷ lại, dựa dẫm và gây khổ lụy cho bố mẹ.
 
Trần Ngọc Đước

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.