“Nuôi dưỡng” chữ hiếu từ khi con còn nhỏ
PNTĐ-Theo dõi cuộc thảo luận, tôi nhận thấy mọi người đang bàn đến chuyện con cái thực hiện chữ hiếu thế nào nhưng lại ít quan tâm đến việc nuôi dưỡng lòng hiếu thảo cho con cái...
![]() |
Ảnh minh họa |
Có những bậc cha mẹ khi về già than thở con cái “bất hiếu” ít quan tâm chăm sóc bố mẹ, nhìn con cái người ta có hiếu mà chạnh lòng. Khi tôi đem nỗi niềm ấy tâm sự với một số người con “vô tâm” với bố mẹ, thì nhận được câu trả lời: “Từ nhỏ đến lớn, cháu thấy bố mẹ cũng thế mà. Việc chăm sóc ông bà khi về già đau ốm đều nhờ giúp việc vì bố mẹ cháu không có thời gian. Giờ cháu cũng vậy, chuyện bình thường mà bác”. Hóa ra, không phải là con cái “bất hiếu” mà vì chúng không được bố mẹ nuôi dưỡng cho lòng hiếu thảo từ nhỏ, nên không xem trọng việc đó dẫn đến tình trạng “vô ý” bất hiếu.
Thật may mắn là trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người để ý đến việc nuôi dưỡng lòng hiếu thảo cho con từ chính những việc làm gương mẫu của mình hàng ngày. Tôi có một anh bạn đồng niên, hai vợ chồng đang sống chung với bố già ngoài 80 tuổi cùng với 2 đứa con nhỏ. Bố của anh bị bệnh tai biến hơn chục năm nay, mọi sinh hoạt phải phụ thuộc vào người khác. Hai vợ chồng bận rộn nên việc chăm sóc ông cụ phải thuê giúp việc. Dù vậy, hai vợ chồng luôn chủ động chuẩn bị thực đơn ăn uống của bố hàng ngày, nếu có thời gian chị sẽ nấu sẵn để cô giúp việc cho ông ăn bữa sáng và bữa trưa, còn bữa tối anh chị sẽ thay nhau cho bố ăn. Riêng ngày nghỉ, mọi việc tắm rửa, chăm sóc cho ông cụ đều do anh chị đảm nhận, không phiền đến giúp việc.
Hơn chục năm nay, vợ chồng anh vẫn thực hiện nghiêm túc việc đó, bận mấy cũng cố gắng sắp xếp để làm. Mỗi bữa tối cho bố ăn, anh chị đều hỏi ông ngày mai thích ăn gì để nấu. Khi hai đứa con đến tuổi có thể giúp đỡ bố mẹ, anh chị cho con tham gia vào việc giúp ông ăn vào mỗi bữa tối, ngày nghỉ tắm rửa cho ông thì “sai con” lấy giúp quần áo, khăn, tất... Hai đứa trẻ theo đó cũng dần dần thuộc làu “các công đoạn” chăm sóc ông nội của bố mẹ. Chỉ cần nghe bố bảo chuẩn bị tắm cho ông thì cậu con trai liền đi bật bình nước nóng, con gái mở tủ lấy quần áo mang vào phòng tắm để sẵn. Anh bảo, hai đứa nhỏ làm việc đó rất trách nhiệm, cẩn thận. Nhìn vợ chồng anh “nuôi dưỡng” lòng hiếu thảo cho con bằng chính những hành động gương mẫu đầy trách nhiệm và tình yêu thương đối với ông cụ hàng ngày, tôi tin rằng hai đứa con của anh chắc chắn sẽ trở thành những đứa con hiếu thảo, mẫu mực.
Một lần đi công viên nước Hồ Tây, tôi chứng kiến một cặp vợ chồng trẻ đưa con và mẹ già tới đây vui chơi. Điều đặc biệt ở chỗ, bà mẹ sức khỏe yếu phải ngồi trên xe lăn, không còn minh mẫn. Trong khi chờ đợi chồng đi mua vé, cô vợ kể với tôi rằng cô về làm dâu gần 5 năm và rất cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của chồng đối với mẹ của mình. Gia đình cô sống ở một căn hộ tầng 5 của một khu chung cư cũ. Mẹ anh ốm đau, di chuyển phải phụ thuộc vào xe lăn. Hai vợ chồng cô cũng phải thuê giúp việc để chăm sóc bà hàng ngày vì bận đi làm. Nhưng chiều nào đi làm về, anh đều cõng mẹ xuống dưới sân tập thể để bà thay đổi không khí, chuyện trò với mọi người cho vui. Đến bữa tối, anh lại cõng mẹ lên nhà, ăn uống xong thì bóp chân, bóp tay cho bà đỡ mỏi. Công việc cõng mẹ lên xuống 5 tầng nhà tập thể duy trì rất đều đặn trừ những hôm mưa gió, rét mướt.
Hôm nào gia đình ra ngoài chơi, anh dẫn mẹ theo cùng, chẳng nề hà những phiền toái, bất tiện. Có những lúc, cả nhà đang dùng bữa trong nhà hàng, bà trở tính ném bát đĩa xuống sàn, gây ầm ĩ nhưng anh vẫn nhẹ nhàng dỗ dành mẹ rất tình cảm. Chưa bao giờ cô thấy chồng cáu giận, to tiếng với mẹ dù lắm lúc bà chửi bới con cháu vô lý. Có lần cô hỏi chồng vì sao anh có thể kiên nhẫn, chịu khó với mẹ như thế, anh bảo từ nhỏ đến lớn chứng kiến cảnh bố mẹ chăm sóc ông bà nội nên quen và nghĩ đó cũng là việc báo hiếu mình phải làm với bố mẹ.
Tôi nghĩ, nếu những người con đều được soi tấm gương hiếu thảo của bố mẹ hàng ngày thì chữ hiếu trong gia đình sẽ mãi tỏa sáng.
Trần Mạnh Hảo