Chỉ vì cha mẹ bỏ bê…

Chia sẻ

PNTĐ-Bị bỏ đói do bố phạt không cho ăn cơm, T lẻn vào tiệm tạp hóa của nhà ông Phương để ăn trộm. Không may, Tú bị phát hiện và bị ông này chém dẫn đến liệt nửa người.

 
Bị bỏ đói do bố phạt không cho ăn cơm, T (15 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm) lang thang ngoài đường giữa đêm khuya khoắt, rồi lẻn vào tiệm tạp hóa của nhà ông Lê Minh Phương (51 tuổi, hàng xóm) để ăn trộm. Không may, Tú bị ông Phương phát hiện và bị ông này chém dẫn đến liệt nửa người.
 
Chỉ vì cha mẹ bỏ bê… - ảnh 1
Bị cáo Phương bị đưa ra xét xử tại Tòa

 
T là con trai cả trong gia đình có hai anh em. Bố mẹ T đều làm ruộng, lúc nông nhàn lại đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Hoàn cảnh khó khăn nhưng bố T không tu chí làm ăn, còn nghiện rượu. Làm được bao nhiêu tiền, bố T đều “nướng” hết vào các chầu rượu. T thường thấy bố la cà ở các quán rượu đến khi say khướt mới về. Về đến nhà, ông lè nhè mắng vợ chửi con. Nếu mẹ T đôi co lại,  thì bố T sẽ vung tay đánh vợ. Không ít lần, T chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Mẹ T cam chịu người chồng nghiện rượu thường bạo hành vợ con, lầm lũi làm ăn, chính vì thế, bà không có thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Anh em T lớn lên không có sự giám sát, quản lý từ gia đình. 
 
Chứng kiến cảnh gia đình không hạnh phúc, T đâm ra chán nản, không thích về nhà. Cậu thường bỏ học, rồi la cà vui chơi. Điều đó khiến T bị bố mắng chửi nhiều hơn, thậm chí phạt bằng cách bỏ đói. Ngày 23/11/2017, T về muộn nên bị bố phạt không cho ăn cơm tối. T nằm chơi rồi ngủ quên, đến nửa đêm bụng đói cồn cào nên đi xuống bếp lục cơm nguội ăn. Đồ ăn đã hết, T lang thang ra đường. Biết cửa hàng ông Phương có nhiều đồ ăn, T trèo qua cửa sắt để lẻn vào ăn trộm. T lấy bánh mì, tiện thể “vớ” luôn 20 nghìn đồng tiền lẻ thì gây ra tiếng động khiến chủ nhà phát hiện.
 
Do trước đó không lâu, làng có vụ án kẻ gian vào nhà giết chủ nhà và trong nhà ông Phương lúc này có 6 người (gồm vợ chồng ông, con dâu và ba cháu nhỏ) nên khi đối mặt “bóng đen”, ông “hoảng loạn, run lên không biết gì, vớ được cái gì là giơ lên đánh”. Không ngờ, đó là thanh kiếm cũ dài gần 1m do bố ông để lại. T bị chém hai nhát vào đầu và cánh tay, bị tổn hại hơn 90% sức khỏe, liệt nửa người trong một khoảng thời gian.
 
Đến khi con bị thương tích do ăn trộm bánh mì để ăn, bố mẹ của T mới tỉnh ngộ. Chị trách ông Phương ra tay quá mạnh, nhưng cũng tự trách bản thân quá thờ ơ, vô tâm với con. Vì vậy, mới đây, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Minh Phương về tội Giết người (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015), bố mẹ T nhận lỗi, đồng thời xin “gia đình bị cáo hỗ trợ thêm tiền bồi thường chăm sóc cháu vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn”. Nghe thế, vị chủ tọa nói:
 
“Anh chị là bố mẹ cháu mà lại để con đói quá phải đi ăn trộm bánh mì, gây ra bi kịch là người mất của phải vào tù, còn con mình thương tật cả đời. Cháu không chết là may mắn của cháu và cái phúc của gia đình anh chị”. Tòa cũng khuyên bố T bỏ rượu để cùng vợ chăm sóc, nuôi dạy các con. 
 
Vị chủ tọa cũng hỏi vì sao T lại có hai lời khai ở cơ quan điều tra, khi thì nói chỉ có một người là ông Phương đánh, khi lại nói có một người khác nữa dùng điện dí vào người T thì cậu bảo: “Lúc đó trời tối, cháu hoa mắt, nên nhìn nhầm”. Tòa gọi T lại gần để xem các vết thương, cậu dựa vào người bố đứng dậy, khập khiễng bước lên. Vết chém trên đầu đã liền da lại, nhưng tay chân cử động yếu, không thể làm việc nặng. “Trở trời hay khi học bài phải suy nghĩ nhiều, cháu lại bị đau đầu. Nhưng giờ bố cháu ít uống rượu và ít mắng chửi mẹ con cháu hơn nên cháu cũng vui hơn” - T nói. Nghe con trai nói thế, bố T cúi mặt, tỏ ra hối lỗi.  
 
Ông Phương bị tuyên phạt 9 năm tù, bồi thường cho bị hại gần 300 triệu đồng. Phiên xử kết thúc nhưng để lại một nỗi buồn cho nhiều người theo dõi phiên tòa. Đáng trách hơn cả là bố T, chỉ vì trừng phạt bằng cách cho con nhịn đói, khiến con phải đi ăn trộm. Cái giá của hành động ấy không chỉ khiến T phải chịu thương tật suốt đời (dù đã đi lại được, nhưng sức khỏe yếu, thường xuyên bị đau đầu, chân tay cử động khó khăn), mà còn gây liên lụy cho một gia đình khác. Giá như bố T sống gương mẫu, biết từ bỏ thói hư tật xấu của mình, có trách nhiệm với gia đình; giá như bố mẹ T quan tâm đến con hơn, quản lý con chặt hơn và có cách giáo dục con phù hợp thì đâu dẫn đến bi kịch như hôm nay. 
 
Quỳnh An 

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.