Tham gia thảo luận “tài sản riêng trong hôn nhân”

Chia sẻ
 
Đừng coi của cải hơn hạnh phúc gia đình
 
Tôi vẫn cho rằng, người chồng chân chính sẽ không tính toán chuyện tài sản riêng của vợ. Nếu xét kỹ, chồng chị H thực sự rất may mắn vì lấy vợ xong là có ngay nhà để ở. Trong vai trò trụ cột, chuyện anh phải có trách nhiệm đưa tiền cho vợ quản lý, chi tiêu là đương nhiên. Anh quan niệm “của chồng công vợ” là chuẩn, nhưng không vì thế mà cào bằng quyền lợi khi cha mẹ trao tặng căn nhà cho riêng chị H. Giá như thay vì dọa dẫm gây sự, anh hãy khiêm tốn mở lời cảm ơn cha mẹ vợ thì tốt biết chừng nào! Tiếc là trước vấn đề tế nhị này, anh đã không nghĩ được rằng nhà của vợ đương nhiên là nhà của gia đình mình, chỉ mình vợ đứng tên thì đã sao!
 
Việc anh dọa dẫm và kiên quyết đòi cùng được đứng tên sổ đỏ căn nhà cha mẹ vợ  cho con gái đã lộ rõ sự tham lam, coi của cải vật chất còn hơn cả tình yêu vợ chồng. Nó cũng chứng tỏ anh chưa tìm hiểu gì về luật pháp, hoặc cố tình làm ngơ trước những qui định trong Luật Hôn nhân gia đình về việc xác lập tài sản riêng trong hôn nhân. Trong vấn đề này, cha mẹ chị H kiên quyết từ chối yêu cầu của con rể là các cụ rất sáng suốt. Tôi nghĩ chị H đừng làm điều gì để cha mẹ mình thất vọng khi các cụ đang cố gắng bảo vệ quyền lợi cho chị. Các con còn nhỏ mà chồng chị vẫn bất chấp, tính chuyện ly hôn nếu không thỏa mãn yêu cầu cùng đứng tên sở hữa tài sản.
 
Điều đó chứng tỏ, hạnh phúc gia đình, tình yêu đối với vợ con đều được chồng chị H đặt sau lợi ích cá nhân của mình. Một người đàn ông như vậy thì chị H cần phải nghe lời bố mẹ, xác lập tài sản riêng để bảo vệ quyền lợi cho mình và các con khi hôn nhân có sự cố. Tình yêu chân chính không đi liền với sự thực dụng.
 
Dương Ngọc Vân 
(Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)
 
Sao “của vợ” lại không có… “công” chồng?
 
Tôi kịch liệt phản đối chuyện vợ được bố mẹ cho tặng tài sản thì xác lập thành  “của riêng” thay vì nhập thành “của chung” trong hôn nhân. Đây là một sự bất công đối với nam giới khi lập gia đình. Bởi phụ nữ khi kết hôn về nhà chồng thì những gì chồng có đều biến thành “của chồng công vợ”.
 
Khi kết hôn, gánh nặng đối với người đàn ông là phải xây nhà, đảm bảo kinh tế gia đình. Vì vậy, đa số đàn ông kết hôn được bố mẹ cho đất, cho nhà nhưng ít người xác định đó là tài sản riêng của mình mà coi đó là “của chung” trong gia đình. Thậm chí, khi chuyển quyền sở hữu, họ còn để cho vợ cùng đứng tên để đảm bảo sự bình đẳng?
 
Trường hợp đàn ông kết hôn rồi nhanh chóng ly hôn bởi lấy phải người vợ không ra gì bị thiệt thòi quyền lợi không hiếm. Bởi khi ra tòa, tài sản, đất đai, nhà cửa chủ yếu do chồng tạo dựng lên nhưng vẫn được xác định là của chung và chia đôi cho vợ theo quy định của luật pháp. Nếu tất cả đàn ông đều xác lập tài sản riêng trong hôn nhân, bảo vệ quyền lợi riêng của mình ngay từ đầu thì khi hôn nhân có sự cố, tôi tin rằng phụ nữ thiệt thòi rất nhiều. Phụ nữ tay trắng bước về nhà chồng và được hưởng quyền tài sản chung của chồng thì được.
 
Vậy tại sao khi đàn ông tay trắng về sống trong nhà vợ thì người vợ có tài sản lại xác định rõ ràng đó là “của riêng”? Trong trường hợp này sao “của vợ” không được xem là “công” chồng? 
 
Cha mẹ vợ bảo vệ quyền của con gái là đúng nhưng họ cũng cần phải hiểu rằng tài sản quan trọng nhưng vẫn đứng sau giá trị hạnh phúc của hôn nhân. Nếu người vợ chỉ chú trọng quyền lợi riêng của mình mà hạnh phúc đổ vỡ thì có xứng đáng không? Vì thế, tôi vẫn cho rằng đã là vợ chồng thì tất cả đều về chung một giỏ.
 
Nguyễn Đình Lân 
(Thanh Xuân, Hà Nội)
 
Xác lập tài sản riêng cho con gái do không tin con rể
 
Tôi lấy làm ngạc nhiên là đa số bố mẹ cho con gái tài sản trước và sau khi kết hôn đều có mong muốn xác lập tài sản riêng. Họ nhất quyết đặt con rể đứng ngoài quyền lợi của tài sản đó. Điều đó chứng tỏ, họ không có niềm tin tưởng vào con rể. Sự lo xa con gái sẽ thiệt thòi quyền lợi đã khiến cho các bậc bố mẹ bỏ qua cảm nhận của con rể trong chuyện xác lập tài sản riêng. 
 
Nhà vợ tôi không có con trai nên yêu cầu tôi ở rể sau khi cưới. Trong quá trình chung sống, tôi đã cố gắng hết sức để trở thành rể hiền của nhà vợ. Nhưng điều làm tôi cảm thấy chạnh lòng là bố mẹ vợ luôn đề phòng con rể trong chuyện thừa hưởng tài sản. Ông bà tuyên bố, nhà cửa, đất đai cho con gái sau này đều phải xác lập là tài sản riêng, con rể không có quyền sở hữu thứ gì.
 
Nếu sống tốt theo ý họ, tôi vẫn được sử dụng tài sản nhà vợ, nhưng ngược lại, tôi phải ra khỏi nhà vợ tay trắng. Để đề phòng sau này tôi “trở mặt”, ông bà còn không cho tôi nhập khẩu vào nhà vợ. Họ sợ cho tôi nhập khẩu sau này sẽ liên đới tới quyền chia tài sản, hoặc nếu muốn bán nhà, đất phải có sự đồng ý của tôi- một thành viên có tên trong hộ khẩu theo quy định.
 
Do đó, bao nhiêu năm kết hôn, tôi vẫn không có tên trong hộ khẩu gia đình cùng vợ con, mà vẫn phải chung hộ khẩu với bố mẹ ở quê. Sự không tin tưởng lẫn đề phòng đối với con rể thái quá ấy khiến tôi chạnh lòng, tình cảm đối với nhà vợ thiếu sự gắn kết. Cứ thế, tôi luôn mang cảm giác ăn nhờ ở đậu, tay trắng sống trong nhà vợ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho cuộc hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ sau này. 
 
 
Lê Đình Dũng 
(Hoàng Mai, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.