Lỗ hổng pháp luật “làm khó” nạn nhân

Chia sẻ

PNTĐ-Những lỗ hổng của pháp luật đang khiến cho công tác xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay kém hiệu quả.

 
Những bất cập trong quy định giám định trẻ bị xâm hại, mô hình điều tra thân thiện đang thiếu và yếu, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe… là những lỗ hổng của pháp luật khiến cho công tác xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện nay kém hiệu quả.
 
Lỗ hổng pháp luật “làm khó” nạn nhân - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục trong thời gian qua đã ở mức báo động. Tuy nhiên, điều đáng nói là một số cha mẹ thay vì công khai việc con bị xâm hại để đòi lại công lý lại chọn cách im lặng, hoặc âm thầm thỏa hiệp với thủ phạm. 
 
Câu hỏi đặt ra là, tại sao bố mẹ lại chọn cách im lặng, không muốn tố cáo sự việc ra pháp luật? Tại sao pháp luật là tấm khiên bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích cho trẻ lại bị chính người thân của trẻ né tránh thay vì tìm đến đầu tiên? Hiện nay, chúng ta có tới 17 cơ quan phụ trách các vấn đề liên quan đến trẻ em, nhưng tạo sao khi trẻ bị xâm hại, các gia đình vẫn cảm thấy đơn độc trên con đường tìm công lý cho con? 
 
Tại phiên họp của Ủy ban tư pháp (UBTP) trong tháng 4 vừa qua, nhóm nghiên cứu của UBTP cũng đã chỉ rõ những khó khăn, bất cập trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung qua một số vụ việc xảy ra trong thời gan gần đây. Hạn chế, bất cập đầu tiên được chỉ ra chính là việc thiếu các văn bản hướng dẫn một số quy định trong luật để đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất và chính xác. Có khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến áp dụng xử lý còn khiên cưỡng, thiếu sự chính xác và mức xử phạt chưa nghiêm minh. 
 
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật của chúng ta vẫn còn chậm. Theo bà Nguyễn Thị Thủy (Thường trực UBTP) giữa tháng 4/ 2017, UBTP đã có kiến nghị Tòa án NDTC ban hành hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, nhưng đến nay, Tòa án NDTC vẫn chưa ban hành được văn bản này.   
 
Quy định về việc giám định trẻ bị xâm hại hiện nay còn làm khó nạn nhân khiến cho người thân nạn nhân trở nên bất hợp tác với cơ quan điều tra, từ chối đưa sự việc ra pháp luật. Theo quy định, khi trẻ bị xâm hại thì việc đầu tiên mà gia đình nạn nhân phải làm là tố cáo lên cơ quan công an, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Kết quả giám định mức độ tổn thương của nạn nhân là căn cứ để cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quy trình giám định trẻ xâm hại hiện nay đang có bất cập. Sau khi gia đình nạn nhân trình báo, 7 ngày sau, cơ quan công an mới có quyết định trưng cầu giám định hay không. Đây là khoảng thời gian mà nạn nhân lẫn gia đình phải chịu đựng sự tổn thương về nhiều mặt. Kết quả giám định đa số cho thấy tổn thương về mặt thể chất, ít xác định tới các di chứng sang chấn về tinh thần mà nạn nhân phải chịu. 
 
Một người mẹ có con gái 5 tuổi bị xâm hại tình dục ở TP HCM đã kể lại rằng sau khi tố cáo sự việc ra cơ quan chức năng, chị đưa con đi giám định nhưng gặp rất nhiều khó khăn bởi cơ quan này chỉ sang cơ quan kia với đủ thứ thủ tục. Từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm, con gái chị vẫn chưa được giám định vì sự lòng vòng từ Công an phường đến bệnh viện, tới trung tâm pháp y, về lại Công an quận, Công an phường… Không ít gia đình nạn nhân trong tình cảnh giống chị đã phải bỏ cuộc trong hành trình đi tìm công lý cho con. Thêm vào đó, sự vô cảm, thiếu sự cảm thông từ các nhân viên thực hiện nhiệm vụ cũng là nguyên nhân khiến gia đình nạn nhân bức xúc, dẫn đến không còn muốn hợp tác để đưa vụ việc ra ánh sáng.
 
Về vấn đề này, tại phiên họp của UBTP, ông Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Bộ Y tế) kiến nghị xây dựng quy trình giám định đặc biệt liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Luật hiện quy định khi giám định phải theo yêu cầu của CQĐT. Tuy nhiên chúng ta nên sửa đổi theo hướng khi gia đình bị hại yêu cầu giám định thì các cơ quan giám định pháp y của ngành y tế vào cuộc sớm để bảo vệ quyền lợi của người bị hại khi bị xâm hại tình dục.
 
Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt hành chính cũng đang thể hiện sự bất cập. Ví dụ, tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định: Người nào “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị xử phạt 100.000-300.000 đồng”. Trong khi đó, quá trình xử lý của các cơ quan chức năng lại cho rằng việc sờ mó, sàm sỡ, hôn hít trái ý muốn người khác là hành động chứ không phải là “cử chỉ, lời nói thô bạo”. Do đó, thủ phạm có thể không bị xử lý, hoặc nếu có bị xử lý thì mức xử phạt quá thấp này cũng không đủ sức răn đe. 
 
Cần đối xử nhạy cảm và quan tâm chăm sóc đến nạn nhân, nhân chứng trẻ em, cân nhắc nhu cầu, độ tuổi, giới tính, mức độ trưởng thành của các em, tôn trọng sự toàn vẹn thể chất, tinh thần và đạo đức của các em… là một trong những tiêu chí của hoạt động điều tra thân thiện đối với người chưa thành niên. Đây là điều mà hệ thống thực hiện tư pháp của chúng ta hiện nay vẫn còn yếu, vô tình gây khó cho nạn nhân và gia đình nạn nhân trong quá trình hợp tác đưa vụ án ra xét xử.  
 
Do vậy, một trong những biện pháp cần thiết phải làm là: rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, quy định, quy trình điều tra, xét xử để việc xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có hiệu quả, mang lại niềm tin công lý cho nạn nhân. Có như vậy, công tác xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em mới hiệu quả.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.