Tìm lại yêu thương sau đổ vỡ

Chia sẻ

PNTĐ-Làm thế nào để tìm lại nhau sau đổ vỡ khi vẫn còn yêu thương nhau, gắn kết giữ gìn hạnh phúc khi "gương vỡ lại lành" ra sao...

 
Làm thế nào để tìm lại nhau sau đổ vỡ khi vẫn còn yêu thương nhau, gắn kết giữ gìn hạnh phúc khi "gương vỡ lại lành" ra sao, để tránh đi vào vết xe đổ trước đó vợ chồng cần những gì... là những vấn đề của những cặp đôi "gương vỡ lại lành" phải đối diện...
 
Tìm lại yêu thương sau đổ vỡ - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
"Nếu không bỏ qua sĩ diện, chúng tôi sẽ không có cơ hội đoàn tụ"
 
Nhớ lại lần đổ vỡ hôn nhân cách đây hơn bốn năm, chị Hoài Thu (30 tuổi) kể nếu lần đó cả hai không quyết tâm bỏ qua sĩ diện bản thân thì hai vợ chồng không có cơ hội đoàn tụ, và có cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay.
 
"Chồng tôi là giảng viên đại học, còn tôi dạy cấp 3. Do tính chất nghề nghiệp nên chúng tôi rất coi trọng thể diện, danh dự. Bởi cả hai đều quan niệm, nghề giáo luôn gắn liền với hình mẫu chuẩn mực, nếu hình ảnh của mình sai lệch thì khó nhận được sự tôn trọng của học sinh khi mình đứng trên bục giảng.
 
Vì vậy, dù vợ chồng mâu thuẫn điều gì, chúng tôi đều cố gắng che giấu không để lộ ra bên ngoài. Có lẽ chính vì sự che giấu ấy khiến chúng tôi không thể có được sự tranh luận cởi mở, hoặc tìm đến người thân để nhờ họ phân giải khi gặp vấn đề khó giải quyết. Sự im lặng khi hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung đẩy chúng tôi vào cảnh chiến tranh lạnh, hoặc đóng kịch trước mặt mọi người.
 
Nghĩa là, nếu vợ chồng đang bất đồng về vấn đề gì đó chúng tôi vẫn không để lộ ra sự bất hòa mà vẫn tỏ vẻ hạnh phúc. Cứ thế, sự im lặng giống như những nút thắt không thể cởi bỏ mà cứ thắt chặt hơn. Tình cảm hai vợ chồng đóng băng dần..."- chị Hoài Thu tâm sự. 
 
Đến khi đứa con thứ hai tròn 3 tuổi, anh chị ly hôn vì không thể chịu đựng được cuộc hôn nhân tù túng đó nữa. Sau ly hôn, cuộc sống mới khiến họ bắt đầu nhìn nhận lại tình cảm của mình và cuộc hôn nhân đã đổ vỡ. Cả hai đều nhận ra họ vẫn còn yêu thương nhau rất nhiều nhưng vì sĩ diện bản thân, họ đã không tìm cách tháo gỡ những vấn đề khúc mắc khi chung sống cùng nhau.
 
Anh chị không dám cãi vã nhau để tìm ra mấu chốt của vấn đề, không dám kể thói hư tật xấu của chồng, vợ ra cho ai nghe để họ góp ý cho bạn đời của mình sửa đổi. Họ chỉ chăm chăm giữ gìn hình ảnh chồng lý tưởng, vợ hoàn hảo. Ai cũng nghĩ nếu công khai những yếu điểm của bạn đời là đồng nghĩa với việc mình thất bại trong hôn nhân. Khi sống xa nhau, cả hai đều nhớ quay quắt những thói quen và tình cảm dành cho nhau. 
 
"Có lần, nửa đêm tôi nhận được tin nhắn của anh ấy bảo ngày mai trời mưa, tôi nhớ mang áo mưa khi đi làm. Thời tiết đang giao mùa, tôi bị bệnh hen suyễn phải luôn nhớ để ống hít theo... Lại có lần, anh gọi điện cho con bảo nhắc mẹ nhớ lịch khám định kỳ, vì lâu nay tôi đang chữa một căn bệnh mạn tính cứ sáu tháng phải đi làm xét nghiệm tổng thể lại một lần. Đó là những việc anh làm thường xuyên với tôi trước đây. Bản thân tôi cũng lo cho anh khi thiếu đi bàn tay chăm sóc của mình. Vì vậy, thỉnh thoảng tôi lại cho con tới thăm anh.
 
Lúc con về tôi hỏi con tỉ mỉ về cuộc sống của anh bên đó. Sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy cả hai lo lắng cho nhau nhiều hơn khi ly hôn. Rõ ràng, chúng tôi vẫn đang nặng lòng với nhau lắm. Nhưng làm thế nào để trở về bên nhau là cả một vấn đề. Chúng tôi sợ mọi người đánh giá không hay về việc đó.
 
Cuối cùng, tôi là người đầu tiên gạt đi sĩ diện của bản thân, tìm gặp anh nói chuyện đoàn tụ trở lại. Anh ngỡ ngàng nhưng rồi nhanh chóng đồng ý. Sau khi "gương vỡ lại lành", chúng tôi thay đổi quan niệm sống. Tôi và anh không còn giữ vẻ hoàn hảo như trước đây, mỗi lúc không hài lòng về nhau thì sẵn sàng cãi vã nhau để tìm ra cách giải quyết. Nếu không thể, chúng tôi đem chuyện về nhờ bố mẹ hai bên phân giải. Chuyện vợ chồng tôi bất hòa được mọi người biết đến thay vì được giấu kín như trước đây, nhưng điều đó không làm cho chúng tôi xấu hổ mà xem đó là chuyện bình thường"- chị Hoài Thu kể.  
 
Có không ít cặp vợ chồng nhất thời nóng vội ly hôn, vẫn còn tình cảm với nhau nhưng vì sự sĩ diện nên đã không cho mình và đối phương cơ hội được đoàn tụ lại. Để rồi đánh mất hạnh phúc thật sự của bản thân và thiệt thòi cho con cái. 
 
Tránh làm tổn thương nhau vì sai lầm trong quá khứ
 
Mỗi một cuộc hôn nhân đổ vỡ đều xuất phát từ những sai lầm trong cuộc sống của vợ hoặc chồng, hoặc cả hai. Vì thế, khi hai người hàn gắn lại hôn nhân thì nhất định phải tránh được những sai lầm đã mắc phải trước đó. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc vợ chồng tìm lại yêu thương sau đổ vỡ không đơn giản. Vì nó đòi hỏi người vợ lẫn người chồng phải biết bao dung tha thứ cho lỗi lầm của bạn đời trong quá khứ - nguyên nhân khiến hôn nhân đổ vỡ trước đó. Nếu nguyên nhân xuất phát từ cách sống, ứng xử của cả hai vợ chồng thì hai người đều phải cùng nhau sửa đổi. 
 
Trong thực tế, không phải vợ chồng nào hàn gắn hôn nhân sau đổ vỡ cũng đều xuất phát từ "chân lý không thể sống thiếu nhau" nên mới "gương vỡ lại lành". Có cặp vợ chồng sau ly hôn sống tự do một thời gian mới nhận ra chuyện tái hôn còn phức tạp hơn, có nguy cơ không được như hôn nhân cũ bởi mối quan hệ con chung, con riêng. Có những người chồng, người vợ sau khi thất bại hôn nhân không còn tự tin để nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Có người không tìm được hạnh phúc mới, sống một mình quá khó khăn vất vả...
 
Có người nhận ra mình phải sống cho con cái nhiều hơn, không nên để con cái sống cảnh gia đình đổ vỡ. Tất cả nhận ra cuộc hôn nhân cũ dẫu có chút bất hạnh nhưng vẫn còn hơn những sự khó khăn sau khi ly hôn. Vậy là họ tìm cách hàn gắn, quay về đoàn tụ. Với những lý do này, cuộc sống "gương vỡ lại lành" vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất bại một lần nữa nếu như hai người không cố gắng thay đổi bản thân, tránh đi vào vết xe đổ trước đó. 
 
Dù quay lại với nhau gần hai năm nay nhưng cuộc hôn nhân của chị Yến và anh Quang vẫn không hạnh phúc hơn trước là mấy. Thậm chí, nó còn nhân đôi thêm nỗi tổn thương cho mỗi người. Chị Yến kể, trước đây vợ chồng mâu thuẫn, chồng chị mắng chửi vợ chỉ xoáy vào sự việc liên quan đang diễn ra giữa hai người.
 
Nhưng, sau khi ly hôn rồi quay về đoàn tụ lại, mỗi lần anh mắng chửi vợ lại đay nghiến thêm rằng chị chẳng tốt đẹp gì nên ly hôn rồi cũng chẳng có người đàn ông nào thèm rước, chỉ có anh mới nhẫn nhịn chấp nhận chung sống. Vì thế, chị nên biết điều hơn. Rõ ràng, việc ly hôn là lỗi của cả hai nhưng sau khi ly hôn thì chị lại bị gán thêm những điều xấu xa hơn, khi chẳng có người đàn ông nào tốt hơn anh ngó ngàng đến. Phần chồng chị thì lại tự "nâng giá" bản thân lên để hạ nhục vợ. Vô tình, sự tổn thương anh mang lại cho vợ nhân lên gấp hai lần. 
 
Có người chồng kể rằng, trước đây hôn nhân của vợ chồng anh chị đổ vỡ lỗi do anh ngoại tình. Ly hôn một thời gian, vì con cái, vợ chồng anh quay lại đoàn tụ. Cứ ngỡ, họ sẽ cố gắng thay đổi để hôn nhân "gương vỡ lại lành" hạnh phúc. Ai ngờ, vợ anh vẫn thường lôi sai lầm của anh trong quá khứ ra đay nghiến. Việc anh chủ động ly hôn trước đây cũng được chị đưa ra để mỉa mai, coi thường vai trò của anh trong gia đình. Chị hạ thấp anh trong mắt các con, xem việc chị quay lại đoàn tụ với anh như một sự ban ơn thay vì là yêu thương chồng thật sự. 
 
Hôn nhân “gương vỡ lại lành"
 
Rất nhiều người quan niệm ly hôn rồi quay về đoàn tụ lại thì hôn nhân vẫn là bình cũ rượu cũ. Bởi họ vẫn là những người chồng, người vợ như trước đây, môi trường sống không thay đổi, các mối quan hệ họ hàng, người thân vẫn như cũ. Công việc kiếm tiền, chăm sóc con cái của mỗi người vẫn không thay đổi. Cuộc sống vẫn tuần tự giống như trước đây.
 
Nhưng thực tế cho thấy, nếu cặp đôi nào ly hôn rồi quay về cuộc sống kiểu "bình cũ rượu cũ" thì khó có được hạnh phúc như mong muốn. Nghĩa là, cuộc sống hôn nhân vẫn nảy sinh mâu thuẫn như trước, họ tiếp tục cãi vã, chịu đựng nhau. Người nào ngại đổ vỡ lần hai thì cố gắng cam chịu sống trong bất hạnh. Người nào không có sức chịu đựng lại thoát ra một lần nữa. Chuyện vợ chồng ly hôn, sau đó quay về với nhau rồi lại ly hôn diễn ra không hiếm. 
 
Chuyên gia tâm lý cho rằng, để hôn nhân "gương vỡ lại lành" hạnh phúc trở lại thì vợ chồng nhất định phải sống theo kiểu "bình cũ rượu mới". Nhìn bề ngoài, cuộc hôn nhân của họ vẫn như trước nhưng mỗi người chồng, người vợ không thể sống giống như trước đây. Họ phải thay đổi từ suy nghĩ, hành động trong cách ứng xử với nhau hàng ngày. Nếu trước đây, người vợ chưa hoàn hảo trong mắt chồng thì bây giờ phải khắc phục những hạn chế yếu điểm của mình.
 
Người chồng vẫn còn lắm tật nhiều tội thì phải sửa đổi tâm tính để trở thành người chồng, người cha có trách nhiệm trong gia đình. Vợ chồng cần tôn trọng nhau hơn, lắng nghe nhau nhiều hơn. Đôi khi họ phải thay đổi bản thân trái ngược với trước đây hoàn toàn. Ví dụ, có anh chồng khi ly hôn không bao giờ biết phụ vợ chuyện chợ búa, bếp núc thì sau khi đoàn tụ lại đã sửa đổi trở thành anh chồng sẵn sàng đi chợ nấu nướng khi vợ về muộn. Có cô vợ lắm điều khiến hôn nhân luôn bất hoà phải ly hôn, sau khi tái hôn, cô quyết tâm sửa đổi tính nết trở nên chín chắn, ăn nói điềm đạm hẳn đi khiến anh chồng thấy như một người mới hoàn toàn, say mê, yêu mến hơn. 
 
Kỹ năng chung sống vợ chồng sau khi ly hôn rồi tái hôn cần gấp nhiều lần so với trước đây. Bởi bấy giờ, ngoài việc tạo nên cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, nó còn có trách nhiệm hàn gắn lại những tổn thương của lần đổ vỡ trước đó. Một chiếc bình đã vỡ, hàn gắn lại kiểu vì cũng có vết rạn trong đó. Người nào khéo léo, vết rạn sẽ mờ đi khó nhận thấy, còn người nào vụng về vết rạn sẽ dễ dàng nứt vỡ bất cứ lúc nào. 
 
 
Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.