Giúp con quản lý tiền mừng tuổi

Chia sẻ

Đầu năm mới, con cháu quây quần chúc sức khỏe, mừng thọ ông bà, cha mẹ và được người lớn mừng tuổi. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống từ lâu đời. Thế nhưng, hiện nay, tiền mừng tuổi của trẻ thường khá lớn buộc cha mẹ phải tìm cách để “quản lì xì”.

Lì xì trở thành phong tục đẹp ngày TếtLì xì trở thành phong tục đẹp ngày Tết (Ảnh: minh họa)

Năm nào cũng vậy, sau ba ngày Tết, chị Trang (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại kiểm tra tiền lì xì của các con. Huy – con trai lớn của chị học lớp 7 được lì xì gần 10 triệu đồng. Con gái mới 7 tuổi thì “được” nhiều hơn, năm nào cũng rủng rỉnh 13-14 triệu đồng. Ngày còn bé, hai con chị đều tự nguyện đưa tiền cho mẹ “giữ hộ”. Thế nhưng, khi Huy lớn dần thì bắt đầu thắc mắc: “Tại sao các bạn con đều được giữ tiền lì xì, còn con thì phải đưa cho mẹ”. Chị Trang lấy lý do: “Bố mẹ giữ tiền lì xì để mua quần áo, đồ dùng học tập cho các con” nhưng Huy vẫn không cảm thấy vui vẻ, hài lòng.

Theo phong tục, tiền mừng tuổi cho trẻ thường là tiền lẻ, tiền mới, mệnh giá tiền không cao, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng người lớn ban phát lộc cho con cháu với lời chúc mạnh khỏe, ngoan ngoãn, học giỏi… Dần dần, phong tục “mừng tuổi đầu xuân” đã trở thành tục lệ “cho tiền khi gặp”. Tiền mừng tuổi được coi như một khoản thu nhập đột xuất của trẻ nhỏ mỗi dịp Tết. Mệnh giá tiền mừng tuổi cũng được đưa lên bàn cân đánh giá, cân nhắc khiến trẻ nhỏ cũng không còn thích nhận tiền lẻ nữa. Chính vì thế, số tiền mừng tuổi trong mấy ngày Tết của các con thường rất cao. Có trường hợp trong “vụ Tết”, con có thể “thu hoạch” được vài chục triệu đồng.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, trẻ nhỏ mà giữ số tiền lớn sẽ không tốt, bởi trẻ có thể làm rơi vãi, bị bắt nạt để cướp, có trẻ dùng tiền tiêu pha hoang phí, thậm chí có trẻ còn gặp nguy hiểm khi bị kẻ gian biết trong túi có cả chục triệu đồng tiền mừng tuổi. Do đó, cha mẹ phải “để mắt” đến tiền mừng tuổi của con, nhất là với trẻ nhỏ. Đối với trẻ học tiểu học, trung học cơ sở, số tiền chỉ vài trăm nghìn đồng, cha mẹ hãy để cho con được “tự vui” với số tiền này và chỉ hướng dẫn để con chi tiêu hợp lý. Với số tiền lớn, cha mẹ cần thống nhất, thỏa thuận với con để “giữ hộ” và cam kết, khi con cần chi tiêu cha mẹ sẽ “giải ngân” giúp con. Với trẻ lớn hơn, như học sinh THCS, THPT, cha mẹ định hướng để con có kỹ năng quản lý tài chính mà không phải theo lớp học kỹ năng sống nào. “Cha mẹ hãy cùng con tổng kết số tiền và trao đổi xem con muốn gửi mẹ hay tự quản? Hỏi xem con định giữ tiền để làm gì? Nếu con có dự định “nuôi heo đất” để sau này có thể tự mua máy tính xách tay, mua quần áo, xe đạp điện để đi học cho tiện… thì hãy ủng hộ con. Tuy nhiên, con dự định mua sắm những thứ đồ dùng không phù hợp lứa tuổi, cha mẹ cần tư vấn để thay đổi ý định chứ đừng “cưỡng đoạt” tiền mừng tuổi của con” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết.

Còn luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, tiền mừng tuổi của các con trong những ngày Tết là một tài sản hợp pháp do con cái được thừa hưởng từ những người thân trong gia đình. Tại Khoản 1 (Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con". Tuy nhiên, việc quản lý tài sản này như thế nào lại phụ thuộc vào độ tuổi của con. Khi con dưới 9 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền định đối với tài sản đó, nhưng phải có mục đích như chăm sóc hoặc vì lợi ích của chính người con có tài sản đó. Trong trường hợp con từ đủ 9 tuổi đến dưới 15 tuổi ngoài tuân theo mục đích thì cần phải đáp ứng theo nguyện vọng và mong muốn của con. Con từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi có quyền quyết định đến việc sử dụng tài sản của mình mà không cần có sự đồng ý của cha mẹ, trừ bất động sản. Lúc đó, cha mẹ không được sử dụng, quyết định hay quản lý tiền mừng tuổi của con nữa.

Quỳnh An

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.