Trở thành thủ phạm bạo lực gia đình vì thất nghiệp

Chia sẻ

Khi nam giới rơi vào cảnh thất nghiệp, nỗi lo sợ mất đi vai trò trụ cột trong gia đình cùng với sự tổn thương khi bạn đời không thấu hiểu đã khiến không ít người dùng bạo lực để lấy lại uy quyền của mình.

Chồng hoàn hảo trở thành chồng vũ phu

Tin anh Hoàng bị chính quyền xử phạt hành chính vì tội đánh vợ khiến bạn bè, người thân ngạc nhiên. Bởi lâu nay trong mắt họ, anh Hoàng vốn là người chồng hoàn hảo, yêu vợ thương con hết lòng. Vậy nên họ tin chuyện anh đánh vợ là có sự nhầm lẫn nào đó. Đến lần thứ hai, tin anh Hoàng lại tiếp tục bị xử phạt vì có hành vi bạo lực khiến vợ phải nhập viện điều trị thì ai cũng phải cất công tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với vợ chồng anh. Cô em chồng anh bảo lần gây bạo lực này với vợ, anh bị chính quyền còn dùng biện pháp cách ly vợ trong một thời gian nhất định.

Trở thành thủ phạm bạo lực gia đình vì thất nghiệp - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Nghe mọi người hỏi nguyên nhân nào khiến anh Hoàng dạo này lại đổ đốn trở thành người tồi tệ như thế. Cô con gái lớn của anh bảo "kể từ ngày bố cháu thất nghiệp ở nhà thì biến thành một người khác hẳn, không còn yêu thương mẹ con cháu như xưa nữa. Bố tìm cớ đánh mẹ dù chỉ là mâu thuẫn nhỏ...". Hóa ra, gần một năm nay, công ty nơi anh Hoàng làm việc bị phá sản. Vậy là anh Hoàng mất việc theo.

Từ một trưởng phòng kinh doanh, lúc nào cũng đạt được doanh số bán hàng cao nhất công ty, thu nhập kiếm về hàng tháng rất ổn định và cao, giờ anh trở thành người thất nghiệp, không thể kiếm được tiền nên đâm ra chán nản. Một vài lần, anh cũng nộp hồ sơ tìm việc làm nhưng công việc không ổn định, thu nhập thấp nên lại nghỉ việc. Một phần cũng do tâm lý anh muốn tìm công việc vừa kiếm được tiền lại vừa có quyền lực trong tay giống như vị trí trưởng phòng kinh doanh trước đây từng làm, nhưng chẳng có công ty nào tuyển anh vào vị trí đó.  Anh không ngờ con đường tìm việc làm lại trở nên khó khăn đến như vậy.

Vậy là từ một người đàn ông tháng nào cũng hãnh diện đưa tiền về cho vợ chi tiêu trong gia đình, lại có khoản dắt lưng muốn tiếp đãi bạn bè, mua sắm cá nhân theo ý mình, giờ anh lại phải ngửa tay xin tiền vợ để thanh toán hóa đơn điện thoại hàng tháng. Chuyện gặp gỡ giao lưu bạn bè lại càng không dám vì trong túi chẳng có đồn nào. Vậy là anh tìm rượu để giải sầu.

Ban đầu, anh được mấy ông bạn bợm rượu có tiền gọi mời, nhưng sau thì tìm cách lấy tiền của vợ đi uống. Mỗi khi hỏi tiền vợ, anh đều bảo trước đây đưa tiền về cho vợ nhiều thì giờ vợ phải có trách nhiệm đưa lại cho chồng một ít để chi tiêu hàng ngày. Sợ chồng quá tự ti rồi mất chí hướng nên chị đưa tiền chi tiêu cá nhân để anh tự tin đi ra ngoài gặp bạn bè, tìm công việc mới. Ai ngờ anh dùng tiền đó đi uống rượu tối ngày, hết lại về bắt vợ đưa tiếp. Vợ không đưa, anh đánh đến lúc nào chị phải chấp nhận đưa tiền mới thôi.

Ra ngoài uống say về, anh lại lớn tiếng mắng vợ con rồi lại xông vào đánh vợ vô cớ. Vợ anh trở thành bị bông cho chồng trút hết mọi nỗi oán hận cuộc đời vào đó. Chị bị chồng đánh bất kể ngày hay đêm, không cần phải có lý do. Nghĩ chồng đang chán nản nên mới trở thành người như thế nên chị cam chịu để chồng nguôi giận, rồi từ từ vượt qua, tỉnh táo trở lại làm ăn như trước đây. Nhưng, anh chẳng chịu tỉnh lại, cứ tiếp tục say rồi đánh vợ đến mức chị phải nhờ tới sự can thiệp của chính quyền.

Dùng bạo lực  bị vợ coi thường khi thất nghiệp

Câu chuyện anh Quang trở thành thủ phạm bạo lực gia đình hết lần này đến lần khác khiến tổ dân phố thỉnh thoảng lại náo loạn bàn tán cũng xuất phát từ nguyên nhân anh Quang bị thất nghiệp ở nhà "ăn bám vợ".

Trở thành thủ phạm bạo lực gia đình vì thất nghiệp - ảnh 2 (Ảnh: minh họa)

Là một người đàn ông hiền lành, chăm lo gia đình, chẳng bao giờ nói tiêng to với vợ. Vậy mà giờ đây anh trở thành thủ phạm đánh đập vợ không nương tay. Thậm chí, có lần anh đánh vợ gãy cả tay phải về bên ngoại ở mấy tháng trời mới dám về nhà. Mỗi khi hàng xóm láng giềng đến can ngăn anh đánh vợ, nghe được lý do nguyên nhân họ lại quay sang chỉ trích cô vợ và có phần thông cảm cho anh hơn. Có người bảo, cô vợ sống với chồng như thế là ... "đáng đánh" dù biết rằng việc chồng đánh vợ là hoàn toàn sai.

Trước khi lấy chồng, vợ anh Quang vốn là con gái cưng trong gia đình, từ nhỏ đến lớn chẳng biết việc nhà, bởi gia đình có giúp việc, cô chỉ biết ăn rồi học. Khi lấy chồng, anh Quang là người chiều vợ nên cũng chẳng để cô phải vất vả nên cũng thuê giúp việc đỡ đần việc nhà. Hàng ngày cô đi làm, lương chỉ để chi dùng cá nhân, còn lại kinh tế trong gia đình tất cả các khoản anh đều lo hết. Bao nhiêu năm nay, anh thực hiện nhiệm vụ trụ cột kinh tế gia đình rất tốt. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ổn định dư giả, vợ chồng con cái chẳng mấy khi cãi vã nhau. Mỗi khi có mâu thuẫn, anh Quang cũng là người chịu nhường nhịn nên họ chẳng bao giờ căng thẳng lâu.

Đùng một cái, anh Quang lâm vào cảnh thất nghiệp vì công ty sát nhập theo chủ trương mới của Nhà nước. Vị trí anh đang làm bị dôi dư, nếu tiếp tục làm việc thì phải chuyển sang bộ phận khác. Nhưng ở bộ phận anh được chuyển sang đó cũng rơi vào cảnh người đông việc ít, tiền chẳng có. Vậy là sau một thời gian đấu tranh, anh quyết định nghỉ việc ở công ty để tìm công việc mới. Nhưng chuyện tìm công việc mới lại gian nan hơn anh tưởng. Vì làm đúng nghề thì không có việc mà làm trái nghề thì anh không có khả năng. Vậy là thời gian chờ tìm việc đúng sở trường cứ kéo dài mãi khiến anh lâm vào cảnh thất nghiệp lâu dài. Bấy giờ, vợ anh không thể chịu nổi cảnh chồng hàng tháng chỉ ở nhà, tiền chẳng có mang về như trước nên đã tỏ rõ thái độ thất vọng coi thường chồng. Ngày nào đi làm về nhìn thấy anh lù lù ở nhà là cô lại mỉa mai: "Chồng người ta thì hàng ngày đi làm kiếm tiền mang về cho vợ con, còn chồng mình thì rú rú ở nhà, cả ngày chỉ biết cắm nồi cơm, phơi mấy bộ quần áo". Rồi, cô so sánh chồng người ta kiếm tiền giỏi, mua ô tô cuối tuần chở vợ con đi đây đi đó thư giãn. Ban đầu, anh cố gắng im lặng nhẫn nhịn sự mỉa mai, chửa rủa của vợ, nhưng sau đó thì không thể chấp nhận được nên đã dùng bạo lực để trấn áp vợ.

- Cô ấy coi thường tôi trong từng bữa ăn hàng ngày, đêm ngủ còn không cho đụng vào người, bảo khôn có hứng với người bất tài vô dụng. Sự coi thường đó của vợ khiến tôi bị tổn thương, không thể nào kìm chế được bản thân nên đôi lúc đã phải ra tay đánh vợ để cô ấy ngừng xúc phạm tôi - anh Quang trần tình với mọi người.  

Hai đứa con của anh Quang cũng thừa nhận với mọi người trong gia đình nội ngoại mỗi khi họ hỏi vì sao bố đánh mẹ rằng: Vì mẹ chửi bố, còn ném cả bình hoa vào mặt bố nên bố mới tức giận đánh lại mẹ. Có hôm, cả nhà ăn cơm, mẹ còn không gọi bố xuống ăn nữa, bảo không muốn ăn với người không làm ra tiền. Mẹ cháu cũng quá đáng với bố cháu lắm".

 Chuyện đàn ông trở thành thủ phạm gây bạo lực gia đình giống anh Quang, anh Hoàng không còn hiếm trong cuộc sống hiện nay. Vai trò giới lâu nay mặc định đàn ông phải đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình đã vô hình chung đặt lên họ một gánh nặng không hề nhỏ. Nó hình thành tâm lý phải kiếm được tiền thì mới giữ được quyền lực trong gia đình trong nam giới. Đồng thời, nó cũng mặc định suy nghĩ trong nữ giới là đàn ông không kiếm được tiền, không trở thành trụ cột kinh tế gia đình là bất tài vô dụng, không đáng được tôn trọng. Chính quan niệm của hai giới đã dẫn tới cảnh đàn ông thất nghiệp sống tự ti, dùng bạo lực trấn áp để giữ quyền lực của mình trong gia đình. Về phía phụ nữ cũng xuất hiện ý nghĩa coi thường đàn ông khi họ thất nghiệp không đảm đương được vai trò trụ cột kinh tế. Thay vì chia sẻ trở lại với chồng thì họ lại có những hành động gây tổn thương trở lại cho chồng mình như bạo lực tinh thần, bỏ rơi chồng khi thất nghiệp, thậm chí có người còn ngoại tình với người đàn ông làm ra tiền hơn chồng mình. Từ đó đẩy gia đình vào những bi kịch khiến tổ ấm biến thành "tổ lạnh", vợ chồng tan vỡ tình cảm, con cái bị ảnh hưởng theo.

                                                                                                                              Bảo Thy

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.