Luật hóa tiền hôn nhân

Chia sẻ

Tình trạng con cái bạo hành tàn nhẫn cha mẹ già, bố mẹ thẳng tay đánh đập con đến tàn phế liên tục diễn ra trong thời gian gần đây không chỉ gây nhức nhối, phẫn nộ dư luận, mà đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn từ gốc đến ngọn.

Bé gái 6 tuổi (ở Đình Bảng, Bắc Ninh) bị cha đánh gãy tay được công an giải cứuBé gái 6 tuổi (ở Đình Bảng, Bắc Ninh) bị cha đánh gãy tay được công an giải cứu (Ảnh: CACC)

Có "quyền" tàn ác với tình thân?

Pháp luật quy định rõ các hành vi bạo lực, xâm hại thể xác, tinh thần của người khác đều bị nghiêm cấm. Thế nhưng, riêng trong lĩnh vực gia đình, nhiều người dân vẫn cho rằng họ "có quyền" bạo hành tình thân của mình, với danh nghĩa "dạy bảo", "giáo dục". Theo đó, vợ chồng, cha mẹ, con cái tự cho mình "được quyền" mắng chửi, đánh đập, hành hạ người thân, và việc này là "chuyện riêng" trong gia đình, không liên quan đến xã hội. Đây chính là căn nguyên để tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, với các hành vi nguy hiểm, nghiêm trọng hơn.

Điển hình hai vụ việc vừa diễn ra trong những ngày đầu tháng 9 khiến dư luận phẫn nộ. Đó là vụ con gái bạo hành mẹ già 88 tuổi già yếu với hành vi nhẫn tâm đổ chất bẩn lên đầu mẹ. Sự việc được phát hiện trong ngày 7/9/2020, khi đoạn clip do con trai (SN 1998) người phụ nữ quay lại cảnh mẹ mình bạo hành tàn nhẫn bà ngoại được một người họ hàng tung lên mạng xã hội. Người phụ nữ có hành vi bạo hành mẹ già là bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, trú tại xã Hiệp Hòa, Cần Đước, Long An) đã thừa nhận với lực lượng chức năng là mình có hành vi bạo hành mẹ già (cụ Đ). Nguyên nhân xuất phát từ việc bà phải một mình chăm sóc mẹ khi về già nhưng cụ Đ lại không để lại tài sản gì cho mình. Trước đó, ngày 2/9, cụ Đ đã qua đời và đã được gia đình đưa đi hỏa táng.

Ngày 5/9, bà Lê Thị Hương (trú tại khu phố Tân Lập, Đình Bảng, Bắc Ninh) đã tố cáo với cơ quan chức năng về việc con trai đẻ của mình là Đặng Trung Kiên có hành vi bạo hành con. Sau hơn 10 giờ thuyết phục đối tượng thả cháu bé không được, công an đã đột nhập và giải cứu cháu Đặng Ngọc A (6 tuổi, con gái Kiên). Cháu A được đưa đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị bố đánh đập khiến cánh tay phải đánh gãy, cùng nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Sau khi bị công an bắt giữ, Kiên khai do bực tức nên đã đánh đập con gái hai lần. Tuy nhiên theo lời khai của những người liên quan, trước đó, Kiên không chỉ bạo hành cháu A mà còn đánh đập những đứa con khác của mình, và dọa giết cả mẹ đẻ.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc người già bị con cái bạo hành tàn nhẫn, trẻ em bị bố mẹ, người thân bạo hành ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trầm trọng diễn ra trong thời gian gần đây.

Buộc nam nữ kết hôn phải được trang bị kiến thức

Để ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ), chúng ta đã có Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Trẻ em, Luật Hình sự... với những chế tài nghiêm minh. Thế nhưng, dù những bộ luật này đã đi vào cuộc sống một thời gian dài, có sửa đổi bổ sung để phù hợp với thực tiễn, tăng chế tài xử lý, nhưng tình trạng BLGĐ vẫn không giảm. Nhiều vụ việc bạo hành cha mẹ già, trẻ em rất tàn ác, vợ bị chồng giết hại liên tục xảy ra gây nhức nhối xã hội.

Liên quan đến vấn đề đề này, tại Hội thảo Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và cơ sở giáo dục được tổ chức vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Học viện Cảnh sát nhân dân) đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. Đó là cần bổ sung quy định về điều kiện kết hôn trong Luật Hôn nhân và Gia đình theo hướng phải có chứng chỉ tiền hôn nhân thì mới được đăng ký kết hôn. Theo tiến sĩ Thủy, để được cấp chứng chỉ tiền hôn nhân thì những người kết hôn phải trải qua một lớp học về hôn nhân, gia đình, trong đó sẽ phải học cách làm cha mẹ, làm vợ chồng, nuôi dạy con cái, học các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, giải quyết xung đột, xung khắc trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Giải pháp này sẽ nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc hạn chế, ngăn ngừa các hành vi bạo lực từ ban đầu.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Bích Lan (Trưởng văn phòng Luật sư số 5-Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng: Luật hóa chứng chỉ tiền hôn nhân là điều cần làm để phòng ngừa, ngăn chặn BLGĐ, giữ cho đạo đức gia đình không bị xuống cấp. Việc nam nữ kết hôn bắt buộc phải có chứng chỉ tiền hôn nhân đã thực hiện ở nhiều nước và mang lại hiệu quả tốt. Việc bắt buộc nam nữ trước khi kết hôn phải tham gia khóa học về các quy định về pháp luật liên quan đến HNGĐ, BLGĐ, học các kỹ năng mềm để thực hiện các vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc sống là cần thiết. Sau khi học xong, họ phải tham gia thi để lấy chứng chỉ. Nếu đỗ thì sẽ được cấp chứng chỉ, nếu trượt thì phải học lại, thi lại. Khi mỗi người bước vào cuộc sống hôn nhân hiểu rõ kiến thức pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thì họ sẽ biết được hành vi nào bị nghiêm cấm, hành vi nào vi phạm pháp luật để tránh. Những hành vi vi phạm đạo đức gia đình sẽ xảy ra, tình trạng BLGĐ sẽ được ngăn ngừa.

Theo luật sư Lan, chúng ta nên đưa các môn học tiền hôn nhân vào dạy chính thống, có giáo trình, cơ sở thi sát hạch lấy chứng chỉ nghiêm túc. Việc hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống trong hôn nhân, gia đình không chỉ giúp các thành viên sống có trách nhiệm, bảo vệ, thương yêu nhau, mà còn giúp cho xã hội nâng cao trách nhiệm đối với các hành vi bạo lực, vi phạm đạo đức gia đình, không vô cảm xem hành vi BLGĐ là chuyện riêng, mà sẽ lên tiếng ngăn cản ngay từ đầu.

Điển hình như trong vụ con gái bạo hành mẹ già 88 tuổi ở Long An, cậu con trai sinh năm 1998 nếu hiểu biết về pháp luật thì sẽ nhận thức được hành vi bạo hành bà ngoại của mẹ là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức và có hành vi can ngăn mẹ. Thay vì là người chứng kiến rồi quay lại clip phản cảm, nhất là hành vi bạo hành này đã diễn ra trong một thời gian dài. Và nếu người con gái hiểu được rằng việc chăm sóc mẹ già là nghĩa vụ làm con, phải thực hiện vô điều kiện, thay vì cho rằng mẹ phải để lại tài sản cho mình và hành xử phi luân thường đạo lý.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.