Bài cuối: Sửa luật cần bám sát thực tiễn

Chia sẻ

Do Luật Phòng, chống BLGĐ vẫn còn bỏ ngỏ nhiều vấn đề trong thực tiễn nên tình trạng BLGĐ đã và đang diễn ra nhiều nơi với các đối tượng khác nhau, tính chất mức độ ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó, việc sửa luật phải sát với thực tiễn thì công tác phòng, chống BLGĐ mới hiệu quả.

Một người vợ ở Cà Mau bị chồng đâm trọng thương đang điều trị tại bệnh việnMột người vợ ở Cà Mau bị chồng đâm trọng thương đang điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Int)

Chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý

Để công tác phòng, chống BLGĐ có hiệu quả, trách nhiệm quản lý nhà nước, phối hợp của các cấp chính quyền trong triển khai nhiệm vụ rất quan trọng. Luật Phòng, chống BLGĐ cũng đã có quy định về vấn đề này. Cụ thể, từ Điều 31 đến Điều 41 tại chương IV của Luật đã có quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ (PCBLGĐ).

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Bích Lan (Trưởng văn phòng luật sư số 5, Đoàn luật sư TP HN), khi Luật thực thi trong cuộc sống đã xuất hiện bất cập vì các điều luật vẫn chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm phối hợp trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ. Dù Luật quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình và tổ chức nhưng lại không gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ. Từ đó dẫn đến tình trạng thực thi pháp luật mang yếu tố cảm tính, phụ thuộc vào sự quan tâm của người đứng đầu.

Tại Báo cáo kết quả 12 năm thi hành Luật Phòng chống BLGĐ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trình Chính phủ mới đây cũng “thừa nhận” bất cập này. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 35 Luật Phòng, chống BLGĐ quy định “hằng năm, trong báo cáo của UBND cấp xã trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình kinh tế - xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả phòng, chống BLGĐ tại địa phương”. Nhưng sau gần 10 năm thi hành luật, Bộ VHTTDL không có thông tin về việc báo cáo này. Qua kiểm tra ở các địa phương thì không địa phương nào đưa nội dung phòng chống BLGĐ vào báo cáo Hội đồng nhân dân.

Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) rất quan trọng góp phần xây dựng văn hóa gia đình, phát triển con người toàn diện. Sau 12 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLLGĐ, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật đã bộc lộ những hạn chế được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chỉ ra. Vì vậy Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh (chỉ đạo tại phiên họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) của Bộ Tư pháp ngày 19/10/2020)

“Luật Phòng, chống BLGĐ cần quy định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý đối với người đứng đầu trong phòng, chống BLGĐ và làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ” – báo cáo nêu.

Liên quan đến vấn đề này trong góp ý dự thảo đề cương Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), Trung ương Hội LHPN Việt Nam kiến nghị bổ sung 1 điều về trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống BLGĐ và bảo vệ nạn nhân. Trên thực tế, trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan ở trung ương và địa phương về PCBLGĐ đã được quy định tại Quyết định 21/2016/QĐ-TTg ngày 17/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống BLGĐ nhưng hiệu lực triển khai chưa cao. Do đó, cần luật hóa nội dung này để đảm bảo cơ chế phối hợp liên ngành trong PC BLGĐ hiệu quả hơn.

Luật chưa nhận diện đầy đủ các hành vi BLGĐ

Thực tế cho thấy có nhiều hành vi BLGĐ đang diễn ra trong cuộc sống. Nạn nhân của các hành vi bạo lực đó gồm nhiều đối tượng (trẻ em, người già, phụ nữ, đàn ông). Thế nhưng, khi áp dụng xử lý các vụ việc, nhiều hành vi bạo lực bị chính quyền các cấp “bỏ qua” do không cho đó là hành vi BLGĐ.

Luật sư Nguyễn Bích Lan cho rằng, Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành nêu khái niệm BLGĐ rất rộng, song các điều khoản cụ thể trong Luật lại xác định hành vi BLGĐ theo 9 nhóm hành vi tổn hại ở mức nghiêm trọng. Điều này khiến cho việc xác định hành vi BLGĐ khó chính xác, đầy đủ và dẫn đến những cách hiểu khác nhau về phòng, chống BLGĐ ở Việt Nam.

Mặt khác, Luật sử dựng khái niệm “mâu thuẫn, tranh chấp” song không giải thích nội hàm khái niệm dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi xử lý vụ việc BLGĐ, bởi khó phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa BLGĐ với mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình.

“Điều này dẫn đến tình trạng tại một số địa phương, có vụ việc BLGĐ đáng ra phải chuyển sang xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự thì cộng đồng vẫn chỉ áp dụng duy nhất biện pháp hòa giải” - luật sư Lan cho biết.

Theo chuyên gia tư vấn tâm lý, TS Đinh Đoàn, Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành có quy định về hành vi bạo lực tình dục, nhưng lại không quy định rõ hành vi cụ thể gồm những gì. Một số hành vi như: ép buộc mang thai, sinh nhiều con so với quy định, ép buộc lựa chọn giới tính thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai đang diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hiện nay, nhưng Luật đang còn “bỏ ngỏ”, không quy định những hành vi này thuộc nhóm hành vi BLGĐ bị xử lý. Trên thực tế, đây là hành vi BLGĐ và nạn nhân là phụ nữ đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Phải làm nổi được “tảng băng chìm” về BLGĐ

Sau 12 năm thi hành, Luật Phòng, chống BLGĐ đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho công tác PCBLGĐ có hiệu quả. Trước thực tiễn này, ngày 8/10/2020, thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PC BLGĐ, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi, bổ sung.

Theo TS Nguyễn Văn Tiên (nguyên Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội), để xây dựng Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành rất khó khăn, phức tạp vô cùng, nên khi chúng ta có Luật rồi là thành công lớn, giờ phải làm sao sửa đổi để có hiệu quả hơn, thành công hơn, phải chọn vấn đề “đắt giá” để sửa đổi.

Theo Bộ VHTTDL, việc ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành. Đặc biệt là tăng cường biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, người vi phạm pháp luật trong PCBLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong PCBLGĐ.

Mục tiêu cụ thể của Luật sửa đổi nhằm quy định rõ các vấn đề gồm: Phạm vi và nâng cao chất lượng công tác hòa giải trong PCBLGĐ; Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với PCBLGĐ, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp ngăn chặn BLGĐ, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương trong PCBLGĐ; Chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các cơ sở trợ giúp nhận nhân BLGĐ, khuyến khích xã hội hóa công tác PCBLGĐ và xây dựng cơ sở dữ liệu về PCBLGĐ…

Những vụ việc BLGĐ hiện nay được phản ánh mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Lâu nay, những bất cập của Luật đã và đang khiến cho tảng băng chìm đó chưa thể “nổi lên” được. Vì vậy, Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi phải làm sao làm nổi được phần chìm của tảng băng BLGĐ thì chúng ta mới nhận diện rõ và xử lý tận gốc vấn đề này - TS Đinh Đoàn nhận định.

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.