Làm thế nào để bố vợ coi trọng con rể hơn?

Chia sẻ

Từ ngày chuyển về bên nhà vợ sống, cảm giác bị bố vợ coi thường luôn đeo bám tôi, khiến cho cuộc sống của tôi trở nên bức bối. Làm thế nào để bố vợ coi trọng tôi hơn?

Vợ tôi là con một nên sau khi cưới chúng tôi chuyển về bên nhà vợ sống, theo yêu cầu của bố mẹ vợ tôi. Gia đình tôi cũng không nặng nề chuyện con trai lấy vợ ở rể nên thoải mái để chúng tôi lựa chọn sống ở đâu sau khi kết hôn.

Tuy nhiên, từ ngày chuyển về bên nhà vợ sống, tôi luôn có cảm giác không được bố vợ coi trọng. Ông ấy chưa bao giờ khen ngợi tôi việc gì, lúc nào cũng bắt tôi phải cố gắng trong tất cả mọi việc. Nếu làm tốt, ông cho đó là bình thường, làm dở thì ông la mắng.

Dù không coi trọng tôi nhưng việc lớn việc bé trong nhà ông đều bắt tôi tham gia cùng, bắt tôi quản lý. Lúc nào tôi cũng có cảm giác tôi giống "công nhân" của bố vợ hơn là con rể. Do có cảm giác ấy nên tôi cũng không mấy gần gũi với bố vợ, cứ giữ khoảng cách.

Nếu bố vợ giao việc thì làm, làm xong lên phòng nghỉ ngơi. Tôi hạn chế nói chuyện với ông vì sợ những lời chê bai. Nhiều lần, tôi bảo với vợ dọn ra ngoài sống nhưng cô ấy không đồng ý vì phải sống cùng để chăm sóc bố mẹ. Theo Tâm Giao, tôi phải làm thế nào để bố vợ coi trọng mình hơn?

                                                                                                       Tranvankien90@yahoo.com

Làm thế nào để bố vợ coi trọng con rể hơn? - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Có lẽ bạn mang tâm lý ở rể nên hơi nhạy cảm trong nhìn nhận vấn đề trong cuộc sống hàng ngày với bố vợ. Do đó, bạn đã không thật sự mở lòng với ông, mà cho rằng ông không coi trọng mình. Nhưng nếu bạn nhìn nhận kỹ, bố vợ bạn đang cố gắng đào tạo con rể thành người vững vàng kể nghiệp mình sau này.

Bằng chứng là ông đã để cho bạn tham gia tất cả các việc lớn, việc bé trong nhà, thay vì để bạn đứng ngoài cuộc. Điều đó cũng cho thấy ông ấy rất coi trọng con rể chứ không phải là không coi trọng như bạn nghĩ.

Bố vợ bạn là người không thích khen trước mặt nhưng coi trọng kết quả. Nếu bạn chưa làm tốt, ông la mắng để bạn làm tốt hơn lần sau. Đây cũng là cách ông rèn dũa cho bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống lẫn công việc. Nếu một người không yêu thương, coi trọng con rể thì sẽ không bao giờ làm những việc như thế đâu bạn ạ.

Trong khi bố vợ bạn đang nỗ lực đào tạo con rể thì bạn lại có những suy nghĩ tiêu cực về ông. Bạn không những cố gắng hòa đồng, thân thiện với ông hơn, mà còn cố tình giữ khoảng cách. Chính việc không cởi mở của bạn đã khiến cho tình cảm giữa bố vợ, con rể càng xa cách.

Do đó, Tâm Giao khuyên bạn hãy cởi mở lòng mình, gần gũi, yêu thương bố vợ giống như bố đẻ của mình. Khi nhìn vấn đề theo hướng tích cực hơn, bạn sẽ thấy tình cảm với bố vợ tốt hơn rất nhiều. Bởi bố mẹ vợ vẫn luôn có quan điểm tôn trọng, yêu thương con rể cũng là cách để con gái mình sống hạnh phúc hơn.

                                                                                                                           TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.