Nghệ sĩ chọn nghiệp làm báo để... nuôi nghệ thuật

Chia sẻ

Có một điều khá thú vị là có một số nghệ sĩ, nghệ nhân lĩnh vực âm nhạc truyền thống hiện nay, lại đồng thời là những nhà báo kỳ cựu. Họ chọn nghiệp làm báo để có điều kiện “nuôi dưỡng” tình yêu với nghệ thuật truyền thống, có cơ hội đưa nghệ thuật truyền thống lan toả hơn trong lòng công chúng hôm nay…

Nhà báo – nghệ sĩ Lê Thanh Phong trong sản phẩm mới nhất nói về bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch (Ảnh:NVCC)Nhà báo – nghệ sĩ Lê Thanh Phong trong sản phẩm mới nhất nói về bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch (Ảnh:NVCC)

Lăn lộn với nghề báo

Nếu như trên “mặt trận” âm nhạc truyền thống, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long sớm được coi là một tên tuổi vì có nhiều đóng góp giá trị cho âm nhạc truyền thống, thì trên lĩnh vực báo chí, anh là một “cây bút” nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí âm nhạc. Hai mươi năm làm báo, anh không bó hẹp mình ở lĩnh vực báo chí mảng văn hoá, âm nhạc, mà còn “lăn lộn” qua rất nhiều mảng báo chí khác như thời sự, sản xuất bản tin… khi anh công tác tại các đài truyền hình như truyền hình An Viên, An ninh tivi và hiện nay là VTVcab Việt Nam.

Nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Quang Long thừa nhận, làm báo là công việc vô cùng vất vả, căng thẳng. Thế nhưng, nghề báo lại luôn có một “ma lực” nào đó khiến ai đã làm nghề là sẽ yêu. Đến giờ nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Quang Long vẫn hồi hộp trước mỗi chương trình mình thực hiện, háo hức khi đón chờ một bài báo viết ra đời. Cảm xúc ấy cũng giống như khi người nghệ sĩ bước lên sân khấu, luôn tươi mới và thú vị. Hơn nữa, anh cho rằng, nghề báo đã giúp anh rất nhiều trong công việc nỗ lực giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà anh theo đuổi. Tầm nhìn của người làm báo thường rất bao quát, nhìn rộng và xa, vì vậy, anh có điều kiện để phát huy, ứng dụng điều đó trong việc nghiên cứu, bảo tồn văn hoá dân tộc.

Cùng quan điểm đó, Nghệ nhân Xẩm Mai Tuyết Hoa còn nói vui: “Nghề báo còn giúp chúng tôi nuôi… nghệ thuật truyền thống”. Nghệ nhân Xẩm Mai Tuyết Hoa - học trò cưng của Nghệ nhân Xẩm Hà Thị Cầu - hiện đang là biên tập viên của Đài truyền hình VOV. Hơn 10 năm làm báo là hơn 10 năm chị vượt qua nhiều khó khăn, vất vả của người phụ nữ vừa bận rộn công việc làm báo hình thường xuyên phải trực sóng ban đêm, vừa chăm sóc gia đình lại vừa nỗ lực không ngừng để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xẩm. Ấy vậy nhưng, bằng tâm huyết, tình yêu nghệ thuật Xẩm sâu sắc, chị vẫn vượt qua những khó khăn ấy để dành thời gian cống hiến cho Xẩm, thậm chí còn đào tạo nhiều học trò trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho nghệ thuật Xẩm trong tương lai.

Nghệ nhân Mai Tuyết Hoa tâm sự, người làm nghệ thuật âm nhạc truyền thống thường phải tự bỏ tiền túi của mình ra để duy trì hoạt động thường xuyên mà không thể trông đợi vào dự án này, dự án nọ, kể cả việc tổ chức các chương trình lớn để tiếp cận công chúng, nhân lên tình yêu với âm nhạc truyền thống. Chính vì thế, chị cũng cần có một công việc ổn định có thể nuôi mình, nuôi gia đình mới có thể “nuôi” được đam mê nghệ thuật. Nghệ nhân Mai Tuyết Hoa chọn công việc làm báo, bởi với nghề báo, chị vẫn có cơ hội gần gũi với nghệ thuật qua các chương trình mình thực hiện, lại có nhiều điều kiện tiếp xúc với các lĩnh vực nghệ thuật khác để mở mang kiến thức, tích luỹ thêm vốn liếng kinh nghiệm phát triển nghệ thuật Xẩm mà chị đam mê.

Làm báo bằng âm nhạc truyền thống

Với tính chất của loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống của người dân, những năm qua các nghệ sĩ nhóm Xẩm Hà Thành đã liên tục cho ra mắt những MV, sáng tác xẩm mới về các vấn đề thời sự như: “Xẩm cướp biển”, “Xẩm trà đá”, Xẩm “Văn hoá giao thông”… Các nghệ sĩ cho biết, những bài xẩm này đều thể hiện vấn đề nhức nhối trong xã hội không thua kém các tác phẩm báo chí sắc bén khác. Điều này có được là nhờ các nghệ sĩ cũng là những người làm báo, rất nhạy bén với các vấn đề nóng hổi của xã hội.

Nhà báo - Nghệ sĩ Ví Giặm Lê Thanh Phong cũng đồng tình với sự tương tác đặc biệt khi nghệ sĩ âm nhạc truyền thống lại là những nhà báo. Lê Thanh Phong được coi là “Hoàng tử Ví Giặm”, đồng thời cũng là một phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với kiến thức âm nhạc tốt, lại có duyên MC, khi còn là sinh viên học đại học Văn hoá, Lê Thanh Phong cộng tác với các đài truyền hình dẫn các bản tin về văn hoá, nghệ thuật. Từ đây, tình yêu với nghề báo lớn dần và “Hoàng tử Ví Giặm” đã quyết định đăng ký học nghiệp vụ báo chí của Học viện Báo chí Tuyên truyền, chính thức theo đuổi nghiệp làm báo.

Sau khi tốt nghiệp, Lê Thanh Phong đã được về công tác tại phòng Dân ca VOV3- Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại đây, Lê Thanh Phong đã có điều kiện phát triển, vừa được làm báo lại vừa khai thác, phát huy và lan toả nghệ thuật Ví Giặm, làm sống lại nghệ thuật ngâm thơ đã từng rất được ưa chuộng. Công việc làm báo giúp Lê Thanh Phong nhạy bén hơn với thời sự đất nước, gần đây anh liên tục vận dụng tính thời sự của báo chí vào các tác phẩm nghệ thuật mới của mình với mong muốn nghệ thuật truyền thống cũng là một cánh tay đắc lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Vừa qua, Lê Thanh Phong ra mắt MV Ví Giặm “Lời ru trong bệnh viện” sau khi đi thực hiện tin về các bác sĩ chống dịch Covid-19, nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả. Trước đó Lê Thanh Phong cũng thực hiện các MV ngâm thơ về Bác Hồ nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, hoặc cổ động các ngày lễ lớn của dân tộc… “Thời nay, nghệ thuật truyền thống cũng dần mai một, nếu chỉ bảo tồn trong phạm vi nhỏ lẻ thì không nên. Nhờ công việc làm báo có những va chạm thực tế mà tôi có điều kiện thực hiện nhiều tác phẩm gắn với tính thời sự được phổ biến rộng rãi, tạo cho nghệ thuật truyền thống có sức hấp dẫn nhờ hơi thở thời cuộc”- nghệ sĩ Lê Thanh Phong cho biết.

Nhờ những nghệ sĩ làm báo như vậy mà một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống hôm nay có điều kiện lan toả hơn, gắn bó với đời sống hơn khi nghệ sĩ đã biết khai thác sức ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống từ góc độ người làm báo của mình.

 THU MÂY

Tin cùng chuyên mục

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

“Đất nước trọn niềm vui”: Biết ơn thế hệ cha anh hy sinh vì độc lập dân tộc

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), tối 25/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp  tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”. Chương trình là dịp bày tỏ lòng biết ơn đối với những thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) -Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phân công cho 7 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Sở sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân Thủ đô tại trung tâm một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng đón 5 vạn khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(PNTĐ) - Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày 27/4 đến 1/5/2024. Với thời tiết được dự báo nắng nóng, oi bức, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn Thủ đô dự kiến sẽ thu hút đông đảo du khách tham quan. Hiện, Công viên nước Hồ Tây đã sẵn sàng các phương án cho việc dự kiến đón 5 vạn khách vào dịp này.