Những nữ “chiến binh” giữa tâm dịch

Chia sẻ

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát giữa những ngày đầu hè nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới gần 400C.

Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, cộng thêm việc phải giam mình nhiều giờ đồng hồ liên tục trong những bộ quần áo bảo hộ, những nữ “chiến binh” dũng cảm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang vẫn kiên cường, bền bỉ xông pha vào tâm dịch.

Xung trận thần tốc

Ngày 7/5, tỉnh Bắc Giang chính thức bước vào cuộc chiến trực diện với Covid-19 khi ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính trong đợt dịch này. Trước tình thế cấp bách, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cùng với toàn ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt, “thần tốc” với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng với việc kích hoạt hệ thống chống dịch, đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng gồm gần 200 cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm tham gia công tác phòng chống dịch.

Bác sỹ Lê Tiến Cương – Phó Giám đốc CDC Bắc Giang cho biết: “Mỗi khi phát hiện các ca F0 thì việc lấy mẫu để xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 là một trong những khâu then chốt, giúp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết, cách ly, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để. Do vậy, đơn vị đã nhanh chóng huy động các cán bộ chuyên môn từ các khoa, phòng để thành lập Tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19”.

Nhiệm vụ của tổ là phải khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm, bởi việc trả kết quả xét nghiệm nhanh phút nào thì sẽ hạn chế tốc độ lây lan dịch trong cộng đồng phút đấy. Hầu hết trong số họ đều là những nữ cán bộ trẻ, con cái rất nhỏ, có bé còn chưa cả đầy năm. Nhưng khi được nhận nhiệm vụ, họ không một giây phút nào nao núng hay do dự. Vội vã trở về nhà để gửi gắm con cái cho chồng, hay ông bà, rồi nhanh chóng trở lại đơn vị cùng các đồng nghiệp gấp rút lên đường để bước vào cuộc chiến đầy cam go và cấp bách nơi tâm dịch.

Các “nữ chiến binh” đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại  thị trấn Bích Động, Việt Yên - Bắc GiangCác “nữ chiến binh” đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại thị trấn Bích Động, Việt Yên - Bắc Giang

Chị Trần Thị Kiều Anh chia sẻ: “Mặc dù các con còn rất nhỏ và biết nhiệm vụ này rất vất vả, áp lực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng các chị em trong tổ đều nghĩ rằng đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của một người dân với đất nước mình và với chính những người thân của mình”.

Dẫu có tận mắt chứng kiến công việc của các nữ “chiến binh” trong tâm dịch cũng không thể nào cảm nhận được hết nỗi vất vả, cực nhọc khi phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín mít và làm việc trong thời tiết nắng nóng, oi bức. Công việc lấy mẫu đòi hỏi thời gian gấp rút, trong khi số lượng người cần lấy mẫu xét nghiệm rất đông.

Có những ngày cao điểm phải làm việc liên tục từ sáng sớm và khi kết thúc lúc 2-3 giờ sáng, về tới đơn vị hoàn thiện các thủ tục bàn giao mẫu cũng vừa hay trời sáng, chỉ kịp chợp mắt ít phút, cũng có khi chưa kịp chợp mắt đã lại vội vã lên đường. Do nhân lực ít nên Tổ lấy mẫu cũng giống như các Tổ/ đội phòng chống dịch khác của đơn vị không thể phân ca, mà phải làm việc liên tục với cường độ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch.

Đặc biệt, khi các ổ dịch lớn bùng phát mạnh tại khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu (Việt Yên), số ca F0 tăng lên nhanh chóng. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải nhanh chóng xét nghiệm trên diện rộng để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan. Phối hợp cùng với các đơn vị, các ngành chức năng, các lực lượng tình nguyện đến từ các tỉnh bạn, những nữ chiến sỹ áo trắng của CDC Bắc Giang đã lăn xả khắp các vùng cách ly, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để giám sát, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Áp lực công việc là vậy nhưng các chị vẫn luôn cảm thấy rất vui vì có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong cuộc chiến này.

Quá trình và kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cũng rất nghiêm ngặt, đòi hỏi sự khéo léo, thao tác nhanh và chuẩn xác cao để vừa có thể đem lại cảm giác dễ chịu nhất cho người được lấy mẫu, lại vừa đảm bảo tính chính xác cao của mẫu xét nghiệm, đảm bảo an toàn cho bản thân. Vậy nên, dù trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dù rất nóng và ngộp thở, nhưng các nữ chiến binh vẫn luôn cố gắng tỉ mỉ, cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong từng công đoạn.

Chưa đuổi được Covid-19 thì nhất quyết không rời vị trí

Vào những ngày này, để gặp được các nữ cán bộ trong Tổ lấy mẫu xét nghiệm thật khó khăn, bởi hầu hết thời gian trong ngày các chị lăn lộn nơi tâm dịch. Suốt mấy tuần qua, họ chưa có ngày nào được ngơi nghỉ khi Bắc Giang vẫn đang trở thành “điểm nóng” của cả nước. Khi được hỏi có lúc nào các chị cảm thấy nản lòng muốn nhận một nhiệm vụ khác nhẹ nhàng hơn không, các chị đều cười thật tươi trả lời: “Còn chưa đuổi được Covid-19 thì nhất quyết không rời vị trí”.

Công việc lấy mẫu xét nghiệm vào ban ngày khi nhiệt độ ngoài trời 35-360C, thì lúc mặc vào người bộ quần áo bảo hộ, nhiệt độ cơ thể sẽ lên tới 400C. Ai cũng mồ hôi ướt sũng, mặt đỏ gay gắt, choáng váng, sốc nhiệt. Tuy vậy, dù giữa trưa nắng gắt hay xuyên đêm, giữa hàng nghìn ánh mắt đầy lo âu, có cả tiếng những em bé khóc ré lên vì sợ hãi khi nhìn thấy các cô trong những “hình hài” không giống ai, lại càng thôi thúc các chị phải cố gắng, cố gắng hơn nữa.

Thảo luận trước giờ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Tam Tầng (Quang Châu, Việt Yên)Thảo luận trước giờ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Tam Tầng (Quang Châu, Việt Yên)

Chị Vũ Thị Thảo chia sẻ: “Những lúc mệt mỏi nhất, tưởng chừng mình không thể trụ thêm được một giây phút nào nữa, nhưng nhìn mọi người hoang mang, lo lắng, kiên nhẫn xếp hàng dài chờ tới lượt lấy mẫu, chúng tôi lại tự động viên nhau bằng ánh mắt, bằng cái gật đầu hãy cố lên, gắng lấy hết đến người cuối cùng mới thôi”.
Không cho phép mình chậm trễ, ngơi tay đó chính là tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của những “bông hồng thép” giữa tâm dịch nhằm bảo đảm sức khỏe, cuộc sống của cộng đồng. Mặc dù rất mệt, nhưng các chị em trong Tổ luôn chia sẻ và hỗ trợ nhau. Sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đồng nghiệp của mình có thêm vài phút nghỉ ngơi, động viên nhau phải giữ sức vì cuộc chiến còn dài. Những cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai không ai nghĩ họ lại có thể trụ vững một cách kiên cường, bền bỉ và giàu nhiệt huyết đến vậy. Đi sà sã liên tục từ đầu trận chiến đến giờ, có những ngày gần như không ngủ chút nào, nhưng hễ nhận được lệnh là các chị lại lập tức xung phong lên đường.

Chia sẻ về động lực để có được tinh thần thép trong nhiệm vụ lần này, chị Đỗ Thị Thùy cho biết đó chính là sự tần tảo và hy sinh của mẹ, là ánh mắt trông ngóng tủi thân của các con. Từ lúc chị nhận nhiệm vụ thì một mình mẹ chị vừa chăm sóc cho bố chị bị tai nạn phải bó bột chân nằm một chỗ, vừa phải chăm 4 đứa cháu nhỏ con của chị Thùy và chị gái của chị để các con tham gia công tác. Chồng chị Thùy là công an nên cũng phải trực, không được về nhà. Những lúc tranh thủ về qua nhà, chị cũng chỉ dám đứng từ xa hỏi thăm bố mẹ, rồi đứng dưới tầng ngẩng cổ lên để trò chuyện với các con một chút cho đỡ nhớ. Mẹ con nhìn thấy nhau mà không được ôm hôn, khiến mẹ khóc, con khóc. Điều đó càng thôi thúc bước chân chị quyết tâm tiến về tâm dịch, sát cánh cùng các đồng nghiệp để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Không giấu nổi xúc động khi được các chị chia sẻ những lá thư tuy nét chữ còn nguệch ngoạc, ngọng nghịu nhưng đầy yêu thương, những dòng tin nhắn da diết gọi mẹ về của các bé. Từ khi dịch bùng phát trở lại đến nay, chị Vũ Thị Thảo cùng nhiều nữ cán bộ khác trong Tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 chưa thể về nhà: “Hai vợ chồng mỗi người làm một nơi, cậu con trai 4 tuổi phải gửi về quê ở với ông bà nội. Nhiều lúc nhớ con lắm, muốn gọi điện để nhìn thấy con mà cũng khó khăn bởi mình đi lúc con chưa thức giấc, khi xong việc thì con đã ngủ say giấc rồi”.

Đang học tại Hà Nội, khi dịch bùng phát, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà liền vội vã trở về ngay đơn vị để tham gia vào Tổ lấy mẫu xét nghiệm. Với sức trẻ năng động và nhiệt huyết, chị Hà chia sẻ: “Đây không chỉ là thử thách mà còn là một cơ hội để những người làm công tác y tế dự phòng thể hiện sự dũng cảm, lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm và cống hiến hết mình với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.”

Giản dị và mộc mạc, những nữ chiến binh dũng cảm của CDC sau mỗi giờ căng thẳng thực hiện nhiệm vụ nơi tâm dịch, lại lăn xả vào hỗ trợ các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ tại đơn vị như: tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, nhập số liệu, chuẩn bị môi trường xét nghiệm, thống kê, báo cáo… Họ chia sẻ, động viên nhau cùng cố gắng ở bất cứ vị trí, nhiệm vụ nào bởi cuộc chiến dẫu còn nhiều cam go, nhưng có sự đồng lòng và quyết tâm nhất định chúng ta sẽ chiến thắng.

Bài và ảnh: TRẦN THỊ VIỆT NGA 
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang)

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.