Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: "Có những ngày tôi ký mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá"

Chia sẻ

Sáng 23/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ, khen thưởng trong kháng chiến là truyền thống quý báu nên cần phải tiếp tục. Nhưng chúng ta cần có hình thức làm cho phù hợp, phải thi đua thực tế hơn, chấm dứt hình thức.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp.Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, chúng ta đang tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, giai tầng xã hội. “Chúng ta phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức, thấm sâu từng cơ quan đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, trong khen thưởng có hiện tượng chạy thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. "Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá". Từ đó, Chủ tịch nước cho rằng khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy định. Khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chỉ chú trọng khen thưởng, không chú trọng thi đua.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch nước đề nghị nên có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức tuyến đầu và cả tuyến sau chống dịch. Bởi ngoài bác sĩ, công an, quận đội còn nhiều nhà thiện nguyện, hy sinh lớn lao, nhiều người đóng góp không tính toán gì cả.

“Bao nhiêu tấm gương điển hình bán từng ổ trứng gà, mảnh đất để hỗ trợ. Có người dân xông pha nấu rất nhiều suất cơm mấy năm trời để phục vụ người lao động. Đó là những hình ảnh tuyệt vời thì nên có những tôn vinh cá nhân, tập thể đó nhằm thôi thúc dân tộc ta, tạo tính nhân văn, thương yêu, đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước vượt qua khó khăn"- Chủ tịch nước chia sẻ.

Vì khen thưởng có quyền lợi nhất định nên Chủ tịch nước cho rằng cần có chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình trình thi đua, khen thưởng. “Ví dụ ông A bị thu hồi thành tích thi đua khen thưởng do có khiếu nại được khen thưởng không chính đáng, thì người trình phải chịu trách nhiệm rồi, nhưng người thẩm tra, thẩm định cũng phải chịu trách nhiệm vì quá trình đó có nhiều động tác, phải làm rõ để nâng cao trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

Sôi nổi Hội thao Công an Thủ đô năm 2025

(PNTĐ) - Chiều 4/7, Công an thành phố Hà Nội tổ chức bế mạc và trao giải Hội thao Công an Thủ đô năm 2025. Hội thao Công an Thủ đô năm 2025 là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.