Cô giáo Việt “top 10 toàn cầu”: Khát vọng cùng học sinh vẽ ước mơ không biên giới

Chia sẻ

Những ngày cuối năm gặp được Hà Ánh Phượng - top 10 giáo viên toàn cầu thật khó. Không phải vì Phượng đã trở thành “người nổi tiếng” mà bởi, cô quá bận rộn cùng học sinh của mình thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Với Phượng, học sinh lúc nào cũng là ưu tiên số 1.

Cô giáo Hà Ánh Phượng luôn ước mơ giúp cho các học sinh của mình tự tin bước về phía trướcCô giáo Hà Ánh Phượng luôn ước mơ giúp cho các học sinh của mình tự tin bước về phía trước (Ảnh: NVCC)

Luôn hết mình vì học trò

Hà Ánh Phượng, người dân tộc Mường, từ nhỏ đã mơ ước được trở thành giáo viên. Từ năm học cấp 2, Phượng đã chấp nhận cuộc sống xa nhà để ở nội trú tại trường phổ thông dân tộc. Cất đi nỗi nhớ người thân, bạn bè, cô dồn hết tâm sức vào việc học. Năm 2009, Phượng dành được học bổng Hoa Trạng Nguyên do Bộ GD-ĐT phối hợp trao tặng cho học sinh đỗ Thủ khoa tốt nghiệp THPT. Năm 2011, khi đang là sinh viên đại học Hà Nội, khoa tiếng Anh, cô lại trở thành 1 trong 14 sinh viên châu Á đoạt học bổng tiềm năng lãnh đạo.

“Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cô giáo Hà Ánh Phượng đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới, giúp các em được tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiên trên thế giới. Ngành Giáo dục đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy với mong muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành những “công dân toàn cầu” như cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên trên khắp cả nước”.

(Trích thư của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi cô giáo Hà Ánh Phượng)

Tốt nghiệp đại học, Phượng từ chối lời mời làm giám đốc kiêm phiên dịch cho một công ty dược của nước ngoài để tiếp tục học lên thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh. Với cô, một cuộc sống hạnh phúc không phải là có công việc ổn định, lương cao ở giữa Thủ đô như định nghĩa của một số người mà là được làm điều mình thích. Mấy chục năm qua, chưa bao giờ cô quên ước mơ trở thành giáo viên trên chính mảnh đất quê hương còn nghèo khó của mình.

Năm 2016, Hà Ánh Phượng được nhận đặc cách về trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ. Và hành trình truyền cảm hứng, cùng học sinh vẽ lên những ước mơ không biên giới của cô đã bắt đầu.

Nhờ có lợi thế tiếng Anh tốt, cô tham gia vào mạng lưới của Microsoft dành cho các giáo viên tiếng Anh toàn cầu. Những buổi trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các giáo viên đã giúp cho cô có thêm nhiều ý tưởng về những tiết học không lệ thuộc vào giáo án, những lớp học không bị giới hạn bởi 4 bức tường.

Tại trường THPT Hương Cần, 85% học sinh là người dân tộc, gia cảnh còn khó khăn. Vì thế, chẳng mấy khi các em được xuống Thủ đô, chưa nói tới ra nước ngoài. Ấy vậy mà tận dụng lợi thế của công nghệ, cô giáo Phượng đã sử dụng ứng dụng Zoom và Skype để đưa học sinh của mình đến với bạn bè ở khắp các quốc gia thuộc nhiều châu lục khác nhau.

Cô Phượng kể về một tiết học mà cô rất tâm đắc mới được thực hiện gần đây. Dạy về bài nhạc quan họ Việt Nam và nhạc truyền thống Dangdut của Indonesia trong SGK lớp 10, thay vì giao nhiệm vụ để học sinh tự nghiên cứu rồi sau đó nghe qua lời giảng của giáo viên, cô Phượng đã kết nối với một lớp học tại Indonesia. Trong giờ học, các học sinh Việt Nam được xem các bạn Indonesia trình diễn nhạc Dangdut và đến lượt mình, các em lại biểu diễn Quan họ cho học sinh Indonesia xem.

“Thông qua tiết học này, thầy trò chúng tôi đã bất ngờ khám phá được nhiều kiến thức thú vị vượt ra khỏi khuôn khổ của SGK. Đó là hiện nay, nhạc truyền thống Dangdut đã được người Indonesia làm mới, đưa vào trong rap, hiphop…”- cô giáo Phượng chia sẻ.

Hay như một bài tập khác yêu cầu học sinh giới thiệu về Việt Nam trong tình huống giả định được đón một người bạn nước ngoài đến thăm trường. Bình thường, các học sinh sẽ phải tưởng tượng về người bạn nước ngoài đó rồi tự thuyết trình cho nhau nghe. Nhưng, cũng với mô hình lớp học xuyên biên giới, cô Phượng đã kết nối với học sinh ở 7 quốc gia khác. Và thế là, các học sinh của cô đã được giới thiệu với các bạn quốc tế về văn hóa Việt Nam và văn hóa, phong tục đón Tết của người Mường…

Phần thưởng dành cho người thầy không ngừng sáng tạo

Năm 2020 chắc chắn là một năm vô cùng đáng nhớ với cô giáo Hà Ánh Phượng khi cô đã được Varkey Foundation, một Quỹ từ thiện toàn cầu tập trung vào việc cải thiện các tiêu chuẩn giáo dục cho trẻ em kém may mắn chọn là 1 trong top 10 giáo viên toàn cầu từ hơn 10.000 ứng viên. Với danh hiệu này, Hà Ánh Phượng đã trở thành giáo viên Việt Nam đầu tiên và cũng là người trẻ tuổi nhất được nhận danh hiệu năm 2020 cùng với 9 giáo viên khác đến từ Ý, Brazil, Vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia và Hàn Quốc. Đây là giải thưởng thường niên được ví như “giải Nobel dành cho giáo dục” nhằm tôn vinh những giáo viên có đóng góp xuất sắc trong nghề dạy học.

Cô giáo Việt “top 10  toàn cầu”: Khát vọng cùng học sinh vẽ ước mơ không biên giới - ảnh 2

Trong giây phút nghe xướng tên, cô Phượng đã bật khóc vì xúc động. Với cô, danh hiệu này không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực của cá nhân cô mà còn của các học sinh miền núi và nền giáo dục nước nhà.

Cô Phượng cho biết, lúc nào cũng muốn cháy hết mình với nghề và làm những điều tốt đẹp nhất cho trò. Năm học 2018 – 2019, cô đã tham gia hội thảo quốc tế với sáng kiến sử dụng phim để dạy tiếng Anh cho học sinh. Năm sau, cô lại thành công khi hướng dẫn học sinh làm dự án quốc tế - “Say NO to plastic straw” đạt top 150 sản phẩm xuất sắc nhất, trong cuộc thi dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, do Bộ GD-ĐT phối hợp với tập đoàn Microsoft tổ chức. Các học sinh của cô còn mang sản phẩm được làm từ chiếc ống hút tre giới thiệu với bạn bè quốc tế để cùng kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Và hiện nay, cô Phượng lại tiếp tục cùng học sinh triển khai một dự án cũng rất có ý nghĩa mang tên “Chống bạo lực trên không gian mạng”. Thông qua dự án, cô Phượng để các học sinh của mình tự tìm hiểu, nghiên cứu về những nguy cơ các em gặp phải, sau đó cùng tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho nhau trong việc bảo vệ bản thân khi sử dụng internet.

Cô Phượng tâm sự, điều cô mừng là ở quê hương cô, tỷ lệ trẻ em gái lấy chồng sớm đã giảm nhiều. Các gia đình đã ngày một quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến việc học của con em. Một số học sinh của cô đã đạt được kết quả cao trong học tập như năm vừa qua, có em đã đạt Á khoa của khoa tiếng Anh, đại học Hà Nội với 28 điểm. Tuy nhiên, cô Phượng vẫn còn nhiều trăn trở vì tỷ lệ học sinh của cô sau khi tốt nghiệp THPT chọn học lên đại học vẫn chưa cao.

“Do cuộc sống còn khó khăn, nhiều em sau khi tốt nghiệp đã đi làm công nhân để sớm kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình. Còn tôi lại muốn các em cố gắng để học lên cao nữa, có như vậy thì sự đổi thay mới đến với cuộc đời của các em một cách vững bền. Các học sinh của tôi đều có nhiều tiềm năng để thành công. Vì thế, ước mơ lớn nhất của tôi, không phải là giành được nhiều danh hiệu, giải thưởng lớn mà là luôn được đứng ở phía sau, truyền động lực để các học sinh tự tin bước về phía trước tới với những chân trời không biên giới” - cô Phượng chia sẻ.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

(PNTĐ) - Chiều 17/5, quận Ba Đình tổ chức Hội nghị công bố, quyết định thành lập Trường THCS Giảng Võ 2 và trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng. Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình) được thành lập trên cơ sở tách Trường THCS Giảng Võ để hướng tới xây dựng trường chất lượng cao.
Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

(PNTĐ) - Chiều 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chương trình Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Trước đó, ngày 13/5/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

(PNTĐ) - Để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Giúp con thích đọc sách chữ

Giúp con thích đọc sách chữ

(PNTĐ) - Sách đã giúp chị Phạm Hạnh (Quảng Ngãi) bước sang một trang mới, tích cực, hiểu biết và phát triển bản thân hơn. Chị đã quyết định đầu tư cho mình và gia đình một kệ sách và giúp con yêu từng trang sách chữ.