Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 12/7/2022, tại Hà Nội, TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF)và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ các nghiên cứu mới nhất về hiện trạng công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy cơ hội tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng và hiệu quả cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham dự sự kiện có đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc cùng các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức trong nước và quốc tế làm việc trong lĩnh vực phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản - ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo

Tại Việt Nam, phụ nữ dành khoảng 20 giờ mỗi tuần cho công việc chăm sóc gia đình, gần gấp đôi thời gian của nam giới cho công việc này (khoảng 10,7h/ tuần). Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, khoảng cách này còn lớn hơn, gây ra những trở ngại cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất. Dù công việc ngốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng công việc chăm sóc gia đình vẫn chưa nhận dược sự đánh giá và trân trọng từ các thành viên khác tỏng gia đình, đặc biệt là nam giới và cộng đồng.

Tổ chức về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) bao gồm: CVCSKL gián tiếp như việc nhà, nấu nướng và chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp, giặt giũ quần áo, lấy nước và chất đốt; và CVCSKL trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật.

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản - ảnh 2
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Trên thế giới, phụ nữ dành thời gian cho công việc chăm sóc không được trả lương nhiều hơn nam giới từ hai đến mười lần. Sự phân bổ không đồng đều về trách nhiệm chăm sóc này có liên quan đến các thể chế xã hội còn định kiến về vai trò giới. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khác dẫn đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương bao gồm các công trình hạ tầng chưa đề cao tính nhạy cảm về giới hay thiếu dịch vụ chăm sóc có chất lượng.

Báo cáo Thực trạng công việc chăm sóc không lương ở Việt Nam: Rào cản tham gia thị trường lao động do Trung tâm Phân tích và Dự báo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2022 cho thấy, gánh nặng CVCSKL nặng nề và bất bình đẳng đối với phụ nữ đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm được trả lương và việc làm bền vững. Khi dân số Việt Nam già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ.

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản - ảnh 3
Các đại biểu chủ trì hội thảo

Trong khi đó, tình trạng già hóa dân số đòi hỏi phải tăng cường sự tham gia thị trường lao động của lao động nữ, gồm cả tăng số giờ làm việc và năng suất, để Việt Nam có thể tăng đáng kể GDP bình quân đầu người và đạt được tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 và thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, phụ nữ hầu như là người chăm sóc chính trong nhà.

So với các nhóm CVCSKL khác nhau, phụ nữ đặc biệt chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới gánh trách nhiệm việc nhà thường nhật. Khoảng cách giới trong việc nhà thường nhật là 15,5 điểm phần trăm, chênh lệch giữa 93,2% phụ nữ so với 77,8% nam giới làm việc nhà. Trong khi đó, khoảng cách giới trong việc chăm sóc con cái chỉ là 6,2 điểm phần trăm (59,4% phụ nữ so với 53,2% nam giới).

Giữa phụ nữ và nam giới có khoảng cách giới đáng kể trong thời gian dành cho CVCSKL. Mỗi tuần, thời gian phụ nữ dành để làm CVCSKL nhiều hơn 8,3 giờ so với nam giới, sau khi đã kiểm soát các đặc điểm như độ tuổi, tình trạng hôn nhân, dân tộc, học vấn, khu vực thành thị/nông thôn, vùng, ngành kinh tế, việc làm chính thức/phi chính thức, và thu nhập của người lao động được trả công. Khoảng cách giới lớn nhất được phát hiện trong thời gian làm việc nhà thường nhật, tiếp đến là thời gian chăm sóc trẻ em, trong khi khoảng cách nhỏ nhất là với các công việc chăm sóc sức khỏe thành viên gia đình.

Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của các hộ có con em dưới 6 tuổi còn hạn chế. Cứ 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có trẻ dưới 6 tuổi thì chỉ 3 hộ cho biết họ có gửi trẻ đến các cơ sở trông trẻ mặc dù độ sẵn có dịch vụ ở một tỷ lệ cao hơn đáng kể. Các dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật, và giới thiệu việc làm cho phụ nữ còn yếu và thiếu. Gần 87% hộ DTTS cho biết có trạm y tế công và 57% cho biết có các dự án/công trình cấp nước sạch tại nhà ở khu vực họ sinh sống. Các dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cũng có tỷ lệ sử dụng thấp hơn nhiều so với mức độ sẵn có của dịch vụ…

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản - ảnh 4
Gánh nặng việc nhà và chăm sóc con nhỏ khiến phụ nữ dân tộc thiểu số khó tìm được công việc có thu nhập tốt (ảnh minh họa)

Khảo sát thực trạng công việc chăm sóc không lương ở vùng dân tộc thiểu số Hà Giang và Lai Châu cho thấy, trung bình mỗi ngày một phụ nữ dân tộc thiểu số dành khoảng 5 giờ cho các CVCSKL, nhiều hơn nam giới 2,1 giờ. Công việc chăm sóc không lương mất nhiều thời gian của phụ nữ dân tộc thiểu số nhất là chăm sóc trẻ em, người già, người ốm, người khuyết tật (30,3% tổng thời gian), và các công việc chăm sóc gián tiếp như nấu nướng và dọn dẹp sau bữa ăn (19,1%) và đi lấy củi (13,2%). Chỉ tính giá trị kinh tế của CVCSKL, trung bình một phụ nữ DTTS đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ…

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Kim Dung, Giám đốc Quốc gia tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết, “bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố gây ra khoảng cách giới trong kết quả lao động, chẳng hạn như tham gia lực lượng lao động, tiền lương và chất lượng công việc. Giải quyết các định kiến và chuẩn mực giới là bước đầu tiên trong việc phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc và nội trợ giữa phụ nữ và nam giới, để từ đó, người phụ nữ có thể tham gia công bằng vào thị trường lao động, tạo thu nhập cho bản thân, gia đình và nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong các quyết định liên quan”.

Để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và gánh nặng công việc chăm sóc không lương cho phụ nữ dân tộc thiểu số, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, cần thay thế các thiết bị gia dụng hỗ trợ công việc chăm sóc không lương, giúp giảm đáng kể thời gian và công sức của phụ nữ. Nhà nước cần đầu tư thỏa đáng vào cơ sở hạ thầng và các dịch vụ xã hội, ưu tiên các công trình cơ sở hạ tầng có trách nhiệm giới; đầu tư cho các dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già, người khuyết tật, truyền thông thay đổi định kiến giới…

Tại Hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện hiệu quả “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”. Trong chiến lược phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII “Tập trung giải quyết các vấn đề thiết thân của một số nhóm phụ nữ, đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”, trong đó tập trung tại vùng dân tộc thiểu số, đó là “Kết nối, tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn và phát huy vai trò của một số nhóm phụ nữ yếu thế, đặc thù.

Hội tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021-2025; triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…; thực hiện hiệu quả các Đề án tại vùng dân tộc thiểu số như Đề án 938 “Tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; phối hợp hiệu quả với hiệp hội doanh nhân nữ hướng đến các hoạt động khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số…

“Thời gian tới, Hội ưu tiên thực hiện các nội dung trọng tâm trong Dự án 8 liên quan đến "Công tác tuyên truyền, xóa bỏ khuôn mẫu giới tại vùng dân tộc thiểu số” và “Thúc đẩy bình đẳng giới gắn với nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số”; tập trung tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng như: Xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong thay đổi trong cộng đồng, thực hiện các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, triển khai “chiến lược truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, tổ chức các hội thi/liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ trẻ em vùng dân tộc thiểu số, triển khai xây dựng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, nhân rộng các mô hình quỹ tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường cải thiện cơ hội sinh kế, tạo cơ hội thu nhập và lồng ghép giới, hỗ trợ ứng dụng 4.0 cho phụ nữ…” – bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết.

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.