Giải mã mâu thuẫn chị dâu em chồng

Chia sẻ

Chẳng phải hai người không hợp tính nhau nên hay mâu thuẫn. Chẳng phải người chị dâu ăn ở không khéo, không tốt. Những mâu thuẫn, bất hòa giữa chị dâu, em chồng tồn tại ở cả các nền văn hóa khác nhau. Giải thích điều này phải kể đến những nguyên nhân tâm lý.

Tâm lý "ma cũ bắt nạt ma mới"

So với cô em chồng hay bà chị chồng, thì cô dâu mới về nhà chồng đích thị là "ma mới". Tâm lý "ma cũ bắt nạt ma mới" có ở mọi môi trường, từ cơ quan, trường học, đến trong gia đình. Ma cũ muốn ra oai, muốn thể hiện quyền lực, muốn được ma mới nể trọng nên dùng các "tiểu xảo" để khuất phục, uy hiếp, đe dọa, "đánh phủ đầu".

Giải mã mâu thuẫn chị dâu em chồng - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

So với các môi trường như cơ quan, trường học, tập thể xã hội, thì "ma mới" trong gia đình có nhiều thế mạnh hơn. Ma mới này được yêu, được đón rước linh đình, được pháp luật công nhận "định cư lâu dài", không dễ gì đe dọa, nạt nộ, nên ma cũ càng cay, càng dùng những đòn thâm hiểm để phá đám ma mới, để ma mới phải "dè chừng", phải ... biết ta là ai.

Tâm lý "khác máu tanh lòng"

Cô dâu mới là kẻ "đơn thương độc mã" trong gia đình nhà chồng, dù cô có được chồng yêu. Cô em chồng, bà chị chồng ít nhiều cũng có "người chống lưng" chính là bố mẹ chồng. Tâm lý chung là bố mẹ sẽ yêu quý, bênh vực con mình hơn "con người khác". Cùng mắc lỗi như nhau, cô con gái sẽ được bố mẹ lờ đi, xí xóa hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng, còn cô con dâu thì "có bé bị xé ra to", nâng cao quan điểm.

Nhìn thấy con gái mình khóc lóc, buồn bã vì bị bà chị dâu ăn hiếp, bố mẹ sẽ xù lông xù cánh che chở, bảo vệ. Bên cạnh bố mẹ, ngay cả ông anh trai cũng thường yêu quý, nể nang em gái mình, bởi đó là "người ruột thịt". Dù có yêu vợ, bênh vợ cũng khó ra mặt mà đàn áp em gái mình, sợ mang tiếng "nghe vợ" hay "đội vợ lên đầu". Thế là cô em chồng cảm thấy "quân mình đông hơn", lại càng uy hiếp "kẻ địch".

Tâm lý kèn cựa và ganh ghét

Cùng là phụ nữ với nhau mà chị dâu/em dâu thì được chồng yêu quý, mình thì vẫn lẻ bóng, đơn côi, cay lắm chứ. Cô dâu mới mà xấu xí, nghèo khó, kém cỏi thì bị em chồng, chị chồng khinh miệt, cho rằng cô dâu đã dùng mẹo gì đó mà "lừa được anh trai mình". Nếu cô dâu xinh xắn, biết ăn diện, thông minh, sắc sảo, hơn hẳn cô em hay bà chị chồng thì cô dâu cũng "chết" vì sự ganh ghét.    

Giải mã mâu thuẫn chị dâu em chồng - ảnh 2 (Ảnh: minh họa)

Không phải vơ đũa cả nắm, bởi cũng có những cô em gái, bà chị gái "biết nghĩ", rằng chị dâu hay em dâu là người sẽ thay mình chăm sóc bố mẹ khi già yếu, là người mang lại hạnh phúc cho anh trai mình, nên cần yêu thương, trân trọng, quý mến.

Tuy nhiên, con người không phải lúc nào cũng tỉnh táo, lý trí, nên đôi khi sự nhỏ nhen, đố kỵ, không muốn ai hạnh phúc hơn mình nó lại lộ ra, lại nảy sinh những bất hòa, mâu thuẫn. Mà khi trong lòng đã không ưa nhau thì hay để ý, gây sự, xét nét, châm chọc, đá thúng, đụng nia...

Và bất hòa về lối sống

Bên cạnh những nguyên nhân mang tính tâm lý định sẵn nêu trên, một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ chị dâu, em chồng trở nên "cơm không lành canh không ngọt" chính là sự xung khắc, bất hòa, đối lập về lối sống.

Cô dâu mới vụng về, ham ăn, lười làm, vô duyên sẽ khiến cho một gia đình vốn có nề nếp gia phong bị xáo trộn và gây khó chịu cho các thành viên trong gia đình. Người sát sườn, thường xuyên để ý đến chuyện sinh hoạt nhỏ lẻ trong gia đình là mẹ chồng và các thành viên nữ khác.

Giải mã mâu thuẫn chị dâu em chồng - ảnh 3 (Ảnh: minh họa)

Ngược lại, cô em chồng hư hỗn, cậy mình được bố mẹ bênh vực mà có thái độ quá quắt với chị dâu cũng khiến chị dâu không thể "yêu em chồng" được. Lên mặt bà chị dạy dỗ em chồng có khi bị bố mẹ chồng phật lòng, bị cô ấy bù lu bù loa, ăn vạ, khóc lóc. Nói với chồng, đôi khi đàn ông sống đơn giản, gạt phắt đi, nói rằng nó là em mình, không vừa lòng điều gì cứ nói thẳng, nhưng chuyện đâu có dễ như thế. Vậy là hai bên nhịn nhau như nhịn cơm sống.

Nhưng sự nhịn nhục, nhún nhường nào cũng có giới hạn, đến khi "tức nước vỡ bờ", mâu thuẫn âm thầm trở thành những cuộc đấu khẩu, cãi vã hay chơi xấu nhau.

Tâm lý nhún nhường của "kẻ ngoại lai"

Người ta nói "sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người", các chị dâu, em dâu bị các cô em chồng, chị gái chồng bắt nạt một phần vì chính tâm lý nhún nhường của chị em dâu khi mới về nhà chồng. Tâm lý cho rằng mình là kẻ ngoại lai, có chịu nín nhịn một chút, chiều chuộng "bà cô bên chồng" một chút cũng không thiệt gì, nên các bà cô bên chồng được thể lấn lướt.

Nếu ngay từ đầu, các cô dâu xác định "dâu là con", coi mình là một thành viên trong gia đình, mọi xích mích mâu thuẫn nảy sinh kịp thời trao đi, đổi lại, xác định đúng sai, ai sai phải chịu trách nhiệm "xin lỗi" người kia, sự việc đã khác. Đừng tin rằng "một điều nhịn, chín điều lành", hãy nhớ "ta càng nhân nhượng, kẻ khác càng lấn tới".

Không phải không có những cô em chồng, chị chồng bị "kẻ ngoại lai" bắt nạt, song những trường hợp đó không nhiều. Hơn nữa, nếu có, họ cũng có thể kêu cứu và được một đội ngũ "bênh vực viên" như ông anh trai, cậu em trai, bố mẹ.

Nhìn chung hầu hết tâm lý "người nhà" giúp các bà cô bên chồng giành được thế thượng phong, con các cô dâu mới về nhà chồng chịu nhiều thua thiệt. Vì thế trong vấn đề này, hãy nâng cao hiểu biết tâm lý từng thành viên trong gia đình, hiểu lý do nào dẫn tới mâu thuẫn, để từ đó có cách ứng xử phù hợp, làm cho cuộc sống hôn nhân của mình dễ thở hoặc hạnh phúc viên mãn.

                                                                                                           ĐINH THẢO

Tin cùng chuyên mục

Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

Hai chiếc giường trong phòng ngủ của bố mẹ

(PNTĐ) - Hơn 20 năm nay, chị em tôi quen với hình ảnh trong phòng ngủ của bố mẹ kê hai chiếc giường thay vì một như những nhà khác. Mẹ giải thích, chiếc giường đó, bố sẽ sử dụng cho những hôm bố uống rượu nhiều; còn lại những ngày bình thường, bố mẹ vẫn ngủ chung trên chiếc giường hạnh phúc. Nhưng hóa ra, câu chuyện đó không hẳn như vậy…
Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi”

Cha mẹ cùng con vượt sốc “hỏng thi”

(PNTĐ) - Cứ sau mỗi mùa thi, lại có không ít câu chuyện buồn xảy ra. Có em đã tìm đến cái chết vì thi trượt vào trường yêu thích. Có em tuyệt vọng, bỏ nhà đi lang thang, tự oán trách mình làm ảnh hưởng tới danh dự của gia đình.
Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi

Đừng chờ con lớn mới dạy... bơi

(PNTĐ) - Biết bơi là kỹ năng sinh tồn quan trọng, việc chọn đúng thời điểm, đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ học nhanh hơn, an toàn và không bị sợ nước, góp phần giúp mỗi chuyến đi của con và gia đình thêm an tâm, vui vẻ.
Bảo vệ con trên môi trường số

Bảo vệ con trên môi trường số

(PNTĐ) - Hiện nay, internet và các thiết bị số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình, đặc biệt là với trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, môi trường số cũng ẩn chứa không ít thách thức và hiểm họa khó lường với trẻ.
Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

Bài học yêu thương sau cú ngã của mẹ

(PNTĐ) - Hôm ấy, tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác lạnh toát sống lưng khi bố tôi nghe điện thoại gọi đến từ bệnh viện: “Vợ anh gặp tai nạn giao thông, hiện vẫn hôn mê, đang được cấp cứu”. Có vẻ bố tôi không kịp nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ biết cầm áo khoác, lấy chìa khoá xe máy rồi lao ra đường, còn tôi nước mắt chực trào còn chân thì muốn khuỵu xuống.